Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học sinh quan tâm đề án tuyển sinh ĐH, CĐ

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Trường Võ Thị Sáu đưa tay xin đặt câu hỏi với Ban tư vấn chương trình “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai”
Năm học 2014-2015 là năm có nhiều thay đổi quan trọng khi sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia làm cơ sở để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Vì vậy rất nhiều học sinh THPT, nhất là những em đang học lớp 12 quan tâm đến vấn đề này.
Tại các buổi tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức ở các trường THPT trên địa bàn thành phố, học sinh hỏi rất kỹ về quy chế, đề án tuyển sinh được các trường ĐH, CĐ công bố trong thời gian qua.
Các đề án đều có điểm chung
Trong buổi tư vấn tổ chức tại Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, em Bùi Quốc Linh (lớp 12A8) thắc mắc: “Em được biết năm nay có rất nhiều trường ĐH, CĐ áp dụng đề án tuyển sinh riêng, vậy giữa các đề án tuyển sinh có điểm chung nào không?”. TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, cho biết: Theo thống kê chưa đầy đủ, đến thời điểm này đã có 328 trường ĐH, CĐ và học viện nộp phương án tuyển sinh 2015 về Bộ GD-ĐT. Trong số các trường đã nộp đề án chỉ có 185 trường ĐH, CĐ chỉ sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển; 143 trường ĐH, CĐ tuyển sinh theo hai phương thức: Một phần chỉ tiêu tuyển bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia và phần còn lại dùng để xét tuyển dựa vào kết quả học tập của thí sinh ở bậc phổ thông. Điểm chung nhất của các đề án là những trường tuyển sinh dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia đều sử dụng kết quả của thí sinh dự thi ở các cụm thi do trường ĐH chủ trì. Các trường đã thực hiện đúng quy định của Bộ GD-ĐT về xác định tổ hợp những môn xét tuyển vào các ngành của trường. Số tổ hợp môn xét tuyển tối đa đối với một ngành là 4. “Bên cạnh các khối xét tuyển truyền thống, một số trường đề xuất thêm các tổ hợp xét tuyển mới cho phù hợp với yêu cầu của ngành nghề đào tạo. Các trường tuyển sinh dựa vào kết quả học tập THPT của thí sinh đều có qui định ngưỡng chất lượng đầu vào, thường điểm trung bình chung 3 năm THPT là 6,0 trở lên đối ĐH và 5,5 trở lên đối với CĐ”, TS. Nguyễn Đức Nghĩa khẳng định.
Đối với câu hỏi của một học sinh Trường THPT Hồng Hà về thời gian thay đổi ngành học đã đăng ký, TS. Nguyễn Đức Nghĩa phân tích: “Trong thời gian quy định của mỗi đợt xét tuyển (20 ngày), thí sinh được quyền thay đổi ngành học đã đăng ký hoặc rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để nộp vào trường khác. Tuy nhiên, nếu trúng tuyển nguyện vọng 1 rồi sẽ không được đăng ký vào những lần xét tuyển sau. Trường hợp thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 thì trường xét tuyển sẽ trả kết quả về cho Bộ GD-ĐT và thí sinh tiếp tục được xét tuyển các đợt tiếp theo”.
Trường ĐH Việt Đức là trường công lập
Ông Võ Minh Thái, Trưởng phòng Tuyển sinh – khẳng định: Trường ĐH Việt Đức là trường công lập nằm trong dự án xây dựng ĐH trọng điểm quốc gia và được Bộ GD-ĐT cho phép tuyển sinh bằng đề kiểm tra riêng vào tháng 5 trước kỳ thi THPT quốc gia hàng năm. Năm 2015, học sinh có thể dự tuyển bằng điểm thi của kỳ thi THPT quốc gia vào tháng 7. Hai đợt tuyển sinh này là cơ hội độc lập cho thí sinh.
Đối với đợt tuyển sinh riêng trước kỳ thi THPT quốc gia (tháng 5-2015), học sinh nộp bảng điểm tổng kết 6 môn học ở THPT (lớp 10, lớp 11 và học kỳ I lớp 12), sau đó được chọn để tham dự bài kiểm tra riêng của trường. Bài kiểm tra này hoàn toàn độc lập với kỳ thi THPT quốc gia nhằm mục đích đo khả năng tư duy nhận thức của thí sinh, không đòi hỏi kiến thức chuyên môn và thí sinh cũng không cần học thuộc lòng. Thí sinh sẽ nhận được kết quả kiểm tra trước khi có kết quả của kỳ thi THPT quốc gia.
Đợt tuyển sinh thứ 2 sau kỳ thi THPT quốc gia (tháng 7-2015) là cơ hội dành cho các thí sinh không tham gia hoặc không thành công trong đợt tuyển sinh tháng 5 nhưng mong muốn học tại trường. Trong đợt tuyển sinh này, thí sinh cần nộp điểm thi THPT quốc gia (tối thiểu 21 điểm cho 3 môn) và tham dự kiểm tra tiếng Anh. Tuy nhiên, đợt tuyển sinh này trường sẽ dành ít chỉ tiêu hơn đợt 1. Trường tuyển sinh các ngành: Kỹ thuật điện (chuyên ngành điện tử viễn thông), tài chính – kế toán, CNTT, kỹ thuật cơ khí, QTKD.
Trường ĐH Y dược TP.HCM: Xét ưu tiên đối với các thí sinh bằng điểm
Em Vũ Trọng Phước (lớp 12A1 Trường THPT Võ Thị Sáu) băn khoăn: “Em được biết Trường ĐH Y dược TP.HCM thường lấy điểm rất cao. Vậy trong trường hợp có nhiều thí sinh bằng điểm trong khi chỉ tiêu lại có giới hạn thì nhà trường giải quyết ra sao?”. Trước vấn đề thú vị này, PGS.TS Đặng Văn Tịnh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho biết: Trong trường hợp thí sinh bằng điểm nhau, nhà trường sẽ ưu tiên xét tuyển thí sinh có điểm môn hóa cao hơn (đối với ngành dược) và môn sinh đối với các ngành còn lại. Nhưng nếu xét ưu tiên rồi mà vẫn bằng điểm nhau thì nhà trường tiếp tục xét đến điểm trung bình 4 môn thi tốt nghiệp; theo đó thí sinh nào có tổng điểm tốt nghiệp cao hơn sẽ được ưu tiên. Nếu gặp trường hợp tiếp tục bằng điểm nữa thì nhà trường sẽ xét đến điểm học bạ 3 môn toán, hóa, sinh. Riêng ngành cử nhân phục hình răng sẽ có sơ tuyển năng khiếu kỹ thuật.
Bài, ảnh: Linh Vy
 
Thầy Đỗ Duy Tiến (giáo viên Trường THPT Nguyễn Thái Bình, TP.HCM):
Cho mang Atlat vào phòng thi là hợp lý
Theo tôi, quyết định cho học sinh sử dụng Atlat trong kỳ thi THPT quốc gia 2015 là đúng đắn và hoàn toàn hợp lý. Trước đây, khi dự thảo quy chế thi mới công bố, nhiều giáo viên và học sinh rất băn khoăn khi dự thảo không đề cập đến việc có hay không cho thí sinh mang Atlat vào phòng thi. Có thể nói đây  là quyết định có ý nghĩa rất quan trọng đối với học sinh, giảm áp lực “phải thuộc bài” trong thi cử. Với học sinh có năng lực học tập trung bình, Atlat được coi là “phao cứu sinh” để vớt điểm cho môn địa lý vì chỉ cần nhìn bản đồ, biểu đồ cũng gợi được kiến thức để trả lời. Còn với những em có năng lực khá, Atlat là phương tiện để khơi gợi tính tư duy sáng tạo, gợi mở vấn đề trong các câu trả lời. Chúng ta đang hướng tới một nền giáo dục hạn chế lối dạy đọc – chép, thi cử theo kiểu “trả bài” và phát huy tính sáng tạo, tư duy cho học sinh nên quyết định của Bộ GD-ĐT sẽ nhận được sự đồng thuận của rất nhiều giáo viên và học sinh, nhất là với những em ở vùng sâu, vùng xa.
 
Cô Đặng Thị Thùy Dung (giáo viên Trường THPT Nguyễn Trãi (TP.HCM):
Bộ GD-ĐT nên giữ thang điểm 20
Dù dư luận cho rằng thang điểm 20 sẽ khiến cho các giáo viên làm công tác chấm thi vất vả hơn, nhưng theo tôi, Bộ GD-ĐT nên duy trì thang điểm này. Bởi thang điểm 20 sẽ giúp giám khảo dễ chấm hơn, có thể căn cứ vào mức độ câu trả lời của thí sinh để cho mức điểm tương xứng. Dùng thang điểm 10, ngay cả khi chấm bài cho học sinh ở trên lớp, giáo viên nhiều lúc vẫn đắn đo không biết nên nâng hay hạ điểm, và nếu nâng hay hạ thì bao nhiêu điểm thì tương xứng. 20 điểm chia cho đáp án của 5 câu hỏi dĩ nhiên sẽ dễ dàng hơn 10 điểm/5 câu. Đối với kỳ thi sử dụng kết quả để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ thì dù chỉ 0,5 điểm cũng có ý nghĩa quan trọng đối với thí sinh. Theo tôi, kỳ thi THPT quốc gia nên duy trì thang điểm 20 để đảm bảo tối đa quyền lợi cho các thí sinh tham dự.
Ngọc Anh (ghi)
 

 

Bình luận (0)