Tình huống: Đầu tháng 10, ban giám hiệu nhà trường nhận được một thư khiếu nại của một số phụ huynh lớp 3A, nội dung phản ánh như sau: Thầy X., giáo viên chủ nhiệm lớp ngày nào cũng cho bài học sinh về nhà làm, mà theo quy định của Bộ GD-ĐT, học sinh học 2 buổi/ngày giáo viên không được cho bài về nhà. Sau khi xem xét thư khiếu nại, ban giám hiệu nhà trường tiến hành giải quyết vụ việc để phụ huynh an tâm.
Cách giải quyết
Đầu tiên ban giám hiệu mời riêng thầy X. vào phòng trao đổi, để thầy trình bày về thực trạng việc thầy cho bài học sinh về nhà làm. Bởi theo nhà tâm lý học Mary Parker Follett, giải quyết vấn đề phải có sự tiếp xúc trực tiếp, quan tâm, lắng nghe người lao động trình bày.
Thầy X. trình bày, theo thời khóa biểu thứ hai và thứ tư có tiết tập đọc, thứ ba và thứ năm có tiết chính tả. Vì vậy cuối buổi chiều thứ hai và thứ tư thầy cho học sinh rèn từ khó (khoảng 10 dòng) để chuẩn bị bài chính tả sáng thứ ba và thứ năm. Cuối buổi chiều thứ ba và thứ năm thầy yêu cầu học sinh viết phần trả lời câu hỏi của bài tập đọc cũ của ngày thứ hai và thứ tư. Riêng ngày thứ sáu cuối tuần các em được nghỉ học 2 ngày (thứ bảy và chủ nhật) nên thầy cho học sinh viết bài tập đọc với mục đích giúp các em rèn chữ. Khi giao bài thầy có kiểm tra.
Sau khi nghe thầy X. trình bày, ban giám hiệu phân tích và nhắc lại quy định của Bộ GD-ĐT: Học sinh học 2 buổi/ngày không cho bài về nhà. Ban giám hiệu quyết định như vậy là dùng nguyên tắc hành chính để giải quyết vấn đề. Bởi thuyết quản lý hành chính của Henry Fayol luôn đề cao kỷ cương, nguyên tắc trong quá trình hoạt động.
Mục đích việc thầy X. cho bài về nhà nhằm giúp các em chuẩn bị bài mới và ôn lại kiến thức cũ cho học sinh, đồng thời giúp các em rèn chữ. Do đó, để giúp các em và bản thân thầy X. không bị áp lực, ban giám hiệu nhà trường vẫn tôn trọng ý kiến của thầy nhưng cách thức thực hiện sẽ linh động và sáng tạo hơn. Cụ thể: Các bài rèn từ khó thầy sẽ cho các em giải quyết trong lớp vào những tiết ôn luyện bằng hình thức viết bảng con hay viết vào vở tùy thời gian. Không viết trả lời câu hỏi bài tập đọc vào vở mà chỉ ôn bằng hình thức trả lời miệng tại lớp (các em cũng có thể ôn bài bằng hình thức này tại nhà). Ngày thứ sáu cuối tuần, thầy có thể cho các em rèn chữ tại nhà với một đoạn văn ngắn có số lượng chữ phù hợp.
Sau khi trao đổi và đưa ra hướng giải quyết như trên, thầy X. vui vẻ tiếp nhận với thái độ cởi mở, thân thiện, hiểu rõ những việc làm vô tình của mình đã vi phạm quy định ngành. Đến nay đã được hai tháng từ khi sự việc xảy ra, nhà trường không còn nghe ý kiến phản ánh của phụ huynh nữa.
Việc vận dụng kiến thức về khoa học quản lý một cách khéo léo sẽ giúp cho nhà quản lý thực hiện tốt vai trò của mình, dung hòa được khối lượng công việc và các quan hệ trong nhà trường, giúp cho công việc đạt mục đích đề ra, đảm bảo hiệu quả.
Dương Thị Ngọc Dung – Nghiêm Ý
Bình luận (0)