Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Học sinh, sinh viên trong vòng xoáy ngôn ngữ “biến dạng”

Tạp Chí Giáo Dục

Phần lớn học sinh khi chat với nhau đều sử dụng ngôn ngữ “biến dạng”

Một trong những vấn đề làm đau đầu phụ huynh và những nhà giáo dục có tâm huyết là vấn đề ngôn ngữ (NN) của giới trẻ hiện nay mà người ta gọi nôm na là “NN thời @”, hay nói đùa là NN “hại điện” (hiện đại). Nó là một loại NN “biến dạng”, thay đổi các âm của từ, sử dụng nhiều tiếng lóng, có những lối nói vần vô nghĩa và chêm nhiều tiếng Anh.
Từ nhiều kiểu “biến dạng”
Đối tượng sử dụng NN này chủ yếu là học sinh – sinh viên (HS, SV). Có hai cách thể hiện chính là NN nói và NN viết (chat và blog). Chat là hoạt động giao tiếp của hai hay nhiều người trên mạng internet thông qua các công cụ như Yahoo Messenger, MySpace… NN nói hàng ngày của giới trẻ cũng bị ảnh hưởng của NN chat và blog, chẳng hạn, “Đói lém rồi, Pà cô hem cho ra, khổ wé”.
Nhiều giáo viên đã cảnh báo loại NN này đang xâm nhập vào nhà trường, vào tập vở và bài làm của các em HS. Ở gia đình, nhiều phụ huynh cũng rất lo lắng vì không hiểu được NN của con để biết được nó đang nói gì.
Nhiều người cho rằng, NN của giới trẻ nào cũng có những kiểu “biến dạng” của nó. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của internet hiện nay, giới trẻ lại càng có cơ hội để thể hiện chính mình bằng cách liên tục “sáng tạo” những lối nói, lối viết lạ lùng. Một số bạn trẻ quan niệm rằng, để thu hút được sự chú ý của nhiều bạn và nhận được thật nhiều comment (bình luận) cho một bài viết trên blog thì NN không được quá chuẩn, quá nghiêm túc: “Nếu chat mà dùng lời lẽ nghiêm túc giống như làm văn trong nhà trường thì sẽ rất “lúa” (nhà quê), khi đó không ai thèm chat với mình nữa”, nhiều HS đã nhận định như thế. Số khác lại muốn chứng tỏ mình là người “sành điệu” nên cố tình sử dụng phong cách viết lệch chuẩn.
Những kiểu “biến dạng” thường thấy là lối nói theo vần một cách vô nghĩa (buồn như con chuồn chuồn, chán như con gián, đuối như con cá chuối…), dùng nhiều tiếng lóng (tám – buôn chuyện, lúa – quê mùa, bó tay – chịu thua…), lạm dụng nhiều từ tiếng Anh (If you đu dây, dây đứt you die…). Tuy nhiên, hiện tượng thường xuyên xuất hiện trong blog giới trẻ là cố tình thay đổi âm của nhiều từ ngữ. Trước hết là biến đổi âm chính: ô – u (rồi – rùi, thôi – thui), uô – u (buồn – bùn, muốn – mún), ă – e (lắm – lém, tắm – tém), iê – i (biết – bít, viết – vít)… Kế đến là biến đổi âm đầu: qu – w (qua – wa, quen – wen) và bỏ bớt âm cuối: vâng – vaag, mình – mìn… Thông thường, những biến đổi âm này sẽ được vận dụng đồng thời và dẫn đến kiểu nói phá cách như sau: “Iu an quá trời lun” (Yêu anh quá trời luôn).
Đến việc sính dùng tiếng nước ngoài
Hiện tượng sính dùng tiếng nước ngoài không phải là mới, nhất là trong thời kỳ tiếng Anh phổ biến khắp thế giới thì giới trẻ lại có điều kiện để tiếp cận rộng và sâu hơn. Trong quá trình hội nhập với toàn cầu, ảnh hưởng của tiếng Anh đối với tiếng Việt là điều tất yếu, không thể tránh khỏi.
Hiện nay, ở các thành phố lớn, nhu cầu học tiếng Anh ngày càng nhiều. Các trường dạy ngoại ngữ được mở ra khắp nơi, nhiều HS ngay từ mẫu giáo đã được học tiếng Anh. Để học tiếng Anh có hiệu quả, ai cũng có nhu cầu được thực hành nên NN này được dùng rộng rãi, phổ biến, chủ yếu là nói “chêm” với tiếng Việt, từ đó hình thành tiếng nói mà nhiều người gọi là “lai căng”.
Có những từ sử dụng thường xuyên trong giao tiếp hàng ngày như ôkê bái bai, phôn, sút, gôn… Bên cạnh tiếng Anh thông dụng, những từ ngữ khoa học kỹ thuật cũng chiếm một số lượng đáng kể mà những người có liên quan đến ngành nghề đó thường có thói quen sử dụng vì những từ này đã mang tính quốc tế. Các thuật ngữ tin học là ví dụ cụ thể, chẳng hạn như: PC (Personal Computer – máy tính cá nhân), destop (máy tính để bàn), laptop (máy tính xách tay), website (trang web), file (tập tin)…
Việc sử dụng tiếng Anh xen với tiếng Việt là điều dễ hiểu. Nhưng vấn đề mà nhiều người quan tâm, lo lắng là việc sử dụng thái quá các từ ngữ tiếng Anh, đặc biệt là giới trẻ. Nếu bất chợt nghe một bạn trẻ nói chuyện với bố mình ắt hẳn chúng ta sẽ giật mình với hàm lượng tiếng Anh quá cao: “Con đang làm nốt assignment, con send xong rồi về. Đợi con chút, con chek lại xong rồi phone lại cho ba ngay” hoặc hai bạn trẻ nói chuyện với nhau: “Mày ok hay không ok cũng phải call lại cho nó chứ. Chẳng pro chút nào cả” (Lê Vy, 2008).
NN thể hiện tính cách của con người, trước khi sử dụng thành thạo một ngoại ngữ thì người nói cũng phải thành thạo tiếng mẹ đẻ của mình. Thói quen sử dụng một NN “nửa Tây nửa ta” như vậy chẳng những không mang lại lợi ích nào cho bản thân người nói mà còn gây phản cảm cho nhiều người khác.
Nhiều người đã rất bức xúc, lo lắng trước sự lan rộng của hiện tượng “biến dạng” của tiếng Việt cũng như cách dùng từ “nửa Tây nửa ta” của giới trẻ. Nếu không được chỉ đường đúng lối, điều này e rằng sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập nói chung và khả năng cảm thụ tiếng Việt nói riêng của HS. Trước mắt, gia đình và nhà trường là nơi giúp tìm ra những lời giải cho bài toán “NN thế hệ @”. Gia đình phải là chỗ dựa tinh thần, là tấm gương về việc sử dụng tiếng Việt. Cha mẹ cũng không nên có biện pháp quá cứng rắn mà nên giáo dục ý thức rèn luyện tiếng Việt cho con mình. Nhà trường, ngôi nhà thứ hai của HS cũng cần có biện pháp kiểm soát nhắc nhở các em, giúp các em hình thành thói quen nói tốt, viết tốt tiếng Việt, giúp các em phân biệt NN ảo trên mạng với tiếng Việt chuẩn trong nhà trường.
TS. Trần Thị Ngọc Lang
(Giảng viên ngôn ngữ Trường ĐHKHXH-NV TP.HCM)

Bình luận (0)