Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Học sinh nên quan tâm đến ngành học mới

Tạp Chí Giáo Dục

Từ ngày 1-4, gần 1 triệu học sinh (HS) lớp 12 trong cả nước bắt đầu làm thủ tục đăng ký dự thi THPT quốc gia 2017 và đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Trong đó, việc chọn trường nào, ngành học nào để đăng ký nguyện vọng là rất quan trọng.

Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức tư vấn trực tuyến Hỏi – đáp về kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 ngày 1-4. Ảnh: D.Bình

Việc tư vấn chọn ngành học các em HS đã được thầy cô giáo và các nhà tư vấn hướng dẫn khá kỹ trong thời gian vừa qua. Thông thường các em sẽ chọn ngành học theo các tiêu chí: phù hợp sở thích, phù hợp năng lực, ngành “hot”… Tuy nhiên, việc chọn ngành học từ một vài năm nay có thêm một tiêu chí quan trọng khác mà các em HS cần lưu ý: đó là ngành học mới.

Vì sao như vậy? Có lẽ chúng ta nên bắt đầu tìm câu trả lời qua câu chuyện mới đây là công ty điện tử 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam bỏ ra 8,5 tỉ đồng để hỗ trợ cho các sinh viên (SV) năm cuối ngành công nghệ thông tin của 9 trường ĐH từ năm 2017 này. Cụ thể, công ty này sẽ chọn ra 120 SV xuất sắc để trao học bổng trị giá 54 triệu đồng/năm/SV. Sau khi ra trường, tất cả các SV này sẽ được nhận vào làm việc tại công ty.

Vì sao công ty này “tốt bụng” quá vậy? Thưa không, mà vì việc tuyển dụng của công ty này ngày một khó khăn. Hiện đang có hàng trăm ngàn kỹ sư, cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp nhưng họ không tuyển chọn được vì có một thực tế là các kỹ sư, cử nhân này không hội đủ những yêu cầu về nghề nghiệp mà công ty tìm kiếm. Cũng vị trí công việc liên quan đến công nghệ thông tin, nhưng nếu trước đây chỉ cần biết lập trình cơ bản và thiết kế hệ thống mạng thì nay yêu cầu phải biết lập trình games, lập trình hình ảnh 3D, lập trình ứng dụng di động, bảo mật mạng… Nói cách khác, hiện đã xuất hiện những nghề mới theo yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, trong khi thị trường lao động chưa kịp hoặc không có để cung cấp.

Nhìn rộng hơn, toàn bộ hoạt động kinh tế – xã hội của nước ta (và của cả thế giới) đang chịu tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 – còn gọi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 – đã và đang hình thành. Với việc xuất hiện chóng mặt các thế hệ công nghệ mới thông minh buộc thị trường lao động phải cung cấp một nguồn nhân lực mới có kiến thức, tay nghề để làm chủ các loại công nghệ trên. Từ đó buộc các cơ sở đào tạo phải nghiên cứu, thiết kế và cho ra đời những ngành học mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng này.

Một phân tích mới đây của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM về quá trình phát triển thị trường lao động cho thấy có một số nhóm ngành nghề mới xuất hiện. Các nhóm ngành nghề này dựa trên cơ sở những nhóm ngành nghề cũ và có sự kết hợp, lồng ghép, bổ sung các nhóm ngành với nhau dẫn đến sự hình thành của những nhóm ngành nghề mới phù hợp với nhu cầu phát triển của nền kinh tế. Cũng theo phân tích của trung tâm này, trong giai đoạn 2016-2025, nhu cầu tuyển dụng nhân sự hình thành ba cấp nhân lực. Trong đó, cấp nhân lực có chuyên môn kỹ thuật bậc cao tăng đến 41%, trong khi nhân lực có chuyên môn kỹ thuật bậc trung tăng 22% và bậc thấp tăng 24%.

Nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển sai do dùng tài liệu cũ

Bộ GD-ĐT vừa thông tin, qua mấy ngày đầu nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia 2017, một số địa phương cho biết đã có nhiều thí sinh (TS) kê khai chưa chính xác về mã trường, mã ngành, mã tổ hợp xét tuyển… do sử dụng tài liệu hướng dẫn chưa được cập nhật của những năm trước.

Đơn cử, ở đầu mã ngành trình độ ĐH, các em vẫn dùng D thay vì dùng 52, trình độ CĐ vẫn dùng C thay vì dùng 51… Nguyên nhân của sai sót này do TS sử dụng các tài liệu, nguồn thông tin hướng dẫn thi và tuyển sinh không chính thống, dựa vào tài liệu của những năm trước, chưa cập nhật. Để đảm bảo đăng ký xét tuyển chính xác, tránh sai sót ảnh hưởng đến quyền lợi TS, Bộ GD-ĐT lưu ý các TS phải nghiên cứu kỹ quy chế thi, quy chế tuyển sinh, các văn bản hướng dẫn liên quan. Đặc biệt, các em cần tìm hiểu rõ thông tin tuyển sinh của trường mà mình có nguyện vọng đăng ký thông qua đề án tuyển sinh đã được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường và tại cổng thông tin tuyển sinh của bộ (địa chỉ thituyensinh.vn).

TS có nguyện vọng đăng ký vào các ngành CĐ ngoài sư phạm sẽ không nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT mà thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và quy định cụ thể của từng trường.

Cũng theo Bộ GD-ĐT, năm nay sẽ triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tổ chức thi, tuyển sinh. Để tránh sai sót khi thực hiện đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ (nhóm ngành đào tạo giáo viên), bộ đặc biệt lưu ý TS phải ghi đúng mã trường, mã ngành, mã tổ hợp xét tuyển. Những nguyện vọng nào ghi sai sẽ bị loại vì phần mềm không chấp nhận.

Mê Tâm

Tất nhiên, mọi nhất cử nhất động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang được các cơ quan liên quan theo dõi chặt chẽ. Mới đây nhất, trong phiên họp Chính phủ ngày 3-4, Thủ tướng lưu ý về thời cơ và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thủ tướng đề nghị mọi cơ quan, tổ chức, trong đó có các cơ sở đào tạo tận dụng cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0 để đổi mới, sáng tạo nhằm đưa đất nước có bước đột phá mới trong phát triển kinh tế – xã hội.

Điều đáng mừng là trong mùa tuyển sinh năm nay, tuy chưa nhiều nhưng đã có một số ngành học mới của các trường ĐH như ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Bách khoa và ĐH Quốc tế (thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM), ĐH Nguyễn Tất Thành… ra đời.

Nói tóm lại, trong quá trình làm thủ tục đăng ký dự thi, các em HS và cả các thầy cô nên dành một sự quan tâm đến các ngành học mới. Vì như mong muốn của Thủ tướng, ngay từ bây giờ nước ta cần chuẩn bị một nguồn nhân lực mới để không bị chậm chân sánh vai cùng các nước bước vào cuộc đua làm chủ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Từ Nguyên Thạch

Bình luận (0)