Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Học sinh, sinh viên nghèo được miễn giảm học phí

Tạp Chí Giáo Dục

Liên sở GD-ĐT, LĐ-TB-XH và Tài chính TP.HCM vừa ký văn bản liên tịch về việc thực hiện miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên (HSSV) từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015.
Theo đó ông Nguyễn Văn Xê, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết, công văn này thể hiện rõ nội dung về việc thực hiện chính sách miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho HS mẫu giáo, giáo dục phổ thông; HSSV thuộc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH năm 2010-2011 đến năm học 2014-2015.
PV: Ông có thể nói rõ hơn về đối tượng được hưởng những ưu đãi?
– Sẽ có một số dạng đối tượng như sau: Những đối tượng thuộc hộ nghèo, theo chuẩn của Trung ương và chuẩn nghèo của TP giai đoạn 2009-2015. Hộ nằm trong phạm vi áp dụng chuẩn nghèo trung ương; hộ có thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng trở xuống đối với huyện ngoại thành và từ 500.000 đồng/người/tháng trở xuống đối với các quận nội thành; con của người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng; con của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND), Anh hùng lao động (AHLĐ) trong kháng chiến, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B; con của người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945 và sau năm 1945, con của các anh hùng LLVTND, AHLĐ trong kháng chiến, con liệt sĩ, thương binh, con bệnh binh và con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; trẻ em học mẫu giáo, HSSV mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa hoặc bị tàn tật khó khăn về kinh tế; trẻ em bị bỏ rơi, mất nguồn nuôi dưỡng; người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi nhưng đang đi học văn hóa, học nghề, có hoàn cảnh như trẻ em nêu trên; HSSV tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập hộ nghèo.
Như vậy, đối tượng nào thì được miễn, giảm và đối tượng nào được hỗ trợ học phí, hỗ trợ chi phí học tập, thưa ông?
– Đối tượng được giảm 70% học phí là những HSSV các chuyên ngành nhã nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa xiếc và một số chuyên ngành, nghề nặng nhọc, độc hại.
Đối tượng sẽ được giảm 50% học phí là trẻ em mẫu giáo, HSSV là con cán bộ, công nhân, viên chức mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên, con hộ nghèo theo chuẩn của thành phố, thành viên thứ ba trở lên đang đi học trong gia đình hộ nghèo, HS tốt nghiệp THCS đi học nghề.
Riêng diện được hỗ trợ chi phí học tập là trẻ học mẫu giáo, HS phổ thông mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa, hoặc thuộc hộ nghèo…
Đặc biệt, các đối tượng được miễn học phí, tiền cơ sở vật chất và hỗ trợ chi phí học tập (70.000 đồng/tháng) là hộ nghèo có mức thu nhập bình quân từ 10 triệu đồng/người/năm trở xuống. Trường hợp hộ nghèo có con thứ ba trở lên đi học chỉ được giảm 50% học phí, tiền cơ sở vật chất và chi phí học tập theo quy định. Đối tượng được giảm 50% học phí, tiền cơ sở vật chất là hộ nghèo có mức thu nhập bình quân trên 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng/người/năm.
Thưa ông, những đối tượng này cần phải chuẩn bị hồ sơ, thủ tục ra sao?
– Trong vòng 30 ngày kể từ ngày bắt đầu năm học, cha, mẹ hoặc người giám hộ và HSSV (TC, CĐ, ĐH) phải có đơn đề nghị miễn, giảm học phí (theo mẫu) gửi các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH kèm theo bản sao chứng thực các giấy tờ chứng nhận là hộ nghèo, gia đình chính sách… sẽ được hưởng các ưu đãi như trên từ ngày 1-7-2010.
Thưa ông, còn với các đơn vị giáo dục sẽ có trách nhiệm hỗ trợ các đối tượng này ra sao?
– Đối với sở GD-ĐT có trách nhiệm hướng dẫn BGH các trường mẫu giáo, phổ thông thông báo chính sách hỗ trợ, miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập và thực hiện việc xác nhận theo quy định. Hướng dẫn các trường TC, CĐ, ĐH thành lập và quản lý chính sách này cho đối tượng được thụ hưởng.
Các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông thuộc phòng GD-ĐT quận, huyện phải có trách nhiệm báo cáo số liệu thực hiện miễn giảm mà đơn vị đã kiểm tra và tổng hợp sau đó phối hợp với phòng kế hoạch – tài chánh quận, huyện trình UBND quận, huyện dự toán hoặc bổ sung kinh phí. Đối với các trường dân lập, tư thục, phòng GD-ĐT thực hiện cấp trực tiếp cho cha mẹ hoặc HS.
Các trường thuộc sở GD-ĐT quản lý gửi báo cáo số liệu thực hiện miễn, giảm mà đơn vị đã kiểm tra và tổng hợp về phòng KH-TC sở GD-ĐT và sở GD-ĐT chịu trách nhiệm cấp bù kinh phí miễn, giảm cho các trường.
Trân trọng cám ơn ông!
Lê Quang Huy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)