Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Học sinh phải được làm quen với nghề nghiệp, khởi nghiệp từ cấp tiểu học, trung học

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Quy định mới của Bộ GD-ĐT yêu cầu ngay từ cấp tiểu học, học sinh phải được làm quen với công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp thông qua các môn học và hoạt động giáo dục.

Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư quy định công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục. Thông tư này được áp dụng từ bậc tiểu học đến bậc ĐH.

Theo đó, ở cấp tiểu học, nội dung nghề nghiệp và khởi nghiệp sẽ mang tính nhận biết, thông qua công việc, nghề nghiệp, việc làm của cha mẹ, người thân, các nghề truyền thống ở địa phương và một số nghề nghiệp cơ bản. Nhà trường phải giáo dục học sinh hình thành các kỹ năng nhận thức, quản lý, khám phá bản thân, quản lý tài chính, kỹ năng giao tiếp; phát hiện, bồi dưỡng và phát triển năng khiếu cho học sinh.

 Học sinh phải được làm quen với nghề nghiệp, khởi nghiệp từ cấp tiểu học, trung học - ảnh 1

Học sinh tiểu học sẽ được làm quen với nội dung về định hướng nghề nghiệp thông qua các môn học. N.L

Đối với cấp THCS, nội dung này mang tính trải nghiệm, thông qua việc giáo dục học sinh có ý thức, thái độ tích cực về lao động nghề nghiệp, việc làm, hướng dẫn học sinh khám phá sở thích năng lực sở trường nguyện vọng nghề nghiệp của bản thân. Trong giai đoạn này, trường giúp học sinh hình thành và phát triển các kỹ năng xã hội, quản lý thời gian, ứng phó với căng thẳng… Bên cạnh đó, nhà trường tạo môi trường tổ chức cho học sinh làm quen, trải nghiệm thực tế một số nghề nghiệp, việc làm cơ bản phù hợp với điều kiện của nhà trường.

Đối với cấp THPT, nội dung mang tính thực hành và định hướng về nghề nghiệp. Nhà trường giáo dục học sinh phát triển phẩm chất, năng lực bản thân và xác định nguyện vọng, sở thích nghề nghiệp, đồng thời cung cấp thông tin về các cơ sở giáo dục ĐH, chương trình đào tạo và tư vấn cho học sinh về vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp. Ngoài ra, nhà trường cung cấp thông tin và xu hướng phát triển của các ngành nghề trong xã hội, tổ chức cho học sinh tìm hiểu trải nghiệm thực tế đối với nhóm nghề nghiệp, việc làm theo sở thích nguyện vọng của học sinh.

Ở trình độ đào tạo ĐH và CĐ sư phạm, nội dung tập trung vào phát triển nghề nghiệp việc làm. Các trường cần xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin việc làm, tuyển dụng, yêu cầu về kĩ năng, thái độ của các nhóm nghề nghiệp, thông tin về nhu cầu thị trường lao động liên quan đến ngành đào tạo. Bên cạnh đó, hỗ trợ sinh viên trải nghiệm, làm quen với công việc thực tế tại đơn vị đối tác, hướng dẫn sinh viên tham gia việc làm thêm phù hợp với thời gian học tập…

Cùng với nội dung về định hướng nghề nghiệp là khởi nghiệp. Bộ GD-ĐT quy định từ bậc THCS đến ĐH, học sinh và sinh viên phải được tuyên truyền, phổ biến về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Hướng dẫn học sinh, sinh viên vận dụng kiến thức, kỹ năng hướng dẫn cung cấp tài liệu hình thành các dự án khởi nghiệp, kết nối các dự án khởi nghiệp khả thi với các đối tác tổ chức ươm tạo, hỗ trợ khởi nghiệp.

Bộ GD-ĐT yêu cầu tất cả các nội dung về tư vấn nghề nghiệp và khởi nghiệp ở các bậc học đều phải được lồng ghép vào các môn học và các hoạt động giáo dục nhà trường. Các cơ sở giáo dục phổ thông phải bố trí giáo viên kiêm nhiệm hoặc chuyên trách để triển khai công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh. Riêng bậc ĐH, thành lập đơn vị hoặc bộ phận thực hiện công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên. Các trường cần quy định chính sách hỗ trợ cho sinh viên khi tham gia các hoạt động khởi nghiệp và đảm bảo quyền như đối với sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học.

Theo Mỹ Quyên/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)