Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học sinh lười học vì không chấm điểm?

Tạp Chí Giáo Dục

Sau gần 2 năm thực hiện Thông tư 30, nhiều giáo viên vẫn kêu trời vì mất nhiều thời gian viết lời nhận xét cho học sinh, trong khi đó, phụ huynh học sinh lo lắng về chất lượng học tập.

Không chấm điểm, học sinh tiểu học có kém hơn hay không đang khiến nhiều người băn khoăn.
Không chấm điểm, học sinh tiểu học có kém hơn hay không đang khiến nhiều người băn khoăn.

Giáo viên không giờ nghỉ

Tháng 8/2014, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 30 về quy định đánh giá học sinh tiểu học không qua chấm điểm, sau đó có văn bản hướng dẫn các trường tiểu học trên toàn quốc thực hiện. Đến nay, sau gần hai năm triển khai nhiều giáo viên cho rằng, mới bắt đầu thích nghi. Tại một giờ học của lớp 2/2, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận 4, TPHCM, không khí trong lớp học khá sôi động. Sau khi học sinh thực hiện xong phần bài tập, giáo viên yêu cầu học sinh khác nhận xét ưu điểm và nhược điểm sau đó mời cả lớp vỗ tay thay vì cho điểm 9, điểm 10.

Cô Trương Thị Hiếu Hạnh, giáo viên chủ nhiệm lớp 1/1, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi cho biết, Thông tư 30 giúp giáo viên bám sát, quan tâm đến học sinh nhiều hơn qua cả một quá trình học tập, giúp các học sinh tự tin hơn trong nhận xét, đánh giá bạn học qua lời nói, đối với phụ huynh thì giảm áp lực điểm số… 

Tuy nhiên, cô Hạnh cũng cho rằng, muốn triển khai thông tư 30 đòi hỏi giáo viên phải có tâm huyết, sâu sát với học sinh trong lớp về mọi mặt, cả đạo đức lẫn phong trào… mới nhận xét, đánh giá được học sinh. Các cô cũng phải cân nhắc, lựa chọn lời nhận xét. “Ví dụ như học sinh viết chữ xấu thì giáo viên thay vì phê em viết chữ còn xấu thì phải phê là em viết chữ chưa đẹp, cần cố gắng hơn…”, cô Hạnh nói.

Cô Nguyễn Thị Thu Thủy, giáo viên một trường tiểu học ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) chia sẻ, lớp học chỉ có 30 học sinh nhưng nếu giáo viên ngồi ghi nhận xét mỗi ngày 10 em sẽ không còn thời gian để dạy. Nhận xét tại trường không hết thì mang về nhà làm đêm. Từ ngày thực hiện Thông tư 30, giáo viên không có lấy một giờ nghỉ. Nhiều lúc cô và nhiều giáo viên nữa rất “bí” ngôn từ để đánh giá học sinh.

 “Quy định không cho chê học sinh nên giáo viên chỉ biết nhận xét lặp đi lặp lại những câu như: con có ý thức, con học tốt Toán, con cần cố gắng luyện chữ viết….”, cô này nói. Hơn chục năm trong nghề, cô cho rằng, đối với học sinh tiểu học, cô giáo cho điểm 9, điểm 10 là loại giỏi, cho điểm 7, điểm 8 là khá, điểm 5 là trung bình, điểm 1, 2 là yếu kém. Các em không để tâm đến lời nhận xét của giáo viên nên phương pháp này không giúp các em định hình mình yếu, hổng chỗ nào để học. 

Bà Nguyễn Xuân Lan, Hiệu trưởng Trường tiểu học Marie Curie (Hà Nội) cho rằng, không chấm điểm, học sinh sẽ lười học hơn. Ở bậc tiểu học, học sinh rất cần được động viên khuyến khích, tạo môi trường ganh đua nhau cùng học tập.

Không nêu được cụ thể ưu, nhược của học sinh

Chị Phạm Thị Thanh Phương, có con học lớp 4 trường Tiểu học ở quận Gò Vấp (TPHCM) bày tỏ lo lắng: “Không có điểm số mình không định lượng được năng lực của con đang ở đâu bởi khoảng cách và ranh giới giữa học lực khá với giỏi vẫn chưa được cụ thể”, chị Phương nói. 

Có con học lớp 2, chị Nguyễn Thị Bích Ngọc, quận Thanh Xuân (Hà Nội) kể: “Nhiều hôm con đi học về hỏi gì cũng không trả lời được. Mẹ yêu cầu làm các phép toán cơ bản mà vẫn ngồi gặm bút, không hiểu con học kém quá hay không tập trung nữa nên rất hoang mang”. Vì thế, gia đình quyết định thuê gia sư về dạy kèm thêm Toán, Tiếng Việt mỗi tuần 2 buổi/môn. Chị Ngọc chia sẻ: “Với cách dạy, đánh giá như hiện nay gia đình xác định cho con đến trường để học kỹ năng và trải nghiệm, riêng các môn chính vẫn phải phụ đạo”.

Trong khi đó, một số giáo viên tiểu học lại tiết lộ “chiêu lách” quy định để đánh giá học sinh bằng cách, hằng tháng ngoài giờ học chính, giáo viên sẽ ra đề kiểm tra 15 phút, 1 tiết. Tuy nhiên, sau khi thu bài và chấm điểm, giáo viên sẽ không được lấy điểm số này vào sổ học bạ mà nhằm nắm năng lực học sinh để có phương pháp dạy phù hợp.

Phó phòng giáo dục huyện Mù Cang Chải (Lào Cai) bà Phạm Thị Minh Hằng cho biết, vấn đề bà còn lo lắng hiện nay liên quan đến ghi nhận xét của giáo viên. Nhiều giáo viên nhận xét học sinh chung chung như: “Em cần học tốt, em  phải cố gắng, em học rất tốt…” mà không đi vào cụ thể từng ưu, nhược điểm của học sinh. 

Nhiều giáo viên rất tâm huyết trong các giờ dạy nhưng ngại ghi nhận xét. Có giáo viên quy định học sinh theo số chẵn, lẻ để đánh giá theo ngày. Sau gần hai năm thực hiện nhưng theo bà Hằng, đa số giáo viên ở 15 trường tiểu học của địa phương mới chỉ đáp ứng được nhiệm vụ ở mức cơ bản. 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, đánh giá học sinh không cho điểm khiến học sinh học kém hơn là không đúng. Trong giai đoạn đổi mới giáo dục, cần nhìn nhận, đánh giá học sinh ở các yếu tố phẩm chất, kỹ năng khác chứ không chú trọng đánh giá xem học sinh thuộc được nhiều hay ít kiến thức. Theo thứ trưởng, cách đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30 là nhận xét tổng thể, toàn diện năng lực, phẩm chất học sinh nên các em biết điểm yếu, điểm mạnh để phát huy, khắc phục và tiến bộ dần.

Theo TPO

 

Bình luận (0)