Một giờ đọc sách của học sinh Trường quốc tế Việt Úc |
Sáng 23-12, hiệu trưởng một trường tiểu học ở Q.1 đã phải từ chối một phụ huynh xin chuyển trường cho con. Hiện con của vị phụ huynh này đang học tại một trường quốc tế trên địa bàn Q.1…
Trước đó, cô hiệu trưởng trường này cũng đã “nói không” với khá nhiều phụ huynh xin chuyển con từ trường quốc tế về. Tình trạng này cũng diễn ra ở nhiều trường “điểm” tại các quận 1, 3, 5, Tân Bình…
Cha mẹ sính trường ngoại…
Vợ chồng anh Nguyên – chị Thảo làm kinh doanh nên cũng có “của ăn của để”. Bởi vậy, ngay từ khi bé Thiên Thanh 3 tuổi là anh chị gửi ngay vào Trường quốc tế Châu Á Thái Bình Dương. Khi bé đến tuổi đi học lớp 1, anh chị cho học tại đây luôn. Với anh chị, học phí vài trăm USD/tháng không đáng là bao. “Cái quan trọng là chúng tôi muốn con mình được chăm sóc tốt. Ở trường công lập, mỗi lớp 40-50 em, làm sao giáo viên quan tâm hết. Nhưng ở trường quốc tế thì khác, mỗi lớp chỉ có 10-15 học sinh kèm thêm một bảo mẫu nên con cái chúng tôi được “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. Áp lực học hành cũng không nặng nề như ở trường công lập”, anh Nguyên tâm sự.
Cũng là người dư dả tiền bạc nên dù bé Tuấn Huy có giấy gọi vào lớp 1 ở Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Q.1 (một trường mà nhiều phụ huynh ao ước cho con vào học), chị Phương Hà vẫn đăng ký cho con học tại Trường quốc tế Ngôi Sao Sài Gòn. Chị Phương Hà (mẹ bé Huy) cho biết: “Vợ chồng tôi cùng làm công ty nước ngoài, chúng tôi thường xuyên đi công tác. Nếu cho bé Tuấn Huy học trường công lập thì không ai đưa rước, sự chăm sóc của giáo viên đối với học sinh cũng hạn chế. Vả lại, tôi muốn con mình phải giỏi tiếng Anh. Dù sao học ở trường quốc tế được giao tiếp với giáo viên người nước ngoài, thậm chí cả bạn bè nước ngoài thì khả năng nói tiếng Anh của bé cũng tốt hơn”.
Một hiệu trưởng ở Q.3 cho biết: “Trường tôi hiện có khoảng 20 học sinh chuyển từ các trường quốc tế về. Khi được hỏi tại sao lại cho con học ở trường quốc tế, phần lớn các ông bố, bà mẹ trả lời vì muốn con được học hành một cách nhẹ nhàng, được vui chơi nhiều. Và cũng muốn con tự tin hơn trong giao tiếp”…
ThS. Trịnh Xuân Khanh – Giám đốc Chương trình Đào tạo và Phát triển kỹ năng mềm Trung tâm UNESCO khẳng định: “Ở các trường quốc tế, không chỉ có duy nhất học sinh Việt Nam theo học nên nhà trường không thể dạy toàn bộ chương trình của Bộ GD-ĐT, văn hóa Việt Nam mà phải dạy chương trình, văn hóa quốc tế. Kết quả là đào tạo ra những công dân toàn cầu. Công dân toàn cầu có nhiều ưu điểm như năng động, tự lập, có thể làm việc ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới…”.
… Con lãnh hậu quả
Hiện nay nhiều phụ huynh có xu hướng đưa con em học ở trường quốc tế trở về với trường công lập. Ảnh: H.Triều |
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, các công dân toàn cầu cũng có rất nhiều nhược điểm. Nhận xét về những nhược điểm này, TS. tâm lý Huỳnh Văn Sơn – Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nói: “Khả năng giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ của các em bị hạn chế. Thậm chí ngôn ngữ của các em còn bị biến dạng, nói một câu tiếng Việt là đệm một câu tiếng Anh…”.
Bởi vậy, môn tập làm văn của những học sinh này rất… tệ. Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Q.5 kể lại: “Cách đây không lâu, trường tôi nhận một học sinh lớp 4 từ trường quốc tế chuyển qua. Ba mẹ em có tiền, muốn thể hiện “đẳng cấp” nên cho con học trường quốc tế. Học hết lớp 3, so sánh với những đứa trẻ học trường công lập thấy con mình thua xa nên xin về trường công lập. Về đây, có thể nói bé học gần như kém nhất lớp, nhất là môn tập làm văn, chữ viết thì xấu”. Còn theo hiệu trưởng một trường tiểu học ở Q.1 thì: “Khi xin chuyển cho con từ trường quốc tế về đây, vị phụ huynh nói với tôi: “Con tôi học tiếng Anh giỏi lắm đấy”. Nhà trường xếp em này vào lớp đang học chương trình Cambridge thì thấy khả năng của em không có gì nổi bật so với các bạn”.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, cuối học kỳ I và đầu học kỳ II là thời điểm phụ huynh tìm mối xin cho con chuyển từ trường quốc tế về trường công lập vào đầu năm học sau. Như trường hợp của chị Ngân, Q.Tân Bình đang chuẩn bị xin chuyển con từ Trường quốc tế Việt Úc về Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn. Chị tâm sự: “Học ở trường quốc tế, con tôi tự do quá. Tôi không muốn và cũng không thể chấp nhận việc con mình bị lai hóa”.
Rõ ràng, đến lúc các bậc phụ huynh nhận ra sự “lai hóa” của con thì đứa trẻ đã “mất” khá nhiều. Khi chuyển sang trường công lập, những học sinh “toàn cầu” không biết phải chuẩn bị bài cho ngày học mới như thế nào, chữ viết thì xấu, làm văn thì không hay và tiếng Anh cũng chẳng có gì đặc sắc. Chỉ vì sính ngoại, nhiều phụ huynh đã vô tình làm hại con mình. Huống hồ, trên địa bàn TP.HCM hiện nay số trường quốc tế thật sự quốc tế không nhiều, phần lớn là những trường tư thục, dân lập có gắn hai chữ “quốc tế”… để lập lờ đánh lận phụ huynh!
Bài, ảnh: Gia Nguyên
Thủ tục và điều kiện chuyển từ trường quốc tế về trường công lập: * Học sinh phải nằm trong độ tuổi (cụ thể xin vào lớp 2 là 7 tuổi, lớp 3 là 8 tuổi…); có hộ khẩu đúng tuyến (nhà ở phường/xã thuộc quận/huyện nào thì xin vào trường đóng trên địa bàn phường/xã thuộc quận/huyện đó); có hồ sơ hợp lệ (học bạ có đầy đủ điểm của các môn học theo quy định của Bộ GD-ĐT). Và quan trọng nhất là trường công lập mà phụ huynh muốn xin cho con chuyển vào có tiếp nhận hay không. Nếu sĩ số học sinh/lớp quá 35 em thì hiệu trưởng có quyền từ chối.
* Đối với học sinh là người Việt Nam nhưng không học chương trình Việt Nam thì ngoài những điều kiện trên, bắt buộc học sinh phải tham gia khảo sát. Cụ thể, học sinh muốn vào học lớp 4 thì phải làm được đề thi của học kỳ II lớp 3. Nếu đạt thì mới đủ điều kiện vào học.
|
Bình luận (0)