Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Học sinh quan tâm đến giáo dục nghề nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ phận tuyển sinh của các trường CĐ-TC nghề cho biết, những học sinh có dự định đăng ký học nghề quan tâm nhiều đến ngành nghề mới, cơ hội việc làm, chương trình liên thông…

Ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) trao đổi với học sinh về xu hướng việc làm từ nay đến năm 2025

Học sinh có nhu cầu gì?

Tại Ngày hội tuyển sinh, hướng nghiệp giáo dục nghề nghiệp năm 2017 với chủ đề “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tổ chức cuối tuần qua, đại diện các trường CĐ, TC nghề cho biết, nhiều học sinh THCS và THPT đến ngày hội nhờ các chuyên gia tư vấn những ngành nghề nào đang “khát” nhân lực để đăng ký học. Cụ thể, Vũ Thị Mỵ (học lớp 10A5 Trường THPT Bà Điểm, TP.HCM) cho biết, bên cạnh việc chọn học những ngành nghề phù hợp với sở thích, năng lực và điều kiện tài chính, em còn xác định ngành nghề đó có cơ hội việc làm khi ra trường hay không? Theo thống kê của Ban tổ chức, nhiều em đặc biệt chú ý đến nhóm ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao hiện nay như: Cơ khí – tự động hóa, dệt may – giày da, vận tải – kho bãi – xuất nhập khẩu, kiến trúc – kỹ thuật công trình xây dựng, dịch vụ thông tin tư vấn – chăm sóc khách hàng, du lịch – nhà hàng – khách sạn…

Những năm học THPT, Hồ Công Lập (sinh viên Trường CĐ Nguyễn Trường Tộ) là một học sinh khá giỏi đủ sức vào một trường ĐH công lập nhưng em đã chọn con đường học nghề để tiến thân. Hiện em đang học năm cuối ngành điện – điện tử của Trường CĐ Nguyễn Trường Tộ. Lập nói: “Nếu có năng lực nhất định thì ngay từ những ngày còn thực tập, sinh viên có thể có một công việc đúng chuyên môn và thu nhập khá”. Trong khi đó, Nguyễn Thanh Nam (đã tốt nghiệp ngành công nghệ ô tô của Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng) khẳng định, nếu không có chương trình đào tạo liên thông thì khó mà thu hút học sinh học nghề. “Bản thân tôi cũng đã tìm hiểu kỹ ngành học có được liên thông hay không mới đăng ký. Với điều kiện kinh tế khó khăn, rút ngắn thời gian học để tiết kiệm chi phí mà vẫn đảm bảo được việc làm thì học nghề là lựa chọn đúng đắn”, Nam đúc kết. Còn Lê Hoàng Khải (bộ đội xuất ngũ, ngụ P.2, Q.Tân Bình) cho rằng hiện nay thông tin về ngành nghề đào tạo, cơ hội việc làm của các trường còn quá nghèo nàn. Do đó, Khải đề xuất: “Các trường cần có cổng thông tin điện tử cập nhật thường xuyên nhu cầu việc làm của các ngành nghề trong xã hội, xu hướng ngành nghề mới, chính sách đào tạo liên thông… để người học tham khảo”.

Xây dựng hướng đi đúng

Giải đáp các thắc mắc của học sinh tại ngày hội về xu hướng việc làm trong thời gian tới, ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) cho biết, giai đoạn 2017-2020 và xu hướng đến 2025, nhu cầu nhân lực bình quân hàng năm trên địa bàn TP.HCM cần là 270.000 việc làm (130.000 việc làm mới) và trên 50% việc làm có nhu cầu lao động nữ.

Theo ông Tuấn, nhu cầu nhân lực trình độ có xu hướng tăng qua các năm, cụ thể: trình độ TC tăng từ 15,04% năm 2010 lên 28,39% năm 2016; trình độ CĐ cũng tăng từ 7,69% năm 2010 lên đến 16,13% vào năm 2016; trình độ ĐH tăng từ 11,09% năm 2010 lên 15,17% năm 2016.

Để có được nguồn lao động chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố, ông Võ Văn Vân (Phó Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho rằng các trường nghề cần tăng cường các buổi giao lưu với học sinh THCS và THPT; tổ chức cho học sinh tham quan thực tế tại trường, tại doanh nghiệp để các em có điều kiện tìm hiểu, tiếp cận với các ngành nghề. Qua những gì học sinh quan tâm, đề xuất, các trường cũng phải tiếp thu và xác định hướng đi đúng trong tương lai. 

Bà Nguyễn Thị Lý (Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức) cho biết, những học sinh có dự định đăng ký học nghề đều quan tâm đến chất lượng đào tạo và giải quyết việc làm sau khi tốt nghiệp. Vì thế, chất lượng đào tạo chính là yếu tố cốt lõi để khẳng định thương hiệu và thu hút học sinh đến học. “Số lượng học sinh, sinh viên của trường chúng tôi có việc làm trong vòng ba tháng sau khi tốt nghiệp khá cao nhờ trường sắp xếp cho các em thực tập tại doanh nghiệp, và doanh nghiệp đã lựa chọn, tuyển dụng các em ngay tại lễ tốt nghiệp. Bên cạnh đó, nhà trường còn thực hiện đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp”, bà Lý khẳng định.  

Ông Nguyễn Hoàng Nam (đại diện Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM) cho biết, vấn đề học sinh muốn học nghề quan tâm hiện nay là cơ hội việc làm, chế độ miễn giảm học phí và chương trình đào tạo liên thông. Trước thắc mắc của học sinh về những trường hợp thuộc đối tượng miễn học phí nhưng các trường nghề vẫn thu, ông Nam nói: “Hầu hết các trường đều có thông báo đến học sinh rằng trường thực hiện thu học phí trước, khi nào địa phương duyệt hồ sơ, các em gửi về trường thì trường sẽ hoàn trả 100% học phí theo quy định”.

Trong khi đó, bà Phạm Quang Trang Thủy (Hiệu trưởng Trường TC nghề Công nghệ kỹ thuật Hùng Vương) khẳng định: “Luật Giáo dục nghề nghiệp ra đời tạo điều kiện cho các trường tự chủ trong việc xây dựng chương trình, giáo trình phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, rút ngắn thời gian đào tạo của trường và doanh nghiệp”. Theo bà Thủy, không chỉ học sinh mà gia đình, xã hội đặc biệt quan tâm đến việc dạy nghề miễn phí cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Do đó, bà đề xuất cần tăng cường các kênh thông tin tuyên truyền, các buổi tọa đàm về thành công từ con đường học nghề với sự tham gia của các tổ chức xã hội, thanh niên trên địa bàn. Bộ LĐ-TB&XH cần xem xét điều chỉnh nâng mức hỗ trợ chi phí học nghề của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng tay nghề của học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp.

T.Anh

Bình luận (0)