Đó là một trong những nội dung trong bản ký kết liên ngành của Bộ GD-ĐT, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và Trung ương Đoàn trong chiều qua về phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Trong kế hoạch phối hợp liên ngành này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đóng vai trò chủ đạo. Nhiệm vụ của ngành là giới thiệu các di tích lịch sử văn hoá tại các tỉnh, thành phố phù hợp với nội dung “học sinh tham gia tìm hiểu chăm sóc và phát huy giá trị của các di tích lịch sử, văn hoá ở địa phương”.
Trên cơ sở đó, mỗi trường sẽ tổ chức cho học sinh tiểu học và THPT tổ chức các cuộc thi tìm hiểu , chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa ở địa phương. Mỗi trường đều nhận chăm sóc một khu di tích lịch sử, văn hoá hoặc di tích cách mạng ở địa phương.
Học sinh sẽ được tuyển chọn và bồi dưỡng kỹ năng để trở thành hướng dẫn viên danh dự các di tích lịch sử, văn hoá ở địa phương cho khách du lịch. Các em sẽ góp phần làm cho di tích sạch đẹp, hấp dẫn hơn.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Việc khởi động phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” sẽ góp phần vào sự phát triển của đất nước, vì sự phát triển của mỗi ngành, của giới trẻ. Các thầy cô giáo phải đổi mới phương pháp giảng dạy để khuyến khích sự sáng tạo và ý thức vươn lên của học sinh.
Bộ trưởng cũng yêu cầu cần đặc biệt lưu ý đến việc chăm sóc, tôn tạo 5 di tích: Đền thờ Nhà giáo Chu Văn An và Đền thờ nữ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ – nữ tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam (Hải Dương); Khu di tích cụ Nguyễn Sinh Sắc (Đồng Tháp); Nhà lưu niệm nơi Bác Hồ viết lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến ở thị xã Hà Đông (Hà Nội mở rộng); Khu tưởng niệm Liệt sỹ ở tỉnh Tây Ninh và Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh).
Cũng tại lễ ký kết này, giữa 3 cơ quan đã thống nhất chọn ngày 23/11 hàng năm là “Ngày về nguồn” để tuyên truyền, tổ chức các hoạt động đặc biệt của Đoàn thanh niên.
Hồng Hạnh (dantri.com.vn)
Bình luận (0)