Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học sinh Singapore tìm hiểu văn hóa người Việt

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Gia đình chú Võ Thành Phương đang giới thiệu cho Kenneth và Xuanwee (ngồi giữa) xem những bức ảnh của gia đình

Tuần qua, 30 học sinh (HS) Trường Trung học North View (Singapore) đã đến giao lưu, học hỏi kinh nghiệm học tập với HS Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Q.Tân Bình, TP.HCM). Các em không chỉ tham dự các tiết học trên lớp mà còn tham gia sinh hoạt tại gia đình các bạn HS trong trường để hiểu thêm về văn hóa của người Việt.
Nào cùng đến trường học tập
Ngay ngày đầu tiên bước chân vào Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, các em HS Singapore có phần ngạc nhiên pha chút lạ lẫm vì đến học tập ở một môi trường mới mà cơ sở vật chất còn “thua kém” so với trường học của mình. Tuy nhiên, khi tham gia một số tiết học về lịch sử Việt Nam, âm nhạc, toán… thì tất cả giáo viên cũng như HS Trường North View đều nhìn nhận rằng giáo viên Việt Nam đã đưa ra nhiều phương pháp giảng dạy rất linh hoạt như thảo luận, thuyết trình… khiến cho tiết học sinh động, HS hứng thú học tập. Chong Xuan Wee, HS lớp 2E1 (tương đương với lớp 9 ở Việt Nam), hào hứng nói: “Tất cả các tiết học đều tạo cho chúng em một cảm giác thoải mái vì có lúc giáo viên thuyết giảng, lúc lại đặt câu hỏi để HS trả lời, có khi còn được chơi trò chơi…. Em đặc biệt thích tiết học về âm nhạc, ban đầu thầy mở bài hát Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng cho chúng em nghe, sau đó thầy hát lại và bắt đầu tập đánh vần tiếng Việt để HS hai trường cùng hát theo. Hôm sau, chúng em dịch bài hát lại bằng tiếng Anh để hát cho các bạn trong lớp nghe. Trong tiết học về âm nhạc, chúng em còn được nghe nhạc truyền thống của Việt Nam với những giai điệu sâu lắng, trầm buồn rất hay”.
Cô Junne Chang Ping Theng, giáo viên hướng dẫn HS Trường North View sang học tập và giao lưu ở Việt Nam đến nay là năm thứ 3. Mỗi lần sang Việt Nam, cô nhận thấy đời sống người dân cũng như nền giáo dục Việt Nam có nhiều thay đổi lớn. “Mỗi lần sang Việt Nam và tham dự một số tiết học của Trường THCS Nguyễn Gia Thiều tôi đều thấy giáo viên có nhiều ý tưởng mới, nhiều cải tiến mới và đã từng bước cải thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục để hòa nhập với nền giáo dục hiện đại. Chẳng hạn, cách đây ba năm, tôi tham dự vài tiết học thì thấy giáo viên vẫn còn lúng túng trong việc sử dụng CNTT nhưng hiện nay thì họ đã ứng dụng rất linh hoạt, đồng thời có nhiều phương pháp, ý tưởng hay trong giờ học để lôi cuốn HS”, cô Junne Chang Ping Theng tâm sự.
Và chung nhịp sống người Việt
Chỉ sau một ngày làm quen với môi trường mới, đoàn HS Trường North View đã nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống ở Việt Nam. Ngay buổi tối đầu tiên hai em HS Trường North View đã đến sinh hoạt tại gia đình của một HS người Việt, sáng đến lại cùng “chủ nhà” cắp sách đến trường.
Loay hoay giải thích với Kenneth và Xuanwee về món canh chua, cá lóc kho tộ, dĩa nước mắm dằm ớt… trên bàn ăn, thỉnh thoảng chú Võ Thành Phương (phụ huynh một HS Trường THCS Nguyễn Gia Thiều) lại quay sang hỏi cô thêm thông tin về cách chế biến các món ăn, do chú chỉ đảm đương vai trò đầu bếp… phụ trong gia đình. Mấy đứa trẻ mới đến chơi vài ngày mà cả gia đình nhộn nhịp cả lên, chiều hai vợ chồng chú Phương đi làm về lo cơm nước, tối đến lại dẫn bọn trẻ đi dạo hết phố này phố nọ để bọn trẻ hiểu thêm đời sống văn hóa của người Việt. Chú Võ Thành Phương cho biết: “HS Việt Nam bây giờ không thụ động nữa đâu, để thể hiện vai trò là chủ nhà, con tôi tỏ ra là rất tự tin, nhanh nhẹn hướng dẫn hai người bạn Singapore đủ thứ chuyện. Bọn trẻ nói chuyện với nhau rôm rả mà không cần người phiên dịch”.
Sinh hoạt trong gia đình người Việt, các em không chỉ được thưởng thức những món ăn đậm chất Việt Nam, được dẫn đi tham quan nhiều nơi nên phần nào các em biết thêm nhiều điều về văn hóa của người Việt. “Em được gia đình chú Phương, bố bạn Anh Duy đưa đi xem phim, thăm chợ Bến Thành và dẫn đi ăn những món ăn đặc sản như phở, bánh xèo… Gia đình nói cho em biết những giá trị truyền thống của con người Việt Nam, chỉ cho em cách giao tiếp thế nào là lễ phép với người Việt. Chẳng hạn như qua cách ăn cơm ở nhà bạn Duy, bao giờ người lớn cũng cầm đũa lên trước, rồi trẻ con mới được cầm đũa theo. Em thấy rằng đấy là một nét văn hóa rất hay, thể hiện sự tôn trọng của trẻ nhỏ đối với người lớn”, em Kenneth Chua Song Jye kể.
Có thể nói, chính nhờ những cuộc giao lưu như thế này mà HS nước ngoài được học hỏi thêm nhiều điều về HS Việt Nam như vui vẻ, hòa đồng. Đổi lại, HS Việt Nam cũng biết thêm nhiều điều thú vị về các bạn mình để học hỏi chẳng hạn như tính ngăn nắp, có kỷ luật cao…
Bài, ảnh: Dương Bình

“Qua mấy ngày sống chung với gia đình bạn Duy, em thấy được sự thân thiện của những người trong gia đình. Đồng thời, em cũng học thêm được đức tính chăm chỉ, chịu khó của các bạn HS Việt Nam”, em Chong Xuanwee chia sẻ.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)