Sự kiện giáo dụcTin tức

Học sinh “sống chung” với game online

Tạp Chí Giáo Dục

Thầy Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: K.Anh

Nhiều vụ án mạng có nguyên nhân từ game online đã gây không ít bức xúc trong dư luận xã hội. Tình trạng bạo lực học đường gia tăng cũng có nguyên nhân chính là game online. Vậy làm sao để quản lý game online đây?
Xung quanh vấn đề này, sáng 18-12, tại TP.HCM, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội thảo “Bàn về công tác phòng, chống tác hại của trò chơi trực tuyến đối với học sinh – sinh viên (HS-SV)”. Tại đây, ông Dương Văn Bá – Vụ phó Vụ Công tác HS-SV, Bộ GD-ĐT khẳng định: “Internet xuất hiện ở nước ta chưa lâu, nhưng mấy năm trở lại đây đi đến đâu cũng thấy các tiệm net. Người vào tiệm khai thác mạng thì ít mà chơi game thì nhiều. Phần lớn người chơi game là HS-SV, đối tượng chưa có hoặc ít có khả năng kiểm soát tác hại của trò chơi…”.
Gần 40% tiệm net gần khu vực trường học
Ông Nguyễn Thành Trung – Phòng Công tác HS-SV, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Theo báo cáo từ 24 quận, huyện cho thấy, hiện trên địa bàn thành phố có 1.538 tiệm net ở gần khu vực trường học/tổng số gần 4.000 tiệm, chiếm gần 40%”. Điều đáng nói là trong số trên 1.500 tiệm net gần trường học lại có tới 400 tiệm cách cổng trường dưới 200 mét. Trong khi quy định của Bộ Thông tin Truyền thông là tiệm net phải cách cổng trường học tối thiểu 200 mét.
Ông Dương Văn Bá kể lại: “Tôi đã từng phát hiện một nữ sinh ở Hà Nội, mỗi ngày đều được bố đưa tới trường. Hôm nào cũng vậy, ông bố đợi con vào cổng trường rồi mới quay xe đi. Cô con gái vừa thấy bố đi là trèo tường ra ngoài vào tiệm net gần đó để chơi. Khi sắp đến giờ tan trường, cô bé ngừng chơi và trèo qua cổng vào trường chờ bố tới đón”.
Theo khảo sát tại các thành phố lớn cho thấy, tỷ lệ chơi game online của HS tiểu học tại Hà Nội là 76%, TP.HCM là 70%. Tỷ lệ đó ở HS THPT tại Hà Nội là 76,6% và TP.HCM là 88%.
Thầy Nguyễn Anh Tuấn – Hiệu phó Trường THPT Diên Hồng, Q.10, TP.HCM cũng cho biết từng bắt gặp HS ngủ gục, khi hỏi lý do thì em này trả lời là tối qua chơi game. Một HS khác của trường chơi game và bị thua 8 triệu đồng. Đối thủ của em yêu cầu phải trả 8 triệu đồng nếu không sẽ bị đánh. Thế là ba mẹ em này phải chung tiền để đổi lấy sự bình yên cho con. “Ngay cả con tôi cũng mê chơi game. Tôi cấm bằng cách phá password nhưng nó mở ra được, tôi cắt dây – nó nối lại. Có hôm tôi giả bộ đi ngủ, nó lấy laptop rồi trùm mền ngồi chơi. Cuối cùng tôi đành chấp thuận cho con chơi nhưng có thời khóa biểu hẳn hoi. Trước thì mỗi ngày 1 tiếng, nay giảm xuống 30 phút…”, thầy Tuấn tâm sự.
Không thể cấm HS-SV chơi game!?

Học sinh trên địa bàn quận 9, TP.HCM đang “luyện” game online. Ảnh: V.Mạnh

Chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích mà game online mang lại. Cụ thể như giúp HS-SV từ nhút nhát trở nên linh hoạt hơn, giúp các em giải trí cũng như khẳng định bản thân. Tuy nhiên ảnh hưởng xấu từ loại hình trò chơi này khó ai có thể lường trước. “Hằng năm, Bệnh viện Bạch Mai – Hà Nội, Bệnh viện Tâm thần Trung ương tiếp nhận không ít bệnh nhân đến điều trị thần kinh. Trong đó có khá nhiều HS-SV, đông nhất là SV đang học năm nhất, năm hai. Nguy hiểm hơn, rất nhiều game thủ trở thành hung thủ giết người, trộm cắp tài sản”, ông Bá – Vụ Công tác HS-SV cho biết.
Vậy phải làm sao để HS-SV sử dụng internet một cách có ích đây? Cấm các em không được chơi ư?
“Không thể cấm hoàn toàn được”, thầy Tuấn – Trường THPT Diên Hồng đã khẳng định như vậy. Thầy Tuấn cho biết là trong trường đã có HS được phụ huynh gửi vào chùa để cai nghiện game online. Vào chùa, mấy nhà sư cũng cho chơi nhưng hạn chế dần dần.
Cùng quan điểm với thầy Tuấn, thầy Nguyễn Việt Cường – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn An Ninh, Q.10, TP.HCM chia sẻ: “Vấn đề bây giờ không phải là cấm HS-SV chơi game mà là tuyên truyền, giáo dục để các em chơi có thời lượng. Chính con tôi cũng chơi game, nhưng tôi kiểm soát được giờ chơi của con”…
Tuy nhiên không phải ông bố, bà mẹ nào cũng kiểm soát được thời gian chơi game của con. Thầy Nguyễn Đình Thịnh – Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám, Q.Bình Thạnh, TP.HCM cho biết: “Trong số 400 HS của trường được hỏi thì có tới trên 150 em cho biết là cha mẹ hỗ trợ việc các em chơi game. Thậm chí có phụ huynh còn cho con tiền để chơi game. Còn về phía HS, khi được hỏi tại sao lại mê game như vậy, thì một em trả lời: “Mỗi người có một sở thích, người thì thích thể thao, người thì thích ca nhạc… Riêng em, em thích game online”. Em này vốn học rất giỏi nhưng vì mê game mà sức học có phần giảm sút”.
Việc HS mê game hơn mê học, hoàn toàn không phải lỗi của nhà trường. Bởi vấn đề này ngoài tầm kiểm soát của ngành GD-ĐT. Đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai cho biết: “Tại một trường THPT ở Đồng Nai, trong buổi học thấy HS vắng nhiều quá, thầy hiệu trưởng ra tiệm net gần trường để tìm học trò. Vừa bước vào tiệm net thì chủ quán chặn lại và nói: “Việc của ông là ở trong trường chứ không phải ở đây. Lần sau mà ông còn tới đây, tôi đánh cho gãy chân”. Rõ ràng đại lý internet nằm bên ngoài cổng trường và không thuộc phạm vi quản lý của nhà trường mà là của chính quyền địa phương. Vì vậy, rất cần có sự chung tay của nhiều ban ngành”.
Hạn chế game bạo lực
Không thể cấm HS-SV chơi game nhưng cấm game bạo lực thì có thể. Và đây chính là một giải pháp hữu hiệu ngăn chặn những hậu quả đáng tiếc do game bạo lực gây ra…
Ông Trần Vĩnh Sa – Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM cho biết: “Tính đến thời điểm này, Việt Nam có 94 game được cấp phép. Tuy nhiên, hiện tại chỉ còn 57 game được sử dụng, trong đó có 46 game bạo lực. Chủ trương của Sở Thông tin Truyền thông TP là không hạn chế game online mà chỉ hạn chế game bạo lực. Đến nay, 3 game bắn súng đã bị chặn trong cả nước, riêng TP.HCM chặn thêm 1 game đột kích. Từ tháng 6 đến nay, TP.HCM đã ngưng được 20 game bạo lực. Còn cả nước chỉ có 17 game từ năm 2005 đến nay. Bên cạnh đó, trong số 22 game kiếm hiệp có bạo lực, Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM đã yêu cầu 7 doanh nghiệp cung cấp cắt phần bạo lực. Một số doanh nghiệp đồng ý sẽ cắt vào đầu tháng 1-2011. Song song đó, chúng tôi cũng đã kiểm soát giờ chơi game từ 23 giờ đến 8 giờ sáng hôm sau. Riêng gia đình, cũng đã yêu cầu doanh nghiệp ngưng cung cấp từ 23 giờ đến 8 giờ sáng nhưng chỉ có 2/7 doanh nghiệp hứa sẽ cắt”…
Ngoài ra, đầu năm 2011, TP.HCM sẽ thí điểm chương trình chỉ những người từ 18 tuổi trở lên mới được phép chơi game bạo lực. Bởi đối tượng này đã đủ “sức đề kháng” để chống lại tác hại của game bạo lực. Song, về lâu về dài thì chỉ một số đại lý được cung cấp game bạo lực, có như vậy mới dễ quản lý.
Ông Sa cũng cho biết thêm, Sở Thông tin Truyền thông đã cung cấp địa chỉ của 400 đại lý internet cách cổng trường dưới 200 mét đến các doanh nghiệp để ngừng cung cấp trò chơi trực tuyến.
H.Triều – Ng.Anh

Ông Dương Văn Bá – Vụ phó Vụ Công tác HS-SV cho rằng: “Hiện nay nước ta có 2 loại hình cai nghiện, đó là cai nghiện ma túy và cai nghiện game online. Trong khi những người nghiện ma túy là người ít học thì trái lại nghiện game lại là HS-SV, thậm chí rất nhiều em học giỏi”

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)