Tòa soạnThư đi – tin lại

Học sinh, sinh viên với học ăn, học nói

Tạp Chí Giáo Dục

Giờ giải lao, các nữ sinh vui đùa với nhau chứ đừng nên tụ tập “buôn dưa lê” (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: P.H.B

Ca dao Việt Nam có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Người xưa còn khuyên “Hãy uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, thế nhưng những lỗi lầm về lời nói, các bạn trẻ ngày nay thường mắc phải nhiều nhất.
Từ sinh viên…
Tôi từng chứng kiến cảnh cô sinh viên Mỹ Hà (ĐH Tôn Đức Thắng) phát hiện mình bị mất chiếc điện thoại di động đã tức tối tự ý xét va-ly, tủ của các bạn chung phòng. Không tìm lại được tài sản, vì tiếc của, Hà chửi bới, soi mói, nói bóng nói gió bằng những ngôn từ rất khó nghe (xin được miễn liệt kê ra đây). Trong khi thủ phạm thì ung dung, chỉ tội cho những bạn vô can phải khổ sở âm thầm… Lần khác, tại Công viên Gia Định (Gò Vấp), một nhóm nam nữ sinh viên Trường K. tổ chức picnic rất tưng bừng. Xong cuộc vui, cả nhóm đứng dậy ra về bỏ lại “bãi chiến trường” với nào là thức ăn thừa, vỏ trái cây các loại, trong khi ngay ở đó vài bước chân là một thùng chứa rác có ghi dòng chữ bằng tiếng Việt rất rõ ràng nhắc nhở ý thức giữ gìn vệ sinh của người dân đô thị. Một bác đi đường ngang qua nhắc nhở, nhóm sinh viên trừng mắt, bĩu môi: “Lão già này thật rảnh hơi, dọn rác là việc của lao công. Họ ăn lương nhà nước hàng tháng để làm việc này mà…”. Một cái lắc đầu cùng tiếng thở dài của người đi đường dành cho các cô cậu cử tương lai… Hai nam sinh viên mặc đồng phục Trường Trung cấp Du lịch H. ngồi uống bia bên lề đường Phạm Ngũ Lão – quận Gò Vấp, một bà lão lòm khòm chìa trước mặt hai chàng xấp vé số mời mua. Một trong hai chàng nạt to: “Mệt quá, không mua bà già ơi, đi đi… Tự nhiên làm mất hứng!”. Bà lão đứng chết lặng vài giây rồi lủi thủi đi. Nhiều ánh mắt ngồi kế bên đổ dồn về phía hai chàng sinh viên kia đầy vẻ thất vọng…
…Đến học sinh
 Sân vận động huyện chật ních người xem trận đấu bóng đá giữa các đội học sinh khối THPT trong huyện. Trận đấu đang vào hồi gay cấn bởi cầu thủ số 9 đội áo vàng vừa nâng tỉ số lên 4-1. Sự kích thích của khán giả lên đến cao độ. Ấy vậy mà những tiếng reo hò cổ vũ vẫn không át nổi những lời bình phẩm của mấy bạn nữ chuyên văn duyên dáng trường T. đang ôm cặp đứng xem ở cổng ra vào: “Thằng Huy ngu bỏ xừ! Khi không đi đá vào người thằng số 7 để trọng tài phạt”. Một bạn nữ khác cướp lời: “Cũng tại thằng Hùng nữa, ai lại để thằng Long “còm” làm thủ môn. Tướng nó chỉ ở nhà… phụ bếp”. “Cái lão trọng tài chết tiệt kia, ăn hối lộ của lớp A3 sao mà cứ toét còi phạt lớp mình luôn thế”. Phớt lờ trước ánh mắt ngạc nhiên của mọi người xung quanh, mấy bạn nữ vẫn tiếp tục màn hội thoại không chút lịch sự của mình. Nhiều người lắc đầu quay đi giấu sự khó chịu. Có vài anh thanh niên bảo nhau: “Người xinh mà sao tiếng nói chẳng xinh tí nào?!?”.
Một câu chuyện khác: Hai nữ sinh mặc áo dài Trường THPT P. đi ngang qua nhà bà Năm đang tổ chức đám cưới, không khí thật vui vẻ. Bất ngờ một nữ sinh hét toáng lên: “Trời ơi, hôm nay có bài kiểm tra hóa một tiết. Gặp đám cưới, xui tận mạng, coi chừng lãnh “gậy” như chơi, phải chi gặp đám ma thì “hên” biết chừng nào…”. Tôi và những người ngồi dự đám cưới hôm ấy nhìn về phía cô nàng với vẻ mặt sửng sốt: “Sao cô học trò này lại vô tư với những phát ngôn của mình như thế?!?”.
Thử một lần ngồi ở quán quà vặt hay quán nước trước cổng trường vào giờ giải lao của học sinh, có thể “tiếp nhận” được hàng lô ngôn từ hỗn độn chướng tai đến khó hiểu có, khôi hài có, và khó chấp nhận cũng có. Bởi những tiếng lóng ám chỉ người này, người khác hay sự việc nào đó mà sự giải thích của các bạn chính là sự “sành điệu”. Nếu không tận mắt chứng kiến, hiếm ai tin là lời của những cô cậu học sinh mặt mày rất sáng sủa. Một nhóm nữ sinh Trường THPT L. ngồi “buôn dưa lê” ở quán phá lấu trước cổng trường: “Sắp đến giờ vào học rồi đấy”. “Cậu cứ thoải mái như con gà mái đi, thầy vật lý hôm nay thế nào cũng đến muộn, phong cách “xì tin” của thầy là thế mà. Đã thế, mặt thầy lúc nào cũng nhăn nhó, cứ như Tề Thiên Đại Thánh…”. Nữ sinh khác tiếp lời: “Bà H. dạy văn hôm trước vừa cho tớ xơi “ngỗng”, thế mới “đau sờ cau” chứ. Vậy mà hôm 20-11, mẹ tớ đến nhà “chúc mừng”, nghe nói bà ấy đã “ngất ngây như con gà Tây” với xấp vải áo dài đắt tiền mà mẹ tớ mua tặng rồi…”. Và còn, còn nhiều nữa những ngôn từ đại loại như thế!
Từ các câu chuyện này, mong rằng “người trong cuộc” cũng như nhiều bạn trẻ khác hãy soi rọi lại bản thân mình mà có những phát ngôn và hành động tốt đẹp hơn.
TIỀN GIANG

Bình luận (0)