Việc nhà trường có nên cho học sinh sử dụng điện thoại trong trường học tạo sự chú ý của nhiều người, nhất là đối tượng học sinh, phụ huynh và giáo viên. Trong đó, phần lớn ý kiến nghiêng về việc nên cấm học sinh mang theo và sử dụng điện thoại khi vào trường học. Vậy vấn đề này phải nhìn nhận thế nào cho đúng, để phù hợp với thực tế giáo dục hiện nay?
Học sinh THPT sử dụng điện thoại để kiểm tra tại lớp trên nền tảng công nghệ số (ảnh minh họa)
Các hệ lụy nếu học sinh mang điện thoại đến trường
Chúng tôi thực hiện một khảo sát “bỏ túi” học sinh THPT (ở nhiều lớp), kết quả cho thấy có đến gần 100% học sinh sử dụng điện thoại di động. Khi tìm hiểu lý do thì đại đa số cho rằng để tiện việc liên hệ với cha mẹ, anh chị và bạn bè trong lớp. Một số em cũng cho rằng để trao đổi thông tin, bài học với giáo viên ở trường. Như thế, theo kết quả khảo sát, việc sử dụng điện thoại mang mục đích tốt, chính đáng. Nhưng thực chất không phải hoàn toàn như vậy, nhiều học sinh sử dụng điện thoại để nghe nhạc, để “chat”, lên mạng xã hội, chơi game, đọc những tin sốc, tò mò những “cảnh nóng”… Một số sử dụng vì đua đòi với bạn bè. Một số sử dụng để chụp, lưu bài học và khi kiểm tra thì được xem như là một tài liệu để quay cóp. Có thể nói khó mà thống kê cho hết những mục đích sử dụng điện thoại của học sinh. Chỉ biết rằng có tương đối “khiêm tốn” con số % học sinh sử dụng điện thoại để truy cập bài học, đọc báo chí, tin tức lành mạnh, để giúp cho việc học tập hiệu quả hơn. Quả thật chưa bao giờ “dụng cụ cầm tay” này lại cần phải đưa ra xem xét một cách nghiêm túc và trách nhiệm như lúc này!
Đối với một bộ phận học sinh, khi đến lớp có thể quên tập, quên sách, quên dụng cụ học tập… nhưng điện thoại thì được xem như “vật bất ly thân”. Thời gian sử dụng điện thoại của một số học sinh hiện nay là quá nhiều. Bậc thầy truyện ngắn Nga Sê-khốp có truyện “Người trong bao”, viết về nhân vật Bê-li-cốp với cái chết đầy bi hài của lối sống quá khép kín, quá lệ thuộc vào điều khác mà đánh mất mình. Bài học liên hệ của tác phẩm này với lối sống “trong bao” của giới trẻ ngày nay về điện thoại là còn nguyên giá trị. Lạm dụng sẽ trở nên “nghiện”. Hậu quả lâu dài là học sinh đến trường thì ít tập trung về việc học; về nhà thì sống thu mình, không có tâm trí để chia sẻ tình cảm với gia đình, người thân, trở nên sống ích kỷ, trầm cảm…
Đã có nhiều sự việc phiền toái xảy ra trong nhà trường. Mới đây nhất là vụ việc tại một trường THPT ở Q.Tân Bình (TP.HCM). Vì quá chiều con nên phụ huynh cho con đem theo chiếc điện thoại mới mua đến lớp. Đứa con vừa mới hý hửng khoe với các bạn đầu buổi thì đến giờ chơi thứ hai chiếc điện thoại đã… không cánh mà bay. Phụ huynh đâm đơn kiện nhà trường rằng quản lý lỏng lẻo để xảy ra mất mát.
Trước đây, có trường hợp cá biệt hơn, khi học sinh sử dụng trong giờ học, bị giáo viên tịch thu bỏ vào cặp, nhưng chưa kịp xử lý đã bị học sinh lén lấy, sau đó gọi mẹ vào buộc giáo viên đó phải đền. Chính những chiếc điện thoại đã làm đổ vỡ quan hệ bạn bè, làm rạn nứt tình cảm thiêng liêng với thầy cô.
Bộ GD-ĐT có cấm?
Bộ GD-ĐT không cấm việc học sinh mang và sử dụng điện thoại trong trường. Theo Điều lệ trường trung học ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15-9-2020 của Bộ GD-ĐT có quy định “học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”. Như vậy, chỉ cho phép học sinh sử dụng điện thoại để phục vụ cho mục đích học tập, và thầy cô hoàn toàn có thể cấm khi học sinh sử dụng vào mục đích khác.
Trong khi đó, công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18-12-2020 hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục: “Không bắt buộc học sinh phải trang bị điện thoại di động để phục vụ học tập. Việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp học để hỗ trợ hoạt động học do giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học quyết định; được giáo viên hướng dẫn cụ thể trong các hoạt động đã được thiết kế trong kế hoạch bài dạy sao cho không yêu cầu tất cả học sinh phải có điện thoại để sử dụng và bảo đảm yêu cầu phù hợp với nội dung học tập. Giáo viên thông báo cụ thể yêu cầu học sinh chỉ được sử dụng điện thoại như là một thiết bị hỗ trợ hoạt động học và những điều học sinh không được làm khi sử dụng điện thoại trên lớp, trong giờ học”.
Nhiều cái lợi nếu học sinh THPT được dùng điện thoại trong trường
Theo quan điểm của chúng tôi, việc cấm hay không cần phải ứng xử linh hoạt, phù hợp đối tượng và đặc thù dạy và học riêng của từng trường. Chẳng hạn, với cấp tiểu học và THCS thì nên cấm. Còn với học sinh THPT thì không nên. Điều quan trọng là nhà trường phải siết chặt khâu quản lý. Nếu làm được, việc học sinh sử dụng điện thoại trong trường sẽ có nhiều cái lợi. Trước nhất là học sinh có được phương tiện liên lạc, học tập, giải trí, tương tác thường xuyên. Bên cạnh sách giáo khoa và tài liệu, trong mỗi tiết học, nhiều thầy cô hiện nay còn yêu cầu học sinh truy cập kiến thức trực tiếp bằng các phương tiện như máy tính bảng, laptop, điện thoại thông minh… Điều này giúp học sinh dễ dàng truy cập kiến thức, vận dụng, liên hệ thực tiễn, tiết học sẽ sinh động, đỡ nhàm chán hơn.
Một giáo viên dạy môn ngữ văn THPT cho biết: “Trước đây tôi thường photo đề đọc hiểu cho học sinh trong mỗi tiết luyện tập. Nhưng từ khi hầu hết học sinh đều sử dụng điện thoại có kết nối mạng, tôi thường chụp hình đề và gửi vào nhóm của lớp cho các em mở ra làm. Điều này vừa nhanh chóng, tiện lợi và bớt tốn kém rất nhiều”.
Hiện nay việc dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến được nhiều địa phương chú ý. Chẳng hạn tại TP.HCM, ngay từ đầu năm học Sở GD-ĐT yêu cầu các trường phải có kế hoạch dạy học, kiểm tra trên nền tảng các phần mềm dạy học trực tuyến trong kế hoạch năm học của mình. Điều này đòi hỏi học sinh phải trang bị phương tiện học, trong đó đa số là điện thoại di động, khi đến trường. Nhiều giáo viên vì lý do nào đó không thể đến lớp dạy được, có thể ứng dụng dạy học trực tuyến và học sinh ngồi tại lớp học theo hình thức này.
Với thiết kế của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là một chương trình và nhiều bộ sách giáo khoa, lấy yêu cầu cần đạt làm chuẩn mực, thầy và trò tự chọn văn bản, ngữ liệu…, điều này càng đòi hỏi học sinh và giáo viên trang bị thêm phương tiện công nghệ số vào học tập, giảng dạy là xu hướng tất yếu.
Nếu bảo học sinh lạm dụng, ảnh hưởng cái xấu từ mạng xã hội rồi xao nhãng việc học khi mang điện thoại đến trường thì không sai nhưng chưa đủ. Bản thân học sinh xấu thì còn rất nhiều thời gian như khi ở nhà, ra ngoài xã hội các em sẽ thực hiện hành vi xấu, lúc này khó ai quản lý được việc sử dụng điện thoại của các em. Cho nên, nhiều khi cho học sinh mang điện thoại đến trường và có sự quản lý tốt của nhà trường cũng là cách giúp các em hình thành thói quen tương tác lành mạnh!
Bài, ảnh: Trần Ngọc Tuấn
Bình luận (0)