Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Học sinh tặng quà cho phụ huynh

Tạp Chí Giáo Dục

nh minh ha. Ảnh: I.T

Trường tôi là một trường ở vùng đặc biệt khó khăn, dân trí còn nhiều hạn chế. Nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn có khi phải bỏ con lại cho ông bà nuôi để lên các thành phố lớn làm việc. Thế nên vì cuộc mưu sinh vất vả mà nhiều gia đình chưa có điều kiện quan tâm chăm sóc con em của mình chu đáo. Hơn thế nữa do sự thay đổi về tâm sinh lý của tuổi mới lớn, thế nên khoảng cách giữa cha mẹ và học sinh càng xa. Đây là điều mà tôi luôn trăn trở khi tiếp xúc với nhiều phụ huynh. Họ đã tâm sự với tôi rất nhiều điều mà tựu trung lại là vấn đề học sinh rất ít khi trò chuyện tâm sự với họ về những khó khăn áp lực mà các em phải đối mặt trong học tập cũng như trong cuộc sống.

Sau khi hoàn tất đánh giá xếp loại hai mặt giáo dục nhiều trường đã tiến hành họp phụ huynh học sinh để thông báo kết quả học tập và rèn luyện đạo đức của học sinh ở học kỳ I. Trường tôi cũng không nằm ngoài thông lệ ấy.

Kỳ họp phụ huynh đầu năm (học sinh có dịp bày tỏ lòng biết ơn đối với cha mẹ mình qua những lá thư viết gửi đến cha mẹ trong kỳ họp phụ huynh đầu năm), lần họp này, chúng tôi gợi ý học sinh sẽ mua những món quà ý nghĩa để tặng cho cha mẹ. Bởi qua tiếp xúc với học sinh, tôi nhận ra: Có rất nhiều học sinh trăn trở trước mỗi dịp sinh nhật bạn bè (thậm chí là trong những dịp lễ) cần tặng món quà gì nhưng rất ít học sinh đã từng tận tay tặng món quà nào đó cho cha mẹ hay ông bà của mình.

Sau khi được giáo viên chủ nhiệm phân tích ý nghĩa của việc tặng quà cho cha mẹ, học sinh cả lớp đều hồ hởi hưởng ứng. Nguyên cả tuần quan sát, tôi nhận thấy nhiều học sinh đã rất chăm chút cho món quà mà sắp tặng cha mẹ (ông bà) nhân dịp họp phụ huynh. Nhiều học sinh còn làm đồ handmade rất đẹp và hàm chứa nhiều ý nghĩa để tặng cho cha mẹ.

Ngày họp phụ huynh diễn ra vào ngày chủ nhật, thế nên vào tiết sinh hoạt lớp của ngày thứ bảy, tôi đã cùng các em trang trí thật đẹp lớp học để chào đón các phụ huynh. Các em đã đặt trang trọng những món quà của mình ngay vị trí các em ngồi học với những dòng viết xúc động được dán lên phần quà mà các em muốn dành tặng cho phụ huynh của mình. Sáng hôm sau tôi đã đến lớp thật sớm, đón từng phụ huynh và đưa họ ngồi đúng vị trí của con mình. Tôi đã thay các em nói lời: “Con anh (chị) tặng món quà này cho anh (chị) với tất cả lòng biết ơn sâu sắc nhất”.

Tôi cảm nhận được niềm vui sướng xen lẫn xúc động của rất nhiều phụ huynh khi lần đầu tiên cầm trên tay món quà mà con họ tặng. Họ mân mê món quà được trang trí công phu của con mình bằng ánh mắt rưng rưng. Nhiều phụ huynh nữ đã không cầm được nước mắt khi đọc những dòng viết của các em đính kèm trên hộp quà. Xúc động hơn khi có phụ huynh không biết chữ đã nhờ tôi đọc hộ xem con họ viết gì. Tôi đọc xong người mẹ ấy nghẹn ngào không nói thành lời. Bà tâm sự: “Ở nhà nó ít nói, tôi nhiều khi không biết nó nghĩ gì. Giờ đọc những lời này tôi thấy thương con quá!”…

Câu chuyện họp phụ huynh của tôi xoay quanh những điểm mạnh của các em. Tôi cố gắng nêu những ưu điểm nổi bật của các em kèm theo những hình ảnh minh họa mà tôi đã chụp lại trong tất cả các hoạt động mà các em tham gia ở học kỳ I. Tôi nhận thấy được ánh mắt tự hào của nhiều phụ huynh, nhiều tiếng cười vang lên khi phụ huynh bắt gặp những khoảnh khắc đáng yêu của con mình được giáo viên chủ nhiệm vô tình ghi lại trên ảnh.

Buổi họp phụ huynh vì thế mà giảm đi rất nhiều sự căng thẳng lo âu của một số phụ huynh khi thấy con mình chưa đạt kết quả như mong đợi. Tôi thấu hiểu nỗi lo âu ấy của họ vì kết quả học tập ở trên lớp có mối liên hệ mật thiết với kết quả xét tốt nghiệp (theo tỉ lệ 30% điểm trung bình môn trên lớp kết hợp với 70% điểm thi kỳ thi quốc gia sẽ diễn ra vào cuối tháng 6 năm nay). Tôi không cố công “tố” những khuyết điểm của các em trước tất cả các phụ huynh mà chú trọng nêu các ưu điểm đồng thời kết hợp với việc giúp phụ huynh có thêm nhiều gợi ý về việc chọn lựa ngành nghề trong tương lai của các em. Đồng thời tôi cũng mong phụ huynh hiểu và thông cảm cho học sinh hơn khi các em đang đối mặt với rất nhiều áp lực trong cuộc sống.

Tôi hướng dẫn phụ huynh cách đọc thông tin trên phiếu liên lạc chứ tôi không đọc trực tiếp kết quả học tập của từng em, nhằm tránh sự mặc cảm cho những phụ huynh của những học sinh có thành tích chưa tốt. Tuy nhiên bên cạnh đó, tôi cũng đã tuyên dương những học sinh có đóng góp tích cực cho hoạt động chung của lớp của trường. Không chỉ chú mục đến kết quả học tập, tôi còn khen ngợi nhiều học sinh có kỹ năng sống tốt, có năng lực đặc biệt trong những hoạt động cụ thể như: thể thao, văn nghệ, vẽ tranh…

Sau buổi họp phụ huynh với rất nhiều cảm xúc, tôi trao đổi với các em về thái độ của phụ huynh sau buổi họp. Cả lớp trở nên sôi động khi các em nói:

– Về cha mẹ không có “nhằn” mà lại rất vui.

– Cha mẹ động viên em cố gắng hơn chứ không la.

– Cha mẹ đã thử ngay cái áo em mua rồi chọc em: “Năm nay có đồ ăn Tết rồi mừng quá”…

Trm Thanh Tun (Trà Vinh)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)