Ngoài việc đưa giáo dục giới tính vào kỳ thi tốt nghiệp, Thái Lan đang có nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng mang thai tuổi vị thành niên.
Từ năm nay học sinh Thái Lan phải thi môn giáo dục giới tính để tốt nghiệp – Ảnh minh họa: New York Times
Từ năm nay, Bộ Giáo dục Thái Lan sẽ đưa bài kiểm tra về giáo dục giới tính và kỹ năng sống vào kỳ thi tốt nghiệp phổ thông quốc gia (O-NET) để giảm thiểu tình trạng mang thai ở vị thành niên, nhật báo The Nation vừa đưa tin.
O-NET là kỳ thi tốt nghiệp bắt buộc đối với học sinh lớp 6, 9 và 12 ở Thái, chiếm 20% tổng điểm, phần còn lại là kết quả đánh giá cả năm học tại trường (80%).
Trong bài thi O-NET, học sinh lớp 12 làm mỗi bài thi trong 90 phút. Các môn nghệ thuật, sức khỏe, giáo dục thể chất, nghề nghiệp, công nghệ được đánh giá trong bài thi kéo dài 120 phút.
"Chúng tôi sẽ sớm thông báo quyết định này về các trường để phổ biến cho học sinh", phó thủ tướng Chatchai Sarikulya tuyên bố vào cuối tuần qua.
Những bà mẹ nhí ở Thái Lan – Ảnh: THETHAIGER
Quyết định này đạt được sau cuộc họp của chính phủ nhằm giải quyết những vấn đề liên quan trẻ vị thành niên mang thai. Chính phủ cũng đã phân công các tỉnh thành tăng cường khẩn cấp chương trình giáo dục giới tính và kỹ năng sống.
"Chúng tôi cũng yêu cầu Bộ Nội vụ cân nhắc thông qua các quy định cấp quốc gia nhằm tăng cường năng lực của cơ quan hành chính địa phương nhằm ngăn chặn tình trạng mang thai dưới 18 tuổi", ông Chatchai Sarikulya bổ sung.
Bộ Y tế cũng được hối thúc thành lập trung tâm theo dõi, phân tích tình trạng mang thai vị thành niên, tư vấn hiệu quả hơn về biện pháp tránh thai tạm thời cho đối tượng này, đặc biệt vào thời điểm sau sinh hoặc vừa sẩy thai.
Theo thống kê năm 2013, tỉ lệ mang bầu ở trẻ vị thành niên Thái Lan cao thứ hai Đông Nam Á, sau Lào.
Reuters đưa tin mặc dù tỉ lệ sinh đã giảm nhưng tỉ lệ thiếu niên Thái Lan mang bầu vẫn cao. 54/1000 ca sinh là bà mẹ ở độ tuổi 15-19, hơn cả Mỹ và gấp 10 lần tỉ lệ tương tự ở Singapore.
Việt Nam giáo dục giới tính "theo phong trào" Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2017, Việt Nam đứng thứ ba về số ca nạo phá thai với 1,52 triệu ca mỗi năm, trong đó không ít ca nạo phá thai của trẻ vị thành niên. Ông Đào Lê Hòa An – Ủy viên Ban chấp hành Trung ương hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, chia sẻ: "Việc giáo dục giới tính, kỹ năng sống hiện nay ở Việt Nam còn khá manh mún và thường làm theo phong trào. Các trường chỉ làm khi có chủ đề của Sở GD-ĐT nên chưa có sự chủ động và đôi khi còn là đối phó". Ông cũng bày tỏ sự lo lắng khi các em học sinh hiện nay còn đang phải tự mày mò, tìm hiểu những vấn đề về giới tính, kỹ năng sống thông qua Internet. Chính việc đó khiến các em có những kiến thức sai lệch dẫn tới hậu quả đáng tiếc. "Tôi nghĩ chúng ta có thể đưa giáo dục giới tính vào chương trình học thành môn học chính quy và thi cử một cách bài bản", ông nói. Ông bổ sung rằng đây là một môn học đặc thù, khác so với các môn học văn hóa trên lớp nên phải xem xét, bàn bạc để có cách thi phù hợp chứ không phải thi trên giấy, trắc nghiệm để học sinh tiếp thu được kiến thức một cách tích cực. |
Bình luận (0)