Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Học sinh muốn đổi lớp?

Tạp Chí Giáo Dục

Trong quản lý, người lãnh đạo phải sáng suốt, vững tin vào đồng nghiệp. Trong ảnh: Giáo viên Trường Tiểu học An Lạc 1 (Q.Bình Tân, TP.HCM) hướng dẫn học sinh đọc sách. Ảnh: A.Khôi

Tình huống:

Sáng thứ năm của tuần thứ 2 trong năm học 2015-2016, tôi nhận được một cuộc điện thoại của chị phụ huynh phàn nàn về hành vi của giáo viên chủ nhiệm lớp 2/9: Cô đã đánh vào đầu một học sinh (HS) trong lớp vì không chịu tập trung làm bài. Hậu quả là bé không chịu đi học vì sợ hãi. Tối đến, bé nằm mơ, nói sảng và khóc lóc. Sáng ra, bé không chịu ăn sáng, không chịu thay quần áo… vì phản kháng việc đến trường. Theo phụ huynh, cô giáo đã vi phạm quy định chung của ngành, đã gây một cú sốc rất lớn ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của HS. Mọi người trong gia đình đều lên án cô giáo và muốn gặp cô giáo để “xử”. Chính người mẹ đã can ngăn gia đình và hứa sẽ trao đổi với nhà trường để có cách giải quyết tốt nhất. Vì vậy, phụ huynh yêu cầu nhà trường cho con mình chuyển sang lớp khác để ổn định tâm lý và tiếp tục vui vẻ đến trường. Đặc biệt, phụ huynh đề nghị nhà trường không kỷ luật cô giáo vì phụ huynh hiểu rằng quản lý một lớp học đến 52 HS không phải là việc dễ dàng.

Cách giải quyết tình huống

Tôi (phó hiệu trưởng nhà trường) ghi nhận sự phản ánh của phụ huynh, đồng thời trao đổi với họ để tìm hiểu thêm về sự việc và nắm được tình hình như sau: Ngày hôm đó HS vẫn đến trường sau khi được gia đình vỗ về. Khi đến trường, bé không chịu lên lớp học. Phụ huynh phải nhờ cô giáo cũ (lớp 1) dỗ dành, động viên, bé mới chịu lên lớp. Phụ huynh muốn con được chuyển sang lớp 2/5 vì giáo viên chủ nhiệm lớp này đã từng dạy anh của bé và gia đình rất yên tâm với năng lực của cô giáo. Kết thúc cuộc nói chuyện, tôi đề nghị phụ huynh vẫn tạm để bé học lớp 2/9 và thêm thời gian để tìm hiểu sự việc. Điều đặc biệt của sự việc này là người mẹ luôn mong muốn ban giám hiệu không khiển trách, phê bình hay có hình thức kỷ luật với cô giáo lớp 2/9.

Sau đó, tôi trao đổi sự việc với giáo viên chủ nhiệm lớp 2/9. Khi được hỏi, cô đã trung thực kể về sự việc xảy ra và nhận lỗi không kiềm chế trong lúc nóng giận (cô đang tập trung hướng dẫn cho một bé học yếu, các bạn khác thừa cơ hội lo ra không làm bài). Tuy nhiên, cô không đánh vào đầu mà đánh vào vai nhằm nhắc nhở bé tập trung làm bài (lúc đó bé đang ngừng viết và nói chuyện, không chú ý tập trung). Người mẹ đã điện thoại cho cô ngay tối hôm xảy ra sự việc, hai bên đã thẳng thắn trao đổi, cô giáo đã xin lỗi và người mẹ cũng thông cảm. Hôm đó, bé đến lớp học vui vẻ, không có biểu hiện của sự sợ hãi, chán nản.

Nhận thấy lời kể của người mẹ và cô giáo không giống nhau, tôi đã không kể cho cô biết về việc người mẹ xin chuyển lớp và khuyên cô cần quan tâm đến bé nhiều hơn, tìm hiểu thêm về bé và gia đình thông qua giáo viên lớp 1 để có biện pháp giáo dục thích hợp. Đồng thời tôi cũng nhắc nhở cô cần bao quát hơn trong việc quản lý lớp. Tiếp theo, tôi trao đổi thêm với cô giáo lớp 1 của bé và “nhân vật chính” của sự việc, qua đó, tôi được biết bé không hề có ấn tượng xấu về cô giáo của mình, mà ngược lại rất quý cô và thích học ở lớp 2/9…

Đánh giá sự việc

Thông qua các cuộc trò chuyện với những “đối tượng” liên quan, tôi xác định: Sự việc cô giáo đánh HS là có thật, nhưng mức độ không nghiêm trọng như lời người mẹ. Nhân cơ hội người mẹ này đã thổi phồng sự việc và hư cấu việc con mình không chịu đến trường vì sốc khi bị cô giáo đánh nhằm mục đích muốn xin vào lớp 2/5, vì cô giáo chủ nhiệm lớp 2/5 là giáo viên giỏi, được phụ huynh tin yêu và mong muốn được gửi con. Chính vì hư cấu nên người mẹ này không muốn cô giáo lớp 2/9 bị kỷ luật oan.

Tôi mời phụ huynh đến gặp để trực tiếp trao đổi nhưng người mẹ này lại xin phép nói chuyện qua điện thoại. Tôi tế nhị không có ý “vạch mặt” phụ huynh, mà chỉ khéo léo cho người mẹ biết rằng tôi đã trao đổi với hai cô giáo và với chính con của chị. Tôi khen bé rất hồn nhiên, giàu tình cảm và rất yêu cô giáo, quý mến bạn bè. Người mẹ không còn phản ứng như cuộc nói chuyện lần trước. Cuối cùng chị đồng ý với cách giải quyết mà tôi đề nghị: cứ để bé học lớp 2/9 vì phải tôn trọng quyết định của bé. Tôi sẽ thường xuyên theo dõi và giúp đỡ giáo viên chủ nhiệm trong việc quan tâm chăm sóc bé để bé luôn có được niềm vui đến trường.

Đã một tháng trôi qua, tôi không nhận được cuộc điện thoại nào của phụ huynh này nữa. Thỉnh thoảng quan sát bé, tôi thấy em vẫn rất hồn nhiên và thực sự thoải mái, hứng thú khi đến trường.

Phân tích

Sự việc xảy ra trong thời gian hiệu trưởng của trường đi công tác. Là phó hiệu trưởng, tôi đã giải quyết sự việc theo kinh nghiệm nghề nghiệp đã học hỏi được từ hiệu trưởng. Bây giờ soi rọi lý thuyết về khoa học quản lý giáo dục, tôi nhận định mình đã đảm bảo tính nguyên tắc quản lý trong nhà trường, vừa thể hiện tính nhân văn trong hoạt động giáo dục. Tôi đã giải quyết sự việc theo trường phái hành vi của bà Mary Parker Follett, quan tâm đến đối tượng trong quá trình giải quyết vấn đề, sắp xếp gặp trực tiếp các đối tượng để nắm bắt thông tin trước khi ra quyết định. Mặt khác, tôi cũng đã vận dụng được quan điểm của Elton W.Mayor thỏa mãn nhu cầu tâm lý của con người, đề cao bầu không khí trong tập thể. Tôi đã không vội vàng kết luận theo lời kể của phụ huynh, cũng không thẳng thừng góp ý người mẹ đã thổi phồng sự việc. Tôi đã biết lắng nghe ý kiến, quan tâm đến nhu cầu của phụ huynh và định hướng họ theo cách giải quyết nhân văn nhất.

Theo tôi, trong quá trình quản lý, người lãnh đạo phải hết sức sáng suốt, bình tĩnh vững tin vào đồng nghiệp. Có tìm hiểu rõ tường tận mọi việc để đưa ra quyết định đúng đắn thì mới giải quyết được vấn đề một cách hiệu quả nhất, mang đến niềm vui và sự thỏa mãn cho đôi bên nhưng vẫn bảo đảm nguyên tắc quản lý hành chính trong nhà trường.

Nguyễn Ngọc Hạnh – Long Phụng Sơn

Bình luận (0)