Các thành viên trong Ban tư vấn tuyển sinh giải đáp thắc mắc cho HS sau buổi tư vấn chung
|
Xu hướng tuyển dụng của các doanh nghiệp hiện nay cần thợ hơn thầy, đặc biệt là lao động có tay nghề. Nắm bắt được điều này, các em HS Trường THPT Hiệp Bình (Q.Thủ Đức, TP.HCM) đã đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến trường nghề, TCCN cho Ban tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề, sáng tương lai” do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức.
Doanh nghiệp gắn với nhà trường
Nhiều HS có học lực trung bình nên muốn đăng ký xét tuyển để bỏ qua giai đoạn thi cử, nhưng học trường nào dễ xin việc làm? Đó là mối quan tâm hàng đầu của các em. Vũ Thị Ngọc Hân (HS lớp 12A1) thắc mắc: “Em muốn học nghề bartender vì học lực của em chỉ ở mức trung bình. Vậy có trường nào đào tạo ngành này mà không tổ chức thi tuyển hay không?”. Với câu hỏi này, thầy Đoàn Quốc Phương, phụ trách tuyển sinh Trường TC Mai Linh, chia sẻ: “Với nghề bartender, HS tốt nghiệp THPT hoặc thậm chí chưa có bằng tốt nghiệp cũng có thể đăng ký xét tuyển ở các trường TCCN hoặc học ở các trung tâm. Thời gian để có được chứng chỉ ở trung tâm rất ngắn, chỉ cần khoảng 6 tháng học về pha chế rượu là các em đã có thể đi làm”.
Cơ khí kỹ thuật là một trong những ngành đang hút nhiều nhân lực nhưng số lao động ở ngành này đang thiếu. Vậy học cơ khí kỹ thuật ở đâu vừa dễ thi đầu vào lại có thu nhập cao là điều mong muốn của không ít HS. “Em thích ngành liên quan đến kỹ thuật. Nếu học ngành này em cần có những tố chất gì, xu hướng việc làm của ngành này như thế nào?”, một em HS đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi này, ThS. Nguyễn Long An Di, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, cho biết: “Em cần xác định năng lực học tập của mình ở mức độ nào để lựa chọn ngành và cấp học cho phù hợp. Nếu học lực của em chỉ ở mức trung bình thì nên chọn trường CĐ nghề hoặc TCCN. Hiện Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức có đào tạo ngành này và thường gắn kết với doanh nghiệp để các em được thực hành thực tế. Theo dự báo về việc làm, các ngành liên quan về kỹ thuật đang thiếu nhân lực, vì vậy năm 2013, Bộ GD-ĐT sẽ hạ chỉ tiêu các ngành kinh tế xuống để tạo điều kiện cho thí sinh đăng ký ngành kỹ thuật”.
Em Nguyễn Tuấn Anh (HS lớp 12A8) hỏi: “Ngành bảo trì và sửa chữa ô tô có được thực hành thường xuyên trên các trang thiết bị hay không?”. Thầy Đoàn Quốc Phương cho biết Trường TC Mai Linh có đào tạo ngành này và đào tạo theo mô hình gắn kết với doanh nghiệp và việc làm. Khi học, học viên được thực hành trực tiếp trên các xe ô tô của hãng Mai Linh cũng như ở các xí nghiệp, nhà máy của Nhà nước và Công ty Mai Linh.
Chỉ cần đam mê sẽ có việc làm
Bên cạnh những câu hỏi đặt ra cho các trường TC và CĐ, nhiều HS còn quan tâm đến sở thích khi chọn ngành, đặc biệt là các yếu tố như ngoại hình, giới tính… có ảnh hưởng như thế nào đến việc học và việc làm của các em.
Em Tô Thị Gái (HS lớp 12A9) phân vân: “Em học tiếng Anh tương đối tốt vì thích giao tiếp với mọi người nhưng em không có ngoại hình, vậy em có thể xin được việc làm tốt hay không?”.
“Với tiếng Anh, các em chỉ cần giỏi và có bổ sung thêm ít nhất một ngoại ngữ khác thì sẽ rất dễ xin việc. Trong ngành tiếng Anh, có đam mê và giỏi thì chắc chắn các em sẽ thành công, còn ngoại hình sẽ không thể cản trở được con đường thành công của các em. Trong bất cứ ngành nghề nào cũng vậy, chỉ cần có năng lực và các kỹ năng mềm là sẽ làm việc tốt. Vì vậy các em không nên tự ti về vẻ bên ngoài của mình”, thầy Biện Chương Dương – giảng viên Khoa Tâm lý, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chia sẻ.
Nhiều người cho rằng, nữ nên học những ngành nhẹ nhàng, còn những ngành khác như cơ khí, hóa dầu… nên dành cho nam vì phái mạnh có sức khỏe tốt. Vì thế, dù rất thích các ngành này nhưng nhiều em HS nữ lại không dám đăng ký dự thi. Một HS học lớp 11 hỏi: “Em là nữ nhưng lại thích ngành cơ khí điện lạnh. Nếu học ngành này em sẽ gặp những khó khăn gì?”. Bàn về vấn đề này, ThS. Nguyễn Long An Di cho biết: “Hiện nay các công ty cơ khí của nước ngoài rất thích tuyển lao động nữ vì nữ làm việc rất tỉ mỉ. Hiện Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức có liên kết với một doanh nghiệp của nước ngoài, họ không chỉ nhận hết 100% SV nữ mà còn cấp học bổng (6 triệu đồng/suất/năm) cho các SV nữ của trường”.
Một em HS khác hỏi: “Em có khả năng xây dựng lại hình ảnh, ở lần đầu gặp mặt chỉ trong vài giây ngắn ngủi em có thể tái hiện hình ảnh của người đó. Vậy năng khiếu của em là hình ảnh học đúng hay sai và có trường nào đào tạo về năng khiếu này không?”. Trả lời câu hỏi này, thầy Nguyễn Duy Thơ, Hiệu trưởng Trường Đào tạo Mỹ thuật đa phương tiện Arena, cho biết: “Năng khiếu của em thuộc về ngành mỹ thuật. Em có thể chọn khối H và khối V để thi vào các trường đào tạo ngành này. Với Trường Arena, em sẽ thi các môn thuộc về năng khiếu hình ảnh như vẽ hình họa, vẽ chân dung, trang trí màu…”.
Bài, ảnh: Dương Bình
Bình luận (0)