Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học sinh lớp 1 học gì những ngày đầu năm?

Tạp Chí Giáo Dục

“Tm bit búp bê thân yêu… Mai em vào lp 1 ri…”, bài hát quen thuc thưng vang lên rn rã mi khi tr chia tay trưng mm non đ vào lp 1.


Hc sinh lp 1 Trưng Tiu hc Đng Đa (Q.4, TP.HCM) tp ngi ngay ngn, đưa tay khi mun phát biu

Vào lớp 1, một giai đoạn mới nhưng rất quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Các em thật sự học nhiều điều kể từ khi vào trường tiểu học. Phụ huynh khi đến trường tiểu học đón con ra về, hỏi: “Hôm nay, thầy cô dạy con chữ gì?” và câu trả lời làm nhiều phụ huynh bất ngờ là các em không học chữ gì hết mặc dù đến trường đã nhiều tuần. Vậy học sinh (HS) lớp 1 học gì trong những ngày đầu năm học?

Trước tiên, HS lớp 1 sẽ được làm quen với trường, với lớp. Theo đó, giáo viên lớp 1 sẽ giới thiệu, lưu ý HS về lớp, trường mình. Thầy cô phải dắt HS đi đến từng phòng để giới thiệu: phòng ban giám hiệu, thư viện, phòng tin học, căng tin… và cả nhà vệ sinh. Việc HS lớp 1 vào nhầm lớp là chuyện thường xuyên xảy ra, vì thế giáo viên phải cho các em nhận biết vị trí lớp mình như phòng số mấy, dãy nào, cách phòng ban giám hiệu hay thư viện mấy phòng học… Phòng vệ sinh là nơi mà HS lớp 1 được hướng dẫn kỹ nhất vì kể từ bây giờ các em phải tự đi vệ sinh một mình mà không có cô giáo đi theo hỗ trợ, nhắc nhở như hồi mẫu giáo. Cách dội nước, dùng vòi nước, sử dụng giấy vệ sinh, rửa tay bằng xà phòng… đều được chỉ dẫn cụ thể.

Ở mầm non, khi đến lớp, trẻ vào lớp ngay với cô giáo, nhưng vào lớp 1, các em phải tập làm quen với tiếng trống (tiếng chuông) báo giờ vào học, ra chơi, hết giờ chơi, ra về. Các em khi nghe tiếng trống cũng không được ùa vào lớp ngay mà phải xếp hàng ngay ngắn. Việc xếp hàng đối với HS lớp 1 cũng không dễ dàng. Các em phải nhớ vị trí xếp hàng trên sân của lớp mình, phải nhớ mình đứng ở vị trí số mấy hay đứng sau bạn nào, rồi so hàng để cho thẳng, đẹp mắt theo thứ tự bạn thấp đứng trước, bạn cao nhất đứng cuối. Nhiều HS lớp 1 lơ đễnh, giáo viên tập xếp hàng cả tuần cũng không nhớ mình đứng ở vị trí nào, thầy cô phải nhắc nhở mỗi lần xếp hàng. Vào lớp, HS lớp 1 cũng phải tập nhớ vị trí ngồi của mình: ngồi dãy nào, bàn số mấy, ngồi với bạn nào; chẳng phải như ở mầm non ngồi đâu cũng được hay cô giáo bảo ngồi đâu thì ngồi đó. Khác với mầm non, trẻ muốn ngồi, đứng, thậm chí nằm trong lớp hay muốn nói cười, hát hò gì thì làm tùy ý. Khi cô giáo nhắc nhở, trẻ mới làm đúng yêu cầu. Giờ đây, các em phải tập ngồi ngay ngắn trong 35 phút của tiết học, thực hiện mọi điều theo yêu cầu thầy cô. Muốn phát biểu hay có ý kiến gì cũng phải giơ tay, giáo viên cho phép mới được nói. Ở mầm non, học hay làm gì, cô giáo sẽ phát cho các em sách vở, đồ dùng rồi thu lại khi xong. Vào lớp 1, HS phải tập lắng nghe thầy cô yêu cầu lấy đồ dùng học tập gì, học xong phải biết cất vào. Giáo viên lớp 1 phải hướng dẫn HS nhận biết các quyển sách tiếng Việt, toán, tự nhiên xã hội, đạo đức… qua các hình ảnh trang bìa để các em lấy cho đúng. Với tập vở, giáo viên phải quy định như vở có ghi số 1 là vở tiếng Việt, vở ghi số 2 là vở toán…; có giáo viên không ghi số mà dán hình ảnh cho dễ thấy như tiếng Việt thì dán bông hoa, toán thì dán ngôi sao để HS không nhầm lẫn. Theo đó, HS lớp 1 cũng phải cả tuần mới nhớ các loại sách, tập để lấy nhanh, lấy đúng khi học.

Khi sử dụng các dụng cụ học tập như bút chì, bút màu…, ở mầm non, trẻ thường dùng để tô màu, vẽ tranh, đồ chữ trong một thời gian ngắn và cũng không cần quá tập trung khi thực hiện. Vào lớp 1, các em phải sử dụng thường xuyên hơn nên dễ mỏi tay và phải tập trung để làm đúng. Các em sẽ được thầy cô hướng dẫn cầm bút cho đúng để dễ viết, ít mỏi tay… và tập trung để viết cho ngay hàng thẳng lối. Những nét sổ, nét ngang dễ dàng “quẹt” vào tập ở mầm non giờ khó khăn hơn vì phải thẳng và có khoảng cách đều đặn. Giáo viên lớp 1 cũng phải chỉ dẫn HS cách dùng cục gôm để tẩy sao cho giấy không bị nhăn nhúm hay rách toạt cả tờ giấy. Những chuyện nhiều phụ huynh tưởng chừng như HS đã biết vì đã làm nhưng thực tế làm theo yêu cầu lớp 1 là đều không dễ với các em. Sau buổi học, HS lớp 1 cũng phải tập thu dọn đồ dùng học tập bỏ vào cặp trước khi ra về theo hướng dẫn của thầy cô để không để quên ở lớp hay lấy nhầm đồ của bạn. Việc HS lớp 1 đi học “một tuần hết một tá bút chì” như lời than phiền của nhiều phụ huynh là điều thường xuyên xảy ra. Bởi các em chưa quen với việc kiểm tra đồ dùng của mình trước khi về hoặc không nhận biết đồ dùng của mình là cái nào. Trên bàn của giáo viên lớp 1, bút, thước, gôm, bình nước…, thậm chí cả áo khoác, nón để đầy nhưng HS không biết là của mình để nhận lại. Giáo viên thường phải thông báo đến phụ huynh những món đồ dùng HS để quên ở lớp cho phụ huynh vào nhận lấy. Vì thế, phụ huynh cần tập cho HS nhận diện đặc điểm các đồ dùng của các em. Một việc mà HS cũng phải học vào những ngày đầu năm ở lớp 1 đó là phải đứng ngay ngắn, giữ im lặng trong tiết chào cờ, sinh hoạt dưới cờ. Các em thường ngỡ ngàng, thắc mắc tại sao phải đứng yên, phải im lặng khi tiếng nhạc vang lên, khi các anh chị lớp trên hát mà không được nhảy múa, vỗ tay… như ở mầm non. Đã thế, sau khi chào cờ xong, tất cả HS phải ngồi im một chỗ để lắng nghe sinh hoạt dưới cờ. Để HS lớp 1 hiểu và thực hiện đúng trong chào cờ đầu tuần, các thầy cô cũng tốn rất nhiều công sức.

Những ngày đầu năm học ở lớp 1, HS không học chữ nhưng các em phải học rất nhiều điều hữu ích về nền nếp sinh hoạt, học tập ở lớp, ở trường. Phụ huynh HS lớp 1 đừng nôn nóng khi thấy con mình đến trường đã lâu nhưng “không học gì hết”. Một số phụ huynh thấy con mình không được học chữ, đến trường “vô ích, mắc công đưa đón” nên chỉ cho các em đến trường vài ngày rồi cho ở nhà, đợi khi học chữ mới đưa đến lớp. Điều này hoàn toàn sai lệch. Bởi các em phải làm quen với nền nếp, cách sinh hoạt ở trường tiểu học thì mới có thể học tốt các kiến thức văn hóa được. Sau buổi học những ngày đầu năm, phụ huynh cần hỏi HS: “Hôm nay con đến trường có vui không? Thầy cô dạy con làm gì? Con đã nhớ mặt cô hiệu trưởng, bác bảo vệ chưa? Con có sử dụng nhà vệ sinh chưa? Con đã bỏ sách vở, đồ dùng vào cặp đủ chưa?”… Dựa vào các câu trả lời của HS, phụ huynh hướng dẫn, nhắc nhở các em thêm. Có như thế, phụ huynh mới thật sự hỗ trợ cho giáo viên lớp 1 trong việc dạy và học, cũng như giúp con mình sớm hòa nhập được với môi trường học mới, cách sinh hoạt mới.

Lớp 1 là lớp nền tảng của cấp tiểu học. Giáo viên lớp 1 thật sự là những thầy cô cực nhọc, vất vả nhất ở tiểu học. Theo đó, thầy cô gần như phải “cầm tay chỉ việc” cho từng HS trong những ngày đầu đến lớp để các em có thể hòa nhập với trường tiểu học. Các giáo viên lớp 1 đã rất quan tâm chỉ dạy, uốn nắn HS. Chính vì quá mong muốn HS sớm có nền nếp ổn định nên đôi khi các thầy cô bị “mang tiếng” là dữ dằn, khó khăn. Do đó, phụ huynh cần thông cảm với giáo viên và hãy phối hợp chặt chẽ, cùng thầy cô chỉ dẫn, nhắc nhở con để các em có thể vững bước trên hành trình học tập ở lớp 1.

Bài, ảnh: Lê Phương Trí

Bình luận (0)