Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học sinh tập làm hướng dẫn viên, thương lái

Tạp Chí Giáo Dục

Các học sinh Trường THPT Nguyễn Việt Hồng (Q.Cái Răng, Cần Thơ) đã có một mùa hè thú vị khi các em được “nhập vai” làm hướng dẫn viên du lịch, hoặc thương lái mua bán trái cây trên chợ nổi.

Học sinh tập làm hướng dẫn viên, thương lái
Một “hướng dẫn viên – học sinh” đang  thuyết trình trên tàu cho hành khách biết về chợ nổi Cái Răng – Ảnh: T.Trang

Tôi nghĩ hè không nhất thiết các em phải học, vì đã học suốt một năm qua rồi. Hiện nay kỹ năng ra đời của học sinh rất thiếu và yếu, nên phải giúp các em trang bị, nhất là kỹ năng giao tiếp, vốn sống từ nghề nghiệp trong xã hội"

Thầy Võ Đức Chỉnh (hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Việt Hồng)

Vào thứ bảy một ngày hè, đúng 5h30 nhóm tám “hướng dẫn viên – học sinh” đã trang phục chỉnh tề, trang bị sẵn sàng loa, còi, thùng âm thanh chuẩn bị cho hành trình đầy thú vị sắp tới. Những hành khách được hướng dẫn hôm nay là người thân các em từ các tỉnh khác đến. Trong đó có cả ba du khách nước ngoài tháp tùng theo đoàn.

Những “hướng dẫn viên” nhí

Như một hướng dẫn viên thực thụ, bạn Trần Hoàng Tâm – lớp 11A2 – tay cầm loa, dõng dạc giới thiệu về việc bắt đầu chuyến tham quan chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ. Sau đó Tâm chuyển sang nói một tràng tiếng Anh rành rọt cũng về chủ đề trên.

Vui vẻ, lịch thiệp và hết sức nhiệt tình là phong cách của các “hướng dẫn viên” này, mặc dù các bạn mới chỉ được đào tạo ba buổi lý thuyết và một ngày thực tế trên sông. Tàu đợi sẵn ở bến cách trường không xa, ba “hướng dẫn viên” xuống trước, dắt tay từng hành khách xuống tàu. Sau khi khách đã ngồi đúng vị trí, các bạn yêu cầu mỗi người đều phải mặc áo phao đã phát sẵn, rồi mới cho tàu chạy.

Anh Phạm Hoàng Nghĩa, hướng dẫn viên được trường mời về dạy kỹ năng hướng dẫn cho học sinh, thú thật đây là lần đầu tiên anh “đứng lớp”, dạy cho những “hướng dẫn viên” đặc biệt như thế này. “Cứ nghĩ các em còn nhỏ không tiếp thu kịp, nhưng chỉ sau vài buổi truyền đạt kinh nghiệm, “tay nghề” các em đã lên rõ. Hôm nay các em đã tự đứng ra tổ chức chuyến tham quan tươm tất như thế này” – anh Nghĩa nói.

Trong khi đó, trên tàu các học sinh đang thay nhau thuyết trình những hình ảnh trên chợ nổi mà khách tham quan nhìn thấy. Giọng một bạn nữ vang lên: “Chợ nổi Cái Răng họp khá sớm, thường từ lúc mờ sáng và đến khoảng 8h-9h thì vãn…”. Một bạn khác nói thêm: “Xin hành khách chú ý, nếu ghe chuyên bán khoai lang thì trên cây sào sẽ treo lủng lẳng vài củ khoai, còn nếu ghe bán xoài thì trên cây sào sẽ có treo vài quả xoài…”.

Cứ thế, các bạn xoay tua giới thiệu cho hành khách biết nhiều đặc sản ngon của miền Tây, cách chọn trái cây ngon, hoặc cách nhận biết ghe hàng đầy, vơi qua mực nước của ghe…

Hè đi học nghề

Thầy Võ Đức Chỉnh, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Việt Hồng, kể thêm: làm “hướng dẫn viên” chỉ là một trong những “nghề” mà học sinh được trải nghiệm trong mùa hè này. Để đa dạng, phù hợp hơn với sở thích của các em, nhà trường còn liên hệ các nơi như trại nuôi cá, nhà vườn trồng rau, cả những thương lái buôn bán trên sông cho học sinh được làm nhiều “nghề”.

Bạn Trần Mỹ Hằng – học sinh lớp 10A6 – chia sẻ mặc dù có cha mẹ quanh năm buôn bán ở chợ nổi Cái Răng nhưng bạn chỉ biết lo học, thỉnh thoảng mới có vài ba bữa đến sạp rau của cha mẹ. “Ngay khi trường phổ biến các hoạt động hè, em đăng ký ngay mô hình bán rau quả trên sông. Tưởng dễ, ai ngờ cực khổ quá trời, nhất là có lúc gặp khách hàng khó chịu. Những lúc đó em nghĩ ngay đến nghề của cha mẹ” – Hằng tâm sự.

Ông Trương Văn Sáu – một thương lái có trên 15 năm buôn bán ở chợ nổi – cười ha hả kể: “Từ ngày có mấy đứa nhỏ phụ bán, vợ chồng tui vui hẳn lên. Tui tưởng tui chỉ biết làm con buôn không thôi, ai dè giờ dạy mấy đứa cách lấy hàng ngon dở, cách bán hàng chiều khách, thêm vài trăm gam hoặc bớt vài đồng để khách hài lòng, tui vui quá trời”.

Lợi đủ đường!

Thầy Võ Đức Chỉnh – hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Việt Hồng, có mặt trên chuyến tham quan – cho biết để việc dạy nghề trở nên chuyên nghiệp, trường đã mời hẳn một hướng dẫn viên chuyên hướng dẫn khách quốc tế về dạy cho các học sinh.

“Lợi đủ đường hết, các em vừa được rèn ngoại ngữ, vừa biết cách chuẩn bị kỹ càng cho một chuyến tham quan, đặc biệt là cách giao tiếp với du khách nước ngoài để thể hiện văn hóa mến khách của người Việt Nam” – thầy Chỉnh nói.

 

THÙY TRANG/TTO

 

Bình luận (0)