Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Học sinh rối loạn tâm lý dạng cơ thể

Tạp Chí Giáo Dục

Tham gia nhiều hoạt động vui chơi sẽ giúp học sinh tránh được rối loạn tâm lý.  Ảnh: I.T

Nhiều phụ huynh tỏ ra rất hoang mang khi thấy con kêu đau bụng, đau đầu hoặc đau ở một bộ phận nào đó của cơ thể. Mua thuốc uống không khỏi, đưa đi khám ở các cơ sở y tế không tìm ra nguyên nhân. Nhưng khi tìm đến các bác sĩ tâm lý thì được biết đó là bệnh rối loạn tâm lý dạng cơ thể…
Buồn nên sinh bệnh
Gần một năm nay, D.K.H. (nữ, 11 tuổi) học lớp 6 tại một trường THCS ở Q.5 thường có những cơn đau đầu. Lúc đầu, thấy con kêu đau đầu, vợ chồng chị M.L. cứ nghĩ con bị cảm cúm nên mua thuốc cho H. uống nhưng không thuyên giảm. Sau đó, vợ chồng chị đã đưa con đi khám thần kinh tại Bệnh viện (BV) Tâm thần. Tại đây, các bác sĩ khẳng định thần kinh của bé hoàn toàn bình thường. Cuối cùng, gia đình đã đưa H. tới Đơn vị Tâm lý – BV Nhi đồng I để được theo dõi bệnh. Qua tiếp xúc với bé, các bác sĩ tâm lý được biết: Từ năm lớp 6, H. gặp nhiều chuyển biến như thay đổi trường học, thay đổi bạn bè, các môn học nhiều hơn, khó hơn. Đặc biệt, cách học hoàn toàn khác xa ở bậc tiểu học, mỗi môn học là một giáo viên giảng dạy. Trong khi đó, ba mẹ của bé khá bận rộn với công việc, thấy con học hành sa sút nên tăng cường cho học thêm. Theo đó mà lịch học của H. gần như kín suốt tuần. H. tâm sự: “Con chỉ biết có học, sáng mở mắt là học, học suốt ngày đến tối khuya rồi ngủ. Nhiều đêm con còn nằm mơ, thấy mình làm bài không được nên bị cô giáo phạt”.
Một trường hợp khác là Tr.Đ.N. (nam, 15 tuổi), học lớp 10 tại một trường THPT ở Q.Tân Bình. Từ nhiều tháng nay, N. thường xuyên bị đau bụng từng cơn. Gia đình đã đưa em đi khám tiêu hóa và uống thuốc nhưng vẫn không giảm. Sau đó, em được chuyển đến khám tâm lý tại BV Nhi đồng I. Một thời gian sau, em tâm sự với các bác sĩ tâm lý ở đây về nỗi buồn của mình. Mấy tháng trước, N. tình cờ khi nghe vài người hàng xóm nói em là con nuôi của bố mẹ. Sau lần đó, em cảm thấy mình bị bỏ rơi và bị nói dối. Từ đó em mất tin tưởng vào cuộc sống. Tuy nhiên, N. không dám nói với ba mẹ về những nỗi buồn, suy nghĩ của mình vì em sợ họ buồn.
Trường hợp của Ng.K.Tr. (nữ, 13 tuổi), học sinh lớp 7 ở Q.Phú Nhuận thì có phần nguy hiểm hơn. Bắt đầu từ học kỳ II năm lớp 7, thỉnh thoảng Tr. lại bị ngất xỉu trong lớp học, trong nhà khiến nhà trường và gia đình vô cùng hoảng hốt. Tr. được gia đình đưa đi khám ở nhiều BV nhưng các bác sĩ đều cho rằng em không có bệnh. Nhưng khi đi khám tâm lý, Tr. được khẳng định là “có bệnh”. Nguyên nhân là do Tr. thường xuyên bị cha mẹ bỏ rơi, cha mẹ hay tới trường đón em trễ, buổi tối em thường phải ở nhà một mình…
Theo các bác sĩ tâm lý thì các trường hợp trên đều bị rối loạn tâm lý dạng cơ thể.
Trẻ cần được khám và điều trị tâm lý
Theo bác sĩ tâm lý Nguyễn Thị Diệu Anh – Đơn vị Tâm lý, BV Nhi đồng I thì: “Rối loạn tâm lý dạng cơ thể là một rối loạn được thể hiện bằng những triệu chứng thể chất, bắt nguồn từ yếu tố tâm lý, nhất là từ cảm xúc. Rối loạn dạng cơ thể thường gặp ở tuổi vị thành niên”.
“Cũng có một số trường hợp, khi bị rối loạn tâm lý dạng cơ thể, các bé thường than phiền là mình đang mắc phải một bệnh nan y cần được điều trị. Thế nhưng khi gia đình đưa đi khám ở BV thì các em lại không tin tưởng vào kết luận của bác sĩ. Các em nói rằng mình đau rất nhiều, mặc dù các bác sĩ không tìm thấy bất kỳ tổn thương nào trên cơ thể. Đặc biệt, với những trường hợp này, thuốc giảm đau thường không có tác dụng. Đây được gọi là rối loạn nghi bệnh. Khi các trẻ vị thành niên có những triệu chứng như trên, các em cần được khám và điều trị tâm lý phối hợp với điều trị y khoa”, bác sĩ Diệu Anh khuyến cáo.
Thanh Huyền

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)