Học sinh lớp 10, Trường THCS và THPT Trần Đại Nghĩa (quận 1) vừa công bố các kết quả nghiên cứu về văn học dân gian qua các đề tài Những dấu ấn tinh thần của người Ê-đê cổ trong trích đoạn Đăm Săn đi chinh phục Nữ thần Mặt Trời; Tìm hiểu về đặc điểm ca dao tình yêu đôi lứa; Hệ thống các vị thần trong thần thoại.
Học văn qua nghiên cứu khoa học chuyên sâu được xem là cách tiếp cận mới trong dạy và học môn ngữ văn.
Nâng tầm việc học văn với đề tài nghiên cứu
Đề tài Tìm hiểu đặc điểm ca dao tình yêu đôi lứa, lớp 10A3 đã tham khảo tới 16 mục tài liệu từ Từ điển tiếng Việt, sách nghiên cứu, bài báo…, đi từ cơ sở lý luận đến nội dung ca dao về tình yêu với những cung bậc cảm xúc: lời tỏ tình, nhớ thương, nỗi buồn, những hứa hẹn thề nguyền; cho đến nghệ thuật…
Theo nhóm nghiên cứu, ca dao tình yêu đôi lứa phản ánh chân thực và đa dạng các cung bậc cảm xúc của người Việt trong tình yêu…, ca dao chứa đựng những giá trị văn hóa, phong tục tập quán của người Việt; không chỉ là nguồn cảm hứng mà còn là nền tảng văn hóa, ảnh hưởng đến sự phát triển của văn học Việt Nam.
Từ quá trình nghiên cứu, nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng, việc phát huy và giữ gìn những câu ca dao là trách nhiệm của mỗi cá nhân để thế hệ mai sau có thể tiếp nối và trân trọng những giá trị văn hóa quý báu này.
Nguyễn Minh An – học sinh lớp 10A3, đại diện nhóm nghiên cứu – đánh giá, ca dao tình yêu đôi lứa ảnh hưởng đến việc giáo dục cho giới trẻ nhận biết đâu là tình yêu đích thực. Những tình cảm trong ca dao sẽ giúp người trẻ nhìn nhận lại chính mình về tình yêu và cuộc sống để hạnh phúc chín trong tay…
Trong khi đó, để thực hiện đề tài nghiên cứu Hệ thống các vị thần trong thần thoại Hy Lạp, lớp 10A2 đã phải đọc tới 35 mục tài liệu tham khảo, trong đó có nhiều tài liệu nước ngoài. Công trình nghiên cứu dù chỉ đề cập đến khía cạnh hệ thống các vị thần, chức năng các vị thần trong Thần thoại Hy Lạp song thể hiện được sự bài bản, công phu…
“Những vị thần trong Thần thoại Hy Lạp được mô tả hết sức sống động, giống với hình tượng của con người… Hết thảy, không phải là những câu chuyện hoặc nhân vật được đóng khung. Đọc Thần thoại Hy Lạp trong lòng ta thường vấn vương những niềm ước mơ, khát vọng sống tốt đẹp” – nhóm nghiên cứu lớp 10A2 đánh giá.
Đề tài Những dấu ấn tinh thần của người Ê-đê cổ trong trích đoạn Đăm Săn đi chinh phục Nữ thần Mặt Trời, nhóm nghiên cứu lớp 10A1 đã sử dụng phương pháp: thu thập tài liệu và thông tin; phân tích, tổng hợp thông tin, tập trung nghiên cứu khát vọng chinh phục thiên nhiên của người Ê-đê cổ, phong tục, văn hóa của dân tộc Ê-đê được thể hiện qua đoạn trích, từ đó nhằm hiểu rõ hơn về văn hóa, nét đẹp tinh thần của người Ê-đê xưa qua sử thi và giá trị của sử thi đối với đời sống văn hóa của người Ê-đê.
Qua nghiên cứu, nhóm nghiên cứu lớp 10A1 đã đề xuất 4 giải pháp để bảo tồn nét văn hóa của người Ê-đê: Nghiên cứu tác động của hiện đại hóa đến phong tục, bản sắc văn hóa, đưa ra giải pháp bảo tồn hiệu quả; Xây dựng chính sách bảo tồn văn hóa, tạo điều kiện cho cộng đồng phát triển bền vững; tổ chức lễ hội văn hóa nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa trong xã hội; Hỗ trợ phát triển sản phẩm thủ công, múa và bài hát truyền thống, giữ gìn và phát huy nghệ thuật văn hóa của người Ê-đê…
“Không chỉ dừng ở việc học văn, quá trình nghiên cứu với việc tìm hiểu và đọc nhiều tài liệu, em thấy việc học văn qua nghiên cứu đề tài là cực kỳ thú vị; giúp em hiểu thêm nhiều điều về các nét văn hóa của dân tộc Ê-đê, sự phong phú về văn hóa dân tộc Việt Nam. Việc học văn qua nghiên cứu đề tài cũng giúp em mở rộng thêm hiểu biết của mình vượt khỏi phạm vi bài học…” – Hoàng Phúc, học sinh lớp 10A1 chia sẻ.
Hướng đi mới trong học văn
Thầy Ngô Văn Đát – giáo viên ngữ văn, Trường THCS và THPT Trần Đại Nghĩa cho hay, tập nghiên cứu và viết báo cáo về một vấn đề văn học dân gian là một trong 3 chuyên đề được thực hiện trong chương trình ngữ văn 10 Chương trình GDPT 2018. Học sinh sẽ lựa chọn tiếp cận một vấn đề của văn học dân gian, từ đó đưa ra hướng nghiên cứu, viết báo cáo. Giáo viên đóng vai trò hướng dẫn về phương pháp.
“Để thực hiện nghiên cứu khoa học, học sinh phải tìm hiểu thêm nhiều tài liệu, việc học văn không chỉ còn gói gọn trong trang sách mà được mở rộng ra. Quá trình nghiên cứu đòi hỏi có lý luận nền tảng, báo cáo nghiên cứu được xem như bài tiểu luận thu nhỏ, hình thành cho học sinh kỹ năng nghiên cứu các vấn đề khoa học, là nền tảng để các em tiếp cận ở bậc đại học. Do đó, đây được xem là hướng đi mới mẻ trong việc dạy và học môn ngữ văn trong chương trình mới, tạo điều kiện để cả thầy và trò cùng tiếp cận môn học theo một cách rất mới” – thầy Đát nhìn nhận.
Theo cô Nguyễn Thị Kim Phượng – giáo viên ngữ văn, Trường THCS và THPT Trần Đại Nghĩa, với Chương trình GDPT 2018 giáo viên có thuận lợi để khơi gợi cho học sinh sự chủ động tìm hiểu kiến thức bài học, giúp học sinh tiếp cận bài học dưới nhiều hình thức khác nhau. Thông qua các chuyên đề, vừa đảm bảo được mục tiêu bài học, vừa hình thành cho học sinh kỹ năng nói và nghe.
Với hướng nghiên cứu, đề tài có thể trước đó khá xa, khá lạ với học sinh nhưng sau thời gian tìm hiểu, các em đã thích thú, đề xuất ra các giải pháp không chỉ là vấn đề dấu ấn văn hóa trong một đoạn trích, một tác phẩm mà còn đánh thức trong các em khao khát được bảo tồn văn hóa Việt.
“Qua các đề tài nghiên cứu về văn học dân gian, dễ dàng nhận thấy tình yêu của học sinh với văn học. Và không chỉ là văn học mà từ văn học, học sinh đã được “nâng tầm” bước chân tìm hiểu văn hóa một cách chủ động và đầy đam mê. Bộ môn ngữ văn không tách rời với đời sống mà gắn liền với những vấn đề của đời sống, đặt học sinh vào sự phám khá. Điều quan trọng là giáo viên cần trao cho học sinh nhiều cơ hội, mạnh dạn với những cách tiếp cận mới, thoáng hơn… để việc học văn với các em luôn trong thế chủ động, không bị đóng khung…” – cô Phượng đánh giá.
Yến Hoa
Bình luận (0)