Bạo lực học đường như “những cơn gió độc thổi hoài mà chẳng chịu lặng yên”. Vậy đối tượng học sinh THPT, “hạt nhân của vấn đề” nói gì? Dưới đây là sự tổng hợp của chúng tôi về đề tài này trong các bài viết của học sinh…
Hình ảnh bạo lực học đường do học sinh THPT tái hiện (ảnh minh họa). Ảnh: TL
Thực trạng chua xót
Vụ việc gây chấn động trên khắp các nền tảng mạng xã hội, xảy ra tại một trường quốc tế ở TP.Thủ Đức cách đây 2 năm, dẫn đến 4 học sinh bị thương và sang chấn tâm lý đã cùng lúc kéo theo nhiều hệ lụy. Đó là hồi chuông lớn cảnh tỉnh mọi người về một hiện tượng vốn không còn mới mẻ, xa lạ nhưng vô cùng nhức nhối mang tên “bạo lực học đường”. Theo báo cáo Bộ GD-ĐT, tính từ ngày 1-9-2021 đến ngày 5-11-2023, cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường liên quan đến 2.016 học sinh, trong đó có 854 học sinh là nữ. Bình quân, cứ 50 cơ sở giáo dục xảy ra 1 vụ bạo lực học đường. Qua đó, chúng ta thấy được thực trạng này đang có xu hướng ngày càng đáng lo ngại.
Nhiều vụ bạo lực học đường gây rúng động dư luận bởi mức độ nghiêm trọng của nó, tiêu biểu như vụ việc diễn ra vào ngày 30-11-2020, một nữ sinh tên Y. tại Trường THPT Vĩnh Xương (tỉnh An Giang) đã cố ý tự đầu độc bằng Salbutamol (thuốc trị hen suyễn) liều cao với lý do bị nhà trường và cô giáo chủ nhiệm bạo hành tinh thần, gây ức chế. Sự việc khác diễn ra vào tháng 10-2022, một học sinh tên K. tại Trường THCS & THPT Nguyễn Văn Rành (tỉnh Long An) bị đánh chấn thương được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi. Cùng năm, ngày 26-12-2022, một nam sinh Trường THPT Tây Thụy Anh (tỉnh Thái Bình) bất ngờ dùng vật nhọn đâm vào vùng ngực của nam sinh K. (16 tuổi, học cùng trường) khiến nạn nhân trọng thương.
Nhiều kiểu bạo lực học đường
Thứ nhất là bạo lực thân thể, đây là dạng bạo lực dễ nhận biết nhưng cũng nguy hiểm nhất. Bởi trong đa số các trường hợp, người bắt nạt đều có đồng phạm kết thành hội nhóm, có thể có vũ khí nên việc tấn công nạn nhân – thường chỉ có một người đơn lẻ – là việc rất dễ dàng; vậy nên hậu quả để lại thường rất nghiêm trọng cho người bị hại, dù cho có là một người trưởng thành, nhưng ở môi trường học đường, ít ai có đủ khả năng để tự vệ trước hội nhóm bạo lực, côn đồ.
Thứ hai là bạo lực tinh thần, đây cũng là một hình thức nguy hiểm, khó nhận biết, do nạn nhân thường bị tổn thương sâu sắc nhưng lại không ý thức được nguyên nhân đến từ đâu. Ngoài ra, các nạn nhân cũng khó tìm được sự hỗ trợ thật sự hiệu quả từ người khác, vì bạo lực tinh thần có thể được gây ra bằng nhiều cách thức như trực tiếp dùng lời lẽ miệt thị, đe dọa khó nghe để công kích danh dự, phẩm giá nạn nhân, hay đăng tải, lan truyền tin đồn thất thiệt làm triệt hạ uy tín qua các trang mạng trực tuyến… mà những hình thức này đều không để lại vết thương vật lý có thể dễ dàng quan sát cho nạn nhân.
Với kiểu thứ ba, tấn công tình dục trong phạm vi môi trường học đường cũng là một vấn đề rất cần nhận được sự quan tâm. Người tấn công hiếm khi sử dụng các biện pháp an toàn, vậy nên hình thức bạo lực này cũng tiềm ẩn một số rủi ro liên quan đến sức khỏe sinh sản lâu dài nhất định. Nạn nhân khi bị tấn công khó mở lời vì đây vốn là chủ đề nhạy cảm, khó nói, khó chấp nhận, đặc biệt là với những gia đình còn giữ những định kiến về việc này. Hậu quả, hung thủ sẽ tiếp tục thực hiện hành vi đồi bại, và nạn nhân bị cuốn vào vòng lặp tội lỗi, khổ sở khiến tâm lý chịu tổn thương lớn, khó chữa lành.
Cuối cùng là hành vi khống chế kinh tế, người bắt nạt dùng các biện pháp đe dọa cực đoan hoặc lừa đảo, cưỡng ép nạn nhân nhằm trục lợi cho bản thân. Nạn nhân có thể tiêu tốn một số tiền lớn và vay nợ, túng quẫn.
Xuất phát từ nguyên nhân gì?
Nguyên nhân khởi phát của hiện tượng này được cho là những tổn thương từ trong tâm lý của người bắt nạt, bên cạnh đó là sự thiếu hụt nhận thức về cả tâm lý học cũng như bản chất, hậu quả bạo lực học đường của các học sinh hiện nay do phương pháp giáo dục chưa đúng cách, chưa đạt hiệu quả cao. Các yếu tố có thể tác động đến tâm lý người bắt nạt thứ nhất là thiếu thốn sự quan tâm, giáo dục con đúng cách của phụ huynh. Điều này dễ dàng hình thành nên những suy nghĩ lệch lạc, từ đó tạo thành nền tảng cho khuynh hướng bắt nạt của con. Thứ hai do sự phát triển vượt bậc của lĩnh vực công nghệ thông tin, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội, việc đăng tải tin tức tự do, không cần kiểm duyệt đã kéo theo nhiều luồng tin tiêu cực, sai sự thật mỗi ngày, vô tình chúng lại được người dùng chưa được trang bị kỹ năng sàng lọc thông tin tin tưởng. Thứ ba là do môi trường học tập, làm việc quá áp lực, hà khắc hoặc có kỷ luật quá lỏng lẻo, đây là một trong những nguyên nhân ban đầu tạo điều kiện thuận lợi cho sự thiếu kiểm soát hành vi, suy nghĩ ở một số người.
Thực chất, bắt nạt không giống với mâu thuẫn thường ngày, bởi những hậu quả nó để lại cho cả đôi bên đều đáng kể. Người đi bắt nạt vốn phải chịu nhiều định kiến, áp đặt dẫn tới những suy nghĩ, hành động bốc đồng, bạo lực. Họ cũng thường phải chịu sự dằn vặt, mặc cảm tội lỗi vì những gì mình gây ra, nhiều suy nghĩ tiêu cực bị dồn nén được chuyển dời qua người khác bằng hành động bạo lực; trong khi người bị bắt nạt trực tiếp hứng chịu cơn giải tỏa đó, trở thành người có khả năng cao sẽ tiếp tục bắt nạt người khác. Nếu không được can thiệp kịp thời, trường hợp tệ nhất, nạn nhân ấy có thể mất mạng hoặc sẽ mắc các chứng rối loạn tâm thần trong tương lai, để lại nhiều câu chuyện đáng tiếc cho cả bản thân lẫn gia đình. Một sự thật khác là bất kỳ đối tượng ở lứa tuổi hay vị trí nào trong khuôn khổ học đường cũng đều có thể là nạn nhân hoặc người bắt nạt, không loại trừ học sinh, giáo viên. Việc giáo viên cố tình tạo sức ép không đáng có lên học sinh hay ngược lại cũng có thể được xem là bạo lực học đường, bởi nó đã gây ra sự tổn thương.
Học sinh hiến kế gì?
Sau đây là những giải pháp mà học sinh hiến kế để ngăn chặn bạo lực học đường. Với Nhà nước: các lãnh đạo, cơ quan, ban ngành liên quan cần dành sự quan tâm, nghiên cứu thực tế để ban hành các chính sách, điều luật bảo vệ quyền lợi chính đáng của người bị bắt nạt và có hình phạt nghiêm minh với những hành vi bắt nạt. Với xã hội: mỗi người cần mạnh mẽ lên án, phê phán để bài trừ nạn bắt nạt học đường. Với nhà trường: các thầy cô cần tăng cường tổ chức tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của mọi người. Với gia đình: mỗi thành viên cần dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ phù hợp, vừa phải cho nhau. Với mỗi cá nhân: chúng ta có trách nhiệm học hỏi, tiếp thu các kỹ năng mềm hữu ích như kỹ năng kiềm chế, quản lý cảm xúc, thuyết phục, hòa giải, phản biện, lắng nghe… nhằm phòng tránh hoặc đối phó với các tình huống xấu do bạo lực học đường gây ra.
Điều cần thiết và cấp bách nhất bây giờ là mỗi người trong chúng ta, bắt đầu ngay lúc này cùng nhau hành động vì một tương lai không còn ai phải chịu tổn thương, dày vò từ nạn bắt nạt học đường nữa. Dù đây không phải chuyện dễ dàng, nhưng chúng ta tin rằng, với sự cùng nhau cố gắng, một ngày không xa sẽ không còn những câu chuyện đau buồn như quá khứ từng xảy ra được nêu ở trên!
Trần Nhân Trung
Bình luận (0)