Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Học sinh lớp 5 ra bồn cây sân trường học toán

Tạp Chí Giáo Dục

Các bài học về đo chu vi, diện tích hình tròn được hơn 270 học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) học ngay tại sân trường từ bồn cây, bàn cờ ô quan, bàn ăn, gạch lát sân trường trong Ngày hội toán học “Hình tròn quanh em” sáng 26-1.


Học sinh học toán ở bồn cây sân trường

Đây cũng là tiết học mở được Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm thực hiện với sự tham gia của đông đảo phụ huynh. Khi được học cùng con đã giúp phụ huynh thay đổi tư duy, quan điểm trong việc đồng hành cùng con học tại nhà.

Tiết học toán khối 5, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm hôm nay diễn ra tại sân trường. Không bàn ghế, không bảng đen, phấn trắng, với bài học đo chu vi, diện tích hình tròn, học sinh được hòa mình vào trong nhiều hoạt động trải nghiệm, vận dụng chính kiến thức đã học giải quyết các yêu cầu thực tế.


Phụ huynh thích thú tham gia cùng con trong tiết học

Với 5 trạm: Rung chuông vàng; Bồn cây yêu thương; Hình tròn quanh em; Đấu trí; Góc trải nghiệm Xuân với hình tròn… đã mang đến cho học sinh những trải nghiệm mới lạ, thú vị trong việc học toán khi được vừa chơi vừa học.

Trong đó, trạm Rung chuông vàng giúp học sinh ôn lại kiến thức toán học để thực hiện các thử thách tại các trạm tiếp theo đòi hỏi yêu cầu vận dụng cao hơn; trạm Bồn cây yêu thương với số đo có sẵn trên 2 bồn cây sân trường, học sinh tìm diện tích thành bồn hoa; ở trạm Hình tròn quanh em, học sinh thực hiện đo chu vi  hình tròn và nửa hình tròn sân bóng, 2 bàn ăn bán trú. Tính diện tích mặt bàn, diện tích hình tròn và nửa hình tròn có sẵn trên sân bóng; tại trạm Đấu trí, học sinh quan sát bàn cờ ô ăn quan rồi tính chu vi, diện tích của bàn cờ, chơi trò chơi ô ăn quan. Đặc biệt, trạm góc trải nghiệm “Xuân với hình tròn” được gắn với giáo dục STEM, học sinh vận dụng kiến thức toán học đã học để sáng tạo các sản phẩm có hình tròn.


Vận dụng kiến thức đã học để sáng tạo ra vận dụng trong trải nghiệm STEM

Cùng mẹ thực hành đo chu vi hình tròn ở… ngay bồn cây trong sân trường tại trạm Bồn cây yêu thương, Phan Thành Trí – lớp 5/7 thích thú khi bài học hiện lên ngay ở bồn cây sân trường. Bạn thích thú khi từ bán kính miệng bồn cây là 110cm, độ rộng thành bồn cây là 30cm tính được diện tích thành bồn cây

“Học toán ở sân trường em thấy rất thú vị, dễ hiểu. Bồn cây lúc nào em cũng nhìn thấy nhưng không nghĩ rằng lại có thể mang vào trong bài học, giúp em hiểu thêm về kiến thức toán học” – Trí hào hứng.

Quan sát và học cùng con trong suốt tiết học ở các trạm trải nghiệm, chị Lâm Thị Hoàng Trúc – phụ huynh lớp 5/7 bất ngờ khi tiết học toán lại thú vị, hào hứng, mới mẻ nhưng không kém phần gần gũi như vậy. Bồn cây, sân bóng, bàn ăn, bàn cờ… gắn bó, gần gũi với học sinh mỗi ngày khi đến trường, đưa vào tiết học toán đã giúp bài học dễ dàng đến với học sinh.


Thích thú tham gia tại trạm đấu trí

“Việc học qua các trải nghiệm thực tế giúp con dễ dàng tiếp thu kiến thức hơn. Con rất hào hứng, không gặp khó khăn trong các phép tính chu vi, diện tích. Tham gia vào tiết học cùng con cũng giúp bản thân tôi thay đổi quan điểm, tư duy trong hỗ trợ con học tại nhà, đó là thay vì chỉ dạy con phải nhớ, phải làm các bài tập trong sách giáo khoa thì nên cùng con trải nghiệm chính các vấn đề thực tiễn xung quanh con, để con cảm thấy việc học trở nên nhẹ nhàng…” – chị Trúc bày tỏ.

Cô Lê Thị Thanh Tâm (giáo viên chủ nhiệm lớp 5/5) cho biết, dạy học về các yếu tố hình học là một trong 5 mạch kiến thức rất quan trọng trong chương trình toán tiểu học, phần lớn là tính diện tích và chu vi các hình. Tuy nhiên, thực tế học sinh thường gặp khó khi nhận dạng đặc điểm, tính chu vi, diện tích các hình.

“Sân trường, xung quanh các em có rất nhiều hình ảnh liên quan đến các yếu tố hình học. Riêng hình tròn được hiện diện từ gạch lát sân trường, từ bồn cây, bàn ăn, bàn cờ… nhưng đôi khi các em không chú ý. Việc đổi mới tiết học, gắn cùng những hình ảnh này sẽ giúp các em tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn, việc học toán trở nên thú vị, nhẹ nhàng…” – cô Thanh Tâm chia sẻ.


Bồn cây trở thành nơi để con và mẹ cùng nhau học toán

Đặc biệt, cô Tâm cho hay, trong tiết học học sinh sử dụng các vật hình tròn sáng tạo ra các vật dụng như làm thiệp, làm mặt cười, nia tròn trang trí Tết. Trải nghiệm này được lồng ghép với STEM bài học, học sinh vận dụng chính kiến thức toán học, khoa học đã học cùng với sự sáng tạo để thiết kế vận dụng theo khả năng của từng học sinh…

“Không chỉ dừng ở việc giúp học sinh vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề thực tiễn, qua trải nghiệm STEM giáo viên mong muốn phụ huynh dễ dàng hình dung hơn về STEM bài học- nội dung mới được nhà trường đồng loạit triển khai trong năm học này theo yêu cầu của Sở GD-ĐT, để phụ huynh có thêm sự đồng hành, chia sẻ”.

Theo cô Đỗ Ngọc Chi – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, trong ngày hội toán học, ngữ liệu trong sách giáo khoa được giáo viên thay thế hoàn toàn bằng những ngữ liệu gần gũi với học sinh ngay thực tế tại trường. Yêu cầu tính diện tích thành giếng được thay bằng tính diện tích thành bồn cây, diện tích bàn cờ ô ăn quan… Học sinh vận dụng kiến thức giải quyết các bài toán thực tế. Sự đổi mới phương pháp dạy học ở khối lớp 5- khối lớp cuối cùng học Chương trình GDPT 2006 theo định hướng dạy học phát triển phẩm chất năng lực học sinh cũng là bước chuẩn bị để học sinh dễ dàng làm quen khi lên lớp 6 theo Chương trình GDPT 2018.

“Được tham gia vào các trải nghiệm thực tế, vận dụng kiến thức sách vở vào trong thực tế không chỉ giúp các em thấy toán học không khô khan để yêu thích môn học hơn mà còn sẽ khắc sâu trong từng học sinh kiến thức, là nền tảng để các em tự tin bước vào bậc THCS” – cô Đỗ Ngọc Chi nhìn nhận.

Yến Hoa

Bình luận (0)