Chưa vơi nỗi âu lo vì dịch Covid-19, hàng vạn học sinh miền Trung liên tiếp nghỉ học giữa chừng để tránh bão, chạy lũ. Việc tái thiết hoạt động dạy và học ở đây đang gặp muôn vàn khó khăn khi đường đến trường bê bết bùn đất, nhiều trường học không còn bàn ghế, học sinh không còn sách vở…
Giáo viên vùng lũ huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh dọn vệ sinh trường lớp sau lũ.
Trường lớp hư hỏng, sách vở không còn
Ngày 2-11, mưa đã ngớt nhưng nhiều nơi tại Nghệ An nước vẫn chưa rút kịp nên học sinh nhiều trường chưa thể đi học trở lại. Khuôn viên nhiều trường học tại các huyện Thanh Chương, Đô Lương, Yên Thành ngập trong bùn non, rác, cây cối các nơi tràn vào. Cô Bùi Thị Vinh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thanh Hà (huyện Thanh Chương), cho biết, trường giờ ngổn ngang nên chưa thể tổ chức dạy học trở lại.
Trong khi đó, đường đến trường của học sinh ở các xã trong huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) vẫn ngập trong bùn lầy nhão nhoét. Nhiều tốp học sinh phải đội cặp sách trên đầu vượt điểm ngập lụt cục bộ hoặc đường bùn lầy lội. Thầy Trần Huy Hợi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Tân (Thạch Hà) cho biết, đợt mưa lũ vừa qua sân trường ngập sâu 2m, trong lớp học ngập 1,5m. Bàn ghế gỗ ép, trang thiết bị và đồ dùng học tập trong 22 phòng học và phòng chức năng tầng 1 chìm trong nước, hư hỏng nặng. Nhờ các chiến sĩ quân đội và công an giúp đỡ dọn dẹp nên sáng 2-11 học sinh trở lại trường tiếp tục học tập, nhưng vẫn còn bộn bề lắm. Nhiều em đến lớp không có sách vở.
Cô Lê Cảnh Phương Hạnh, Hiệu trưởng trường PTDT bán trú THCS liên xã Cà Dy – Tà Bhing (xã Cà Dy, huyện Nam Giang, Quảng Nam) thông tin, toàn bộ sách vở và đồ dùng học tập của học sinh; của trường bị hư hại vì mưa lũ. Nhà ăn, bàn ghế và các vật dụng phục vụ bán trú cũng hư hỏng nặng. Phải mất 2 ngày mới dọn dẹp cơ bản. Tuy nhiên trường vẫn cố gắng dồn lớp cho các em học chung với nhau bắt đầu từ sáng 2-11, song nhiều em vắng mặt vì không còn sách vở…
Bão số 9 gây mưa lớn khiến hàng trăm điểm trường, cơ sở giáo dục ở 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định hư hỏng nặng nề, nhất là khu vực ven biển, miền núi. Đến sáng 2-11, nhiều trường chưa thể đón học sinh vì đang dồn sức khắc phục thiệt hại. Gặp chúng tôi, em Thời Phương Linh (học sinh lớp 6C Trường THCS Thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) kể, gió bão khiến nhà em bị tốc mái, hư hỏng nên toàn bộ sách vở đều hỏng không thể sử dụng được. Em Nguyễn Kỳ (lớp 6D, trường THCS thị trấn Châu Ổ) nói trong nước mắt: “Sách vở không còn, áo quần cũng bị bùn đất vùi lấp, rách nát. Sắp tới con không biết lấy gì để mặc tới trường. Trường con có rất nhiều bạn như vậy”.
Nỗi lo còn phía trước
Tại Thừa Thiên – Huế và Quảng Trị, học trò đến lớp với nỗi âu lo thấp thỏm khi bão số 10 sắp đổ bộ. Cô Lê Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Thừa Thiên – Huế) chia sẻ, trong tháng 10 vừa qua, nhà trường 3 lần cho học sinh tạm nghỉ học để tránh bão lũ. “Mỗi lần nước rút, tất cả cán bộ, giáo viên đều được huy động đi cào bùn, dọn trường lớp. Học sinh quay lại trường được vài ngày lại có lũ tiếp. Sách vở bị trôi mất, bị ướt rách, bàn ghế, thiết bị dạy học hỏng, nhà trường phải đi xin sách cũ và kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ tiền để bố mẹ mua sách cho các em”, cô Thủy chia sẻ.
Hiện nay, gần 100 trường học các cấp ở các địa phương miền Trung chưa có thông báo ngày đi học trở lại. Trong khi bão số 10 sắp đổ bộ khiến cho các em càng thêm lo lắng do sợ không theo kịp chương trình chung của cả nước. Việc mua sách giáo khoa thay thế sách giáo khoa bị ướt, rách cho học sinh, nhất là học sinh lớp 1 đang là gánh nặng cho nhiều gia đình bởi qua hàng loạt đợt bão lũ, người dân ở miền Trung rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thậm chí là trắng tay.
Chị Trần Thị Yến (xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) buồn rầu, nói: “Vợ chồng làm nông, bao nhiêu lúa gạo, gà vịt bị mấy đợt lũ cuốn trôi hết. Sách vở 2 đứa con lớp 5 và lớp 3 bị rách nát. Bây giờ không biết lấy tiền đâu ra để mua sách vở lại cho các con, rồi còn áo quần, học phí. Sắp tới đây cái ăn còn khốn khó thì việc học của các con sẽ gian nan như thế nào”.
Ngày 2-11, mưa đã ngớt nhưng nhiều nơi tại Nghệ An nước vẫn chưa rút kịp nên học sinh nhiều trường chưa thể đi học trở lại. Khuôn viên nhiều trường học tại các huyện Thanh Chương, Đô Lương, Yên Thành ngập trong bùn non, rác, cây cối các nơi tràn vào. Cô Bùi Thị Vinh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thanh Hà (huyện Thanh Chương), cho biết, trường giờ ngổn ngang nên chưa thể tổ chức dạy học trở lại.
Trong khi đó, đường đến trường của học sinh ở các xã trong huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) vẫn ngập trong bùn lầy nhão nhoét. Nhiều tốp học sinh phải đội cặp sách trên đầu vượt điểm ngập lụt cục bộ hoặc đường bùn lầy lội. Thầy Trần Huy Hợi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Tân (Thạch Hà) cho biết, đợt mưa lũ vừa qua sân trường ngập sâu 2m, trong lớp học ngập 1,5m. Bàn ghế gỗ ép, trang thiết bị và đồ dùng học tập trong 22 phòng học và phòng chức năng tầng 1 chìm trong nước, hư hỏng nặng. Nhờ các chiến sĩ quân đội và công an giúp đỡ dọn dẹp nên sáng 2-11 học sinh trở lại trường tiếp tục học tập, nhưng vẫn còn bộn bề lắm. Nhiều em đến lớp không có sách vở.
Cô Lê Cảnh Phương Hạnh, Hiệu trưởng trường PTDT bán trú THCS liên xã Cà Dy – Tà Bhing (xã Cà Dy, huyện Nam Giang, Quảng Nam) thông tin, toàn bộ sách vở và đồ dùng học tập của học sinh; của trường bị hư hại vì mưa lũ. Nhà ăn, bàn ghế và các vật dụng phục vụ bán trú cũng hư hỏng nặng. Phải mất 2 ngày mới dọn dẹp cơ bản. Tuy nhiên trường vẫn cố gắng dồn lớp cho các em học chung với nhau bắt đầu từ sáng 2-11, song nhiều em vắng mặt vì không còn sách vở…
Bão số 9 gây mưa lớn khiến hàng trăm điểm trường, cơ sở giáo dục ở 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định hư hỏng nặng nề, nhất là khu vực ven biển, miền núi. Đến sáng 2-11, nhiều trường chưa thể đón học sinh vì đang dồn sức khắc phục thiệt hại. Gặp chúng tôi, em Thời Phương Linh (học sinh lớp 6C Trường THCS Thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) kể, gió bão khiến nhà em bị tốc mái, hư hỏng nên toàn bộ sách vở đều hỏng không thể sử dụng được. Em Nguyễn Kỳ (lớp 6D, trường THCS thị trấn Châu Ổ) nói trong nước mắt: “Sách vở không còn, áo quần cũng bị bùn đất vùi lấp, rách nát. Sắp tới con không biết lấy gì để mặc tới trường. Trường con có rất nhiều bạn như vậy”.
Nỗi lo còn phía trước
Tại Thừa Thiên – Huế và Quảng Trị, học trò đến lớp với nỗi âu lo thấp thỏm khi bão số 10 sắp đổ bộ. Cô Lê Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Thừa Thiên – Huế) chia sẻ, trong tháng 10 vừa qua, nhà trường 3 lần cho học sinh tạm nghỉ học để tránh bão lũ. “Mỗi lần nước rút, tất cả cán bộ, giáo viên đều được huy động đi cào bùn, dọn trường lớp. Học sinh quay lại trường được vài ngày lại có lũ tiếp. Sách vở bị trôi mất, bị ướt rách, bàn ghế, thiết bị dạy học hỏng, nhà trường phải đi xin sách cũ và kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ tiền để bố mẹ mua sách cho các em”, cô Thủy chia sẻ.
Hiện nay, gần 100 trường học các cấp ở các địa phương miền Trung chưa có thông báo ngày đi học trở lại. Trong khi bão số 10 sắp đổ bộ khiến cho các em càng thêm lo lắng do sợ không theo kịp chương trình chung của cả nước. Việc mua sách giáo khoa thay thế sách giáo khoa bị ướt, rách cho học sinh, nhất là học sinh lớp 1 đang là gánh nặng cho nhiều gia đình bởi qua hàng loạt đợt bão lũ, người dân ở miền Trung rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thậm chí là trắng tay.
Chị Trần Thị Yến (xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) buồn rầu, nói: “Vợ chồng làm nông, bao nhiêu lúa gạo, gà vịt bị mấy đợt lũ cuốn trôi hết. Sách vở 2 đứa con lớp 5 và lớp 3 bị rách nát. Bây giờ không biết lấy tiền đâu ra để mua sách vở lại cho các con, rồi còn áo quần, học phí. Sắp tới đây cái ăn còn khốn khó thì việc học của các con sẽ gian nan như thế nào”.
NHÓM PV (theo SGGP)
Bình luận (0)