Sự kiện giáo dụcTin tức

Học sinh, sinh viên vi phạm an toàn giao thông: Khó kiểm soát

Tạp Chí Giáo Dục

Sinh viên ĐHQG TP.HCM “tống ba” đến trường

Ngày 3-11, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện cuộc vận động “Học sinh, sinh viên (HSSV) gương mẫu thực hiện và vận động gia đình chấp hành nghiêm túc Luật Giao thông” tại 2 điểm cầu: Hà Nội và TP.HCM. Với sự nỗ lực của ngành giáo dục cũng như các ngành liên quan, cuộc vận động đã phát huy hiệu quả, tuy nhiên, có thể thấy, tình trạng HSSV vi phạm giao thông hiện nay đang rất khó kiểm soát.
Văn hóa giao thông bị vi phạm “hồn nhiên”
Theo Bộ Công an, tình trạng HSSV vi phạm Luật Giao thông đường bộ vẫn có chiều hướng gia tăng. Thống kê chưa đầy đủ của Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội trong Tháng “an toàn giao thông” 2009 cho thấy đơn vị này đã xử lý hơn 600 trường hợp vi phạm là học sinh các trường phổ thông. Tại Đà Nẵng, trong 5 năm (2003-2008) thực hiện quy chế phối hợp trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự và quản lý HSSV, cảnh sát giao thông đã xử lý gần 2.000 trường hợp. Điều này cho thấy, con số HSSV vi phạm trật tự giao thông đường bộ là tình trạng khá phổ biến. Gần đây, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt của Bộ Công an đã cử tổ công tác tiến hành ghi hình HSSV vi phạm tại một số trường học ở Hà Nội. Qua hình ảnh được ghi lại cho thấy chỉ khoảng 1 giờ đồng hồ tại cổng trường học nhưng có hàng chục trường hợp học sinh vi phạm các quy định về an toàn giao thông.
Các lỗi HSSV thường vi phạm là đi mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe, vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm… Ngoài ra, khi tham gia giao thông trên đường, văn hóa giao thông còn bị HSSV vi phạm một cách rất “hồn nhiên” như hành vi bóp còi inh ỏi, lắp thêm còi vượt tiêu chuẩn, gần đây là một số thanh thiếu niên đi xe đạp lắp thêm các loa phát nhạc ầm ĩ trên đường, nói tục, chửi bậy… Không chỉ với những biểu hiện thiếu văn hóa mà gần đây còn xuất hiện hiện tượng HSSV chống lại lực lượng làm nhiệm vụ. Ví dụ như sinh viên Nguyễn Mai Kiêm, ĐH Công nghiệp Hà Nội đã có hành vi vi phạm điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm, nhưng khi bị lực lượng công an phát hiện, ra tín hiệu dừng xe đã lao thẳng vào lực lượng làm nhiệm vụ khiến một cán bộ công an bị thương.
Một vấn đề khác vẫn còn xảy ra liên quan chủ yếu đến HSSV gây bức xúc trong xã hội đó là tình trạng đua xe trái phép. Trong năm 2008 đã có 991 vụ tụ tập gây rối trật tự công cộng tại các địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Hưng Yên… Năm 2009, tình trạng này có giảm nhưng vẫn xảy ra tại các thành phố lớn. Riêng TP.HCM trong 6 tháng đầu năm nay đã xảy ra 23 vụ tụ tập đi xe mô tô phóng nhanh, lạng lách gây mất trật tự công cộng.
Thống kê của Bộ Công an cho thấy, trong tổng số 10.140 vụ tai nạn giao thông thì có 3.720 vụ liên quan đến đối tượng dưới 24 tuổi và có đến 5.526 nạn nhân dưới 24 tuổi bị chết trong các vụ tai nạn giao thông.
Cần sự phối hợp chặt chẽ

Học sinh vô tư đi xe gắn máy mà không đội mũ bảo hiểm

Tại hội nghị, mỗi địa phương đều đưa ra những nguyên nhân chung và riêng cũng như các giải pháp của mình. Nguyên nhân được đưa ra một phần tại trường, tại các cơ quan chức năng chưa phối hợp chặt chẽ, tại đời sống kinh tế khá giả, phụ huynh nuông chiều con, tại đường sá xa xôi… Tình trạng HSSV vi phạm trật tự an toàn giao thông tại các thành phố lớn khó giải quyết triệt để hơn tại các tỉnh lẻ.
Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT đưa ra phương hướng nhiệm vụ cơ bản của công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học như về phía bộ, tiếp tục chỉ đạo các nhà trường tổ chức thực hiện tốt cuộc vận động trong năm học này; nghiên cứu lại chương trình, nội dung tài liệu, phương pháp giảng dạy an toàn giao thông hiện nay; tổ chức tốt việc tập huấn giáo viên; rà soát, sửa đổi, ban hành quy định xử lý HSSV vi phạm quy chế về an toàn giao thông để tạo cơ sở pháp lý và sự đồng bộ giữa các trường trong việc xử lý vi phạm.
Đối với các trường, hiệu trưởng phải có kế hoạch chỉ đạo, triển khai cụ thể thiết thực, quán triệt nghị quyết của Chính phủ, yêu cầu của ngành đến từng cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên. Thực hiện nghiêm túc kế hoạch giảng dạy an toàn giao thông theo quy định; thông báo đến phụ huynh học sinh ngay từ đầu năm học các quy định của nhà trường, phối hợp với phụ huynh để giáo dục, quản lý con em, đặc biệt là những trường hợp chưa đủ tuổi quy định điều khiển mô tô, xe máy khi tham gia giao thông. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể làm tốt công tác này; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, nhắc nhở, thông báo công khai trên toàn trường để răn đe, giáo dục.
Nghiêm Huê

Bình luận (0)