Những miếng nhấc nồi với hình trái tim, quả cam, quả táo, con mèo, hộp quà… là sản phẩm do học sinh lớp 4/1 Trường Tiểu học Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) thiết kế trong tiết học STEM môn khoa học bài “Sự truyền nhiệt và vật dẫn nhiệt”.
Giáo viên hướng dẫn học sinh cách đánh giá sản phẩm của nhóm bạn
Bước ra ngoài các kiến thức khô khan trong sách giáo khoa, tiết học STEM đã mở ra cơ hội cho học sinh được ứng dụng kiến thức đã học vào thực tế qua việc thiết kế sản phẩm phục vụ cuộc sống hàng ngày. Được học, được trải nghiệm giúp học sinh hiểu kiến thức bài học một cách dễ dàng hơn, qua đó phát triển năng lực, phẩm chất theo mục tiêu mà Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hướng tới. Trong tiết học, 33 học sinh được chia thành 6 nhóm, sau khi được giáo viên trang bị kiến thức nền trong môn khoa học về sự truyền nhiệt và vật dẫn nhiệt, mỗi nhóm ứng dụng chính những kiến thức bài học để làm một sản phẩm là miếng nhấc nồi từ các vật liệu như vải, bông gòn, keo dán, giấy… Điều đặc biệt là sau khi sản phẩm hoàn thành, ngoài việc giáo viên đánh giá, nhận xét sản phẩm của từng nhóm thì các nhóm cũng được đánh giá sản phẩm lẫn nhau. Từng nhóm phải sử dụng năng lực tư duy phản biện để bảo vệ ý tưởng của chính nhóm mình. Với sản phẩm miếng nhấc nồi hình chú mèo ngộ nghĩnh có 2 tai xinh xắn, nhóm của Nhật Anh gây ấn tượng với các nhóm khác. Nhật Anh cho biết để làm sản phẩm trên, nhóm đã cắt 2 miếng vải có đường kính 20cm, 2 miếng bông nhét vào chính giữa 2 miếng vải và dùng keo dán lại. Riêng 2 tai mèo được cắt từ 2 miếng vải nhỏ hình tam giác, sau đó nhóm sử dụng bút màu để trang trí. Phản biện lại câu hỏi của nhóm bạn rằng: “Tại sao lại không dùng giấy mà dùng bông gòn làm miếng lót?”, Nhật Anh cho hay, vì bông gòn có tính cách nhiệt cao, đồng thời không tan trong nước nên giúp vệ sinh miếng nhấc nồi được dễ dàng. Tương tự, phản biện lại ý kiến của nhóm bạn về sản phẩm miếng nhấc nồi hình quả cam, Ý Thư (nhóm trưởng tạo ra sản phẩm quả cam) bày tỏ hình quả cam tạo ra sự đáng yêu để giúp người sử dụng luôn vui vẻ… Cô Tạ Lê Nhật Vy (giáo viên chủ nhiệm lớp 4/1) cho biết đây là tiết STEM bài học được giáo viên triển khai trong năm học này. Để thiết kế được sản phẩm miếng nhấc nồi đảm bảo tính cách nhiệt, an toàn khi sử dụng và có tính thẩm mỹ cao để tặng ba mẹ, ngoài kiến thức môn khoa học trong bài về sự truyền nhiệt và vật dẫn nhiệt, học sinh còn phải vận dụng thêm kiến thức của nhiều môn học khác. Trong đó, môn toán là kiến thức đo đạc, sử dụng hình dạng; môn công nghệ là lựa chọn vật liệu phù hợp với sản phẩm; tích hợp môn mỹ thuật để sản phẩm có tính thẩm mỹ, sáng tạo, trở thành một món quà để học sinh dành tặng ba mẹ nhân dịp cuối năm. “Các sản phẩm của học sinh có sự sáng tạo, đa dạng với nhiều hình dáng khác nhau, như hình trái tim, quả cam, con mèo… Đặc biệt là các em đã biết lựa chọn vật liệu phù hợp để sản phẩm tạo thành có thể sử dụng được trong cuộc sống. Được học và được thực hành, trải nghiệm những hoạt động sáng tạo cùng bạn bè ngay trong tiết học không chỉ mang đến sự thích thú, hào hứng cho học sinh, mà còn giúp các em gắn kết với nhau nhiều hơn”, cô Vy chia sẻ.
Giáo viên và học sinh cùng thực hiện sản phẩm
Năm học 2023-2024 là năm đầu tiên STEM bài học trở thành một nội dung bắt buộc đối với giáo viên ở bậc tiểu học gắn với hoạt động giảng dạy trên lớp của mình. Trong đó, theo quy định của Sở GD-ĐT TP.HCM, một học kỳ, mỗi giáo viên sẽ thiết kế ít nhất 2 tiết STEM bài học. Tại Trường Tiểu học Nguyễn Huệ, nhiều năm nay STEM đã được nhà trường mạnh dạn đưa vào để giáo viên, học sinh làm quen thông qua các hoạt động STEM trải nghiệm, STEM câu lạc bộ. Giáo viên được hỗ trợ tập huấn, bồi dưỡng để từng bước tiếp cận với phương pháp giáo dục STEM ở một số bài học phù hợp có sự tích hợp liên môn. Đây được xem là thuận lợi lớn của nhà trường khi triển khai STEM bài học trong năm học này. Theo cô Tạ Lê Nhật Vy, để triển khai một tiết STEM bài học, trước hết giáo viên phải trang bị cho học sinh nắm rõ về quy trình thực hiện. Chủ động co kéo, tính toán thời gian tiết học và thời gian giữa các môn học để đảm bảo ngay trên lớp, học sinh có thể làm ra các sản phẩm ứng dụng kiến thức bài học. Ngoài ra, giáo viên phải hình thành cho học sinh kiến thức nền đủ vững thì bước vào tiết STEM mới hiệu quả. Và quan trọng hơn cả là giáo viên phải lựa chọn được phương pháp, kỹ thuật phù hợp với năng lực của học sinh trong tiết STEM. “Trong tiết STEM ở bài học này, tôi đã sử dụng kỹ thuật vượt trạm – học sinh được làm thí nghiệm tại mỗi trạm và trả lời các câu hỏi trong phiếu học tập. Các em được chạm vào các ly nước đá, thìa kim loại để trong ly nước nóng để cảm nhận được sự dẫn nhiệt. Từ chính kiến thức nền này, giáo viên đặt ra vấn đề cho học sinh thiết kế miếng nhấc nồi để vừa ứng dụng kiến thức bài học vào thực tế cuộc sống một cách gần gũi, vừa phù hợp với năng lực của học sinh trong lớp”, cô Vy cho biết.
Cô Bùi Thị Thanh (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Huệ) cho hay, điểm mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là dạy học theo hướng phát triển phẩm chất năng lực học sinh. Trong tiết STEM bài học gắn với bài học môn khoa học, qua việc thiết kế sản phẩm, học sinh phát triển được năng lực sáng tạo, năng lực tự học, tự nghiên cứu, tự hình thành kiến thức, năng lực phản biện… Nhiệm vụ của giáo viên là lựa chọn “con đường” để học sinh đi và tạo tình huống “có vấn đề” để các em phát huy được năng lực giải quyết vấn đề. “Trước đây, với phương pháp dạy truyền đạt một chiều, giáo viên sẽ đứng trên bục giảng, học sinh chỉ ngồi dưới nghe. Các em có thể hiểu đó nhưng cũng dễ dàng quên. Còn hiện nay, với việc dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực học sinh, kết hợp với STEM, học sinh được chủ động trải nghiệm trực tiếp trong bài học, không chỉ khơi gợi cho các em vốn sống mà các em còn tự hình thành năng lực cho chính mình. Bên cạnh đó, qua quá trình thực hiện, các em còn phát triển về lòng nhân ái, sự tự tin, trách nhiệm khi hoàn thành công việc của mình và hỗ trợ bạn bè…”, cô Thanh đánh giá.
Bài, ảnh: Đỗ Yến
Bình luận (0)