Mới đây có dịp đi công tác tại huyện Tam Bình (Vĩnh Long) tôi khá bất ngờ khi biết được một số học sinh Trường THPT Trần Đại Nghĩa trả lời rất qua loa về thân thế, sự nghiệp của giáo sư, viện sĩ, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa, người anh hùng sinh ra trên chính quê hương này, mà nay tên ông đã đặt cho ngôi trường các em đang theo học.
Một lần khác có dịp về quê hương huyện Phong Điền (TP.Cần Thơ), chúng tôi cũng ngạc nhiên không kém khi một số học sinh Trường THPT Phan Văn Trị không biết ông quê quán ở đâu, thậm chí có em còn quả quyết ông sinh ra và lớn lên tại huyện Phong Điền, trong khi quê ông là xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, Bến Tre. Và còn rất nhiều trường hợp tương tự đáng lo ngại khác.
Hiện nay có rất nhiều địa phương đã dùng tên danh nhân văn hóa, lịch sử, tên các anh hùng dân tộc, tên các liệt sĩ để giáo dục thế hệ trẻ nói riêng, mọi người nói chung. Đây là một động thái tích cực mang tính giáo dục hiệu quả cao, bày tỏ sự tôn vinh và tri ân các bậc tiền nhân. Có địa phương còn nêu tóm tắt tiểu sử các danh nhân phía dưới bảng tên đường vừa tạo vẻ mỹ quan, vừa mang tính giáo dục trực quan khá hiệu quả.
Nên chăng các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu tiểu sử các danh nhân, anh hùng thông qua các phương tiện truyền thông, qua các buổi sinh hoạt trong cơ quan, trường học, các ban ngành, đoàn thể, thông qua các hội thi tìm hiểu lịch sử… để nâng cao sự nhận biết trong cộng đồng nhất là các anh hùng, danh nhân nhiều người chưa có dịp tìm hiểu và biết đến.
Song Anh (Cần Thơ)
Bình luận (0)