Nhóm thực hiện đề tài Collagen – nguồn nguyên liệu sinh học quý cho cơ thể – tách từ vảy cá đang thuyết trình về quá trình nghiên cứu cũng như công dụng của đề tài
|
Vòng chung kết cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học TP.HCM năm học 2014-2015 vừa diễn ra tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (ngày 27-12), có 295 đề tài tham gia. Điểm nổi bật của cuộc thi là phần lớn đề tài đều hướng đến vấn đề bảo vệ môi trường, sức khỏe, giao thông…
Đa dạng tính ứng dụng
Tại các gian hàng trưng bày sản phẩm giới thiệu đến khách tham quan, gian hàng Xử lý ô nhiễm dầu nhớt, dầu mỡ trong nước bằng thân cây lục bình của hai học sinh Khánh Ngọc và Phương Anh (lớp 10CS Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa) thu hút nhiều người đến xem bởi phương pháp làm đơn giản nhưng có tính ứng dụng cao, thiết thực.
Cụ thể, thông qua việc thu gom cây bèo, phơi khô, tạo bột rồi trải qua các thí nghiệm… kết quả là nhóm thực hiện đã thu hồi được dầu, xử lý triệt để ô nhiễm trong các sự cố tràn dầu hay các chất thải từ ghe tàu hoạt động trên sông, biển… Khánh Ngọc cho biết: “Dựa vào đặc tính mô xốp ở thân bèo, túi khí chứa đầy khí, có khả năng hút thấm hiệu quả đã thúc đẩy chúng em thử nghiệm đề tài này. Ngoài tác dụng trên, việc thu gom bèo chế thành thành phẩm còn giúp giảm lượng bèo sinh sản, theo đó tình trạng tắc nghẽn giao thông trên sông rạch cũng giảm đáng kể”.
Tương tự, đề tài Collagen – nguồn nguyên liệu sinh học quý cho cơ thể – tách từ vảy cá do hai học sinh Quỳnh Hương và Kim Ngân (lớp 12CA1 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) thực hiện cũng được mọi người đánh giá cao về giá trị sản phẩm làm ra. Collagen là dược liệu quý giá cho con người trên các phương diện y học, sức khỏe, sắc đẹp, thực phẩm và ngày càng phổ biến ở Việt Nam; tuy nhiên giá thành sản phẩm này trên thị trường còn cao, chưa phổ biến với đại chúng. Qua tìm hiểu, Quỳnh Hương và Kim Ngân nhận ra rằng, collagen có chủ yếu trên da cá, xương các loại động vật như trâu, bò, heo. Tuy nhiên, việc chiết xuất collagen trên xương các loại động vật phức tạp và khó hơn chiết xuất từ vảy cá. Mặt khác, do vảy cá dễ kiếm, giá thành rẻ và đặc biệt là an toàn hơn các loại động vật trên cạn (do nguy cơ ảnh hưởng chất tăng trưởng, chất hóa học từ thức ăn). Trước các lợi thế trên, Quỳnh Hương và Kim Ngân quyết định thu gom vảy cá từ chợ và nhà máy chế biến, sau đó sử dụng các chất hóa học thông dụng như EDTA (Ethylendiamin tetraacetic acid), CH3COOH, NaOH cùng thiết bị máy li tâm để thực hiện chiết xuất. Kết quả, chỉ cần 130g vảy cá đã cho ra 6g collagen với giá thành không cao. Trong tương lai, nhóm sẽ tinh sạch, chế biến kem dưỡng da, yogurt có chứa collagen để nhiều người có cơ hội sử dụng…
Ngoài hai đề tài trên còn phải kể đến các đề tài khác có tính ứng dụng cao như: Hạn chế hiện tượng cắn móng tay ở học sinh; Thiết bị cảnh báo buồn ngủ tự động thông qua trạng thái của mắt dành cho người tham gia giao thông; Hệ thống điều khiển xe lăn hỗ trợ người khuyết tật; Gậy dò đường thông minh; Sơn chống cháy dành cho gỗ từ; Phương pháp chế tạo tấm cách nhiệt từ vỏ trấu và thủy tinh lỏng; Mô hình xử lý kim loại nặng bằng phương pháp thủy cảnh cỏ vetiver… Theo Ban giám khảo, các đề tài tham gia vòng chung kết lần này đều được đánh giá cao về tính mới mẻ, sáng tạo cũng như tính ứng dụng cao vào cuộc sống.
Một sân chơi đầy ý nghĩa
Theo thông tin từ Sở GD-ĐT TP.HCM, năm nay cuộc thi có 295 đề tài dự thi cấp thành phố. Kết quả có 99 đề tài đạt giải, trong đó có 18 đề tài đạt giải nhất. Năm nay, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong có số đề tài lọt vào vòng chung kết nhiều nhất, với 14 đề tài. Trong khi đó Trường THPT Trần Văn Giàu, dù mới thành lập được 2 năm nhưng cũng có 2 đề tài vào vòng chung kết. Đặc biệt, Trường THCS Phan Tây Hồ (Q.Gò Vấp) năm nay cũng có đề tài vào vòng chung kết sau khi xuất sắc vượt qua nhiều trường THPT ở vòng loại.
Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học TP.HCMđược xem là một sân chơi đầy ý nghĩa, thiết thực. Qua đó, các em không chỉ có cơ hội ứng dụng kiến thức sách vở vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, thể hiện khả năng tư duy, sáng tạo mà còn có cơ hội rèn luyện các kỹ năng sống. Khánh Ngọc (nhóm thực hiện đề tài Xử lý ô nhiễm dầu nhớt, dầu mỡ trong nước bằng thân cây lục bình) cho biết: “Mặc dù gặp không ít khó khăn về thời gian, kinh nghiệm thực hiện đề tài nhưng chúng em có điều kiện vận dụng kiến thức về sinh học, hóa học, vật lý để thể hiện khả năng bản thân. Mặt khác, thông qua những lần đi thực tế tìm hiểu, lấy nguyên liệu, tiếp xúc với nhiều người, chúng em rèn được kỹ năng giao tiếp, tăng sự mạnh dạn, tự tin. Giá trị này còn giúp chúng em hoàn thiện bản thân cũng như cảm thấy trưởng thành nhiều hơn”.
Cô Bùi Thị Thanh Thu, giáo viên hướng dẫn nhóm thực hiện đề tài Xử lý ô nhiễm dầu nhớt, dầu mỡ trong nước bằng thân cây lục bình, khẳng định: “Để thực hiện đề tài, học sinh phải vận dụng các kiến thức tổng hợp như toán, hóa, sinh, lý, công nghệ… và cả những vốn sống nhất định. Điều đó cho thấy các em vừa phải trau dồi kiến thức, nhưng đồng thời lại có cơ hội thể hiện niềm đam mê để đạt được những thành công bước đầu”.
Điểm nổi bật của cuộc thi năm nay đó là phần lớn đề tài đều hướng đến vấn đề bảo vệ môi trường, sức khỏe, giao thông… Ông Trần Đức Huyên, Phó hiệu trưởng chuyên môn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, đánh giá cao về điểm nổi bật này. Ông cho biết: “Các đề tài đã đáp ứng yêu cầu cuộc thi và thể hiện sự gắn bó thiết thực với cuộc sống con người. Chúng tôi hy vọng các cuộc thi sau sẽ có những đề tài mới lạ, sáng tạo và khả năng ứng dụng cao như thế”. Cũng theo ông Huyên, trong hoạt động giáo dục rất cần những cuộc thi nghiên cứu khoa học. Nó vừa khơi gợi niềm đam mê nghiên cứu khoa học trong mỗi học sinh, vừa đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp dạy học, phát triển năng lực học tập cho học sinh và phát triển chất lượng dạy học trong các trường…”.
Bài, ảnh: Trinh Ngọc
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, 18 đề tài đạt giải nhất sẽ được dự thi cấp quốc gia. Các giáo viên hướng dẫn và học sinh có đề tài dự thi cấp quốc gia phải có mặt tại phòng nghe nhìn của Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa vào ngày hôm nay (5-1) để bổ sung hồ sơ và các công việc chuẩn bị cho cuộc thi. |
Bình luận (0)