Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Học sinh thành phố mong muốn thay đổi cách giảng dạy môn lịch sử

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Mong muốn thay đổi cách thức giảng dạy môn lịch sử, tiếng Anh trong nhà trường, tạo thêm nhiều sân chơi rèn luyện thể thao… đã được thiếu nhi thành phố thẳng thắn góp ý trong chương trình Lãnh đạo thành phố gặp gỡ, lắng nghe tiếng nói thiếu nhi năm 2022 diễn ra sáng 5-6.


Bà Nguyễn Thị Lệ
 – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM phát biểu tại chương trình

Chương trình có sự tham dự của các đồng chí: Nguyễn Thị Lệ – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM; Nguyễn Hồ Hải – Phó Bí thư Thành ủy; Nguyễn Văn Hiếu – Ủy viên dự khuyết BCHTW Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM; Tô Thị Bích Châu – Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố… cùng đại diện lãnh đạo sở, ban ngành trên địa bàn thành phố.

Phát biểu tại chương trình, bà Nguyễn Thị Lệ – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM bày tỏ niềm vui mừng khi được gặp gỡ các cháu thiếu nhi, những chủ nhân nhỏ tuổi của thành phố trong chính ngày đặc biệt kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, để lắng nghe, trao đổi những vấn đề mà các em quan tâm. Theo bà, qua đây sẽ giúp các cô chú hiểu sâu hơn về những suy nghĩ, tình cảm, ước mơ của các cháu để từ đó các cô chú lãnh đạo thành phố có những chủ trương, chính sách, giải pháp để chăm lo cho các cháu nhiều hơn.

Trong chương trình gặp gỡ thiếu nhi với chủ đề “Lắng nghe tiếng nói trẻ em”, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho hay, lãnh đạo thành phố mong muốn được lắng nghe trực tiếp từ thiếu nhi thành phố. Các cháu có thể chia sẻ, bày tỏ những cảm xúc, cảm nhận của bản thân về TP.HCM, về sự phát triển của thành phố qua thời gian, về việc học tập, rèn luyện, vui chơi giải trí.

“Qua lăng kính, góc nhìn, sự hiểu biết của bản thân, các cháu mong muốn TP.HCM trong tương lai sẽ như thế nào và các cháu có đề xuất gì để thành phố thực sự trở thành đô thị thông minh, thân thiện với trẻ em. Ngoài ra, các cháu có thể ý kiến, phản ánh về những vấn đề rất thực tế trong công tác đào tạo, trong hoạt động phong trào, trong cuộc sống xung quanh mà các cháu thấy cần thay đổi, cần điều chỉnh tốt hơn để tạo môi trường tốt nhất cho sự phát triển của trẻ em TP”, bà Nguyễn Thị Lệ chia sẻ.

Trong chương trình gặp gỡ, 150 thiêu nhi tiêu biểu thành phố đại diện cho hơn 1,9 triệu học sinh toàn thành phố đã thẳng thắn bày tỏ mong muốn, góc nhìn của mình trong nhiều vấn đề từ giáo dục, rèn luyện thể dục thể thao trong nhà trường, sân chơi cho trẻ em, nghiên cứu khoa học, phát triển văn hóa đọc…


Học sinh, thiếu nhi thành phố thẳng thắn góp ý trong chương trình

Đặng Trường Hiền Thi (Trường THCS Hoa Lư, TP.Thủ Đức) mong muốn tổ chức thêm các hoạt động rèn luyện, sân chơi thể thao lớn nâng cao sức khỏe. Đặc biệt, bạn mong rằng sẽ có thêm nhiều môn thể thao mới, thú vị sẽ được đưa vào giảng dạy, phổ cập rộng rãi hơn đến học sinh thành phố vì thể thao cũng là một trong những hướng hội nhập quốc tế.

“Nhìn vào thành tích đạt được trong SEA GAMES 2021 vừa qua có thể thấy rằng nếu như trẻ em thành phố được tiếp cận sớm với bơi lội, điền kinh hay những môn thể thao mới thì trong tương lai không xa cũng sẽ có thể trở thành chủ nhân của những tấm huy chương…”, Hiền Thi nêu.

Trong khi đó, Song My (THCS Hoàng Lê Kha, Q.6) lại thẳng thắn gửi gắm mong muốn về việc thay đổi cách thức giảng dạy môn lịch sử trong trường học. Theo bạn, học sinh, thiếu nhi rất thích lịch sử, bằng chứng là các bạn vẫn luôn quan tâm tìm hiểu môn học này qua mạng xã hội, youtube… Thế nhưng, với các tiết học lịch sử trên lớp lại “hờ hững” vì cách dạy quá cũ, thời lượng giảng dạy một tiết không nhiều.

Tương tự, Hồng Phương (8A1, THCS Lạc Hồng, Q.10) góp ý về việc giảng dạy môn tiếng Anh để học sinh có thể tiếp cận nhiều hơn, nâng cao hơn nữa năng lực ngôn ngữ ở cả nghe và nói, học thông qua chơi.

Chia sẻ về những áp lực mà học sinh đang gặp phải hiện nay như áp lực việc học trực tuyến kéo dài, áp lực từ gia đình, bạn bè xung quanh, áp lực phải chạy theo thành tích học tập, áp lực tuổi dậy thì, học cuối cấp… Huỳnh Anh Thư (6/5, THCS Nguyễn Du, Q.Gò Vấp) đề xuất lãnh đạo thành phố, ngành giáo dục quan tâm, đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của phòng tư vấn tâm lý học đường để học sinh có thể trao đổi các vấn đề, áp lực đang gặp phải. Thông qua đó, ban giám hiệu nhà trường cũng có thể nắm được mong muốn, nhu cầu học sinh, đẩy mạnh công tác giáo dục nhà trường.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc ghi nhận những ý kiến góp ý của học sinh thành phố với các quan tâm về giảng dạy lịch sử, tiếng Anh, về hoạt động thể thao trong nhà trường.

Ông cho biết, thời gian qua ngành giáo dục cùng với ngành văn hóa đã tổ chức nhiều hoạt động thường xuyên về thể dục thể thao như hội khỏe phù đổng các cấp. Các đơn vị trường học cũng chủ động qua các phong trào chung với nhiều hoạt động thể thao. Song song với chương trình giáo dục thể chất, sân chơi CLB sau giờ học…

Theo ông, Chương trình GDPT 2018 có sự mở rộng hơn nữa với các môn chơi thể thao, các em được chủ động lựa chọn bộ môn giáo dục thể chất ở THPT. Cấp THCS thì có thêm nhiều sự thay đổi trong tổ chức hoạt động thể thao. Ngành giáo dục cũng đã tổ chức thêm ngày thể thao học sinh… “Thời gian tới, Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với ban ngành, đoàn thể ngày càng mở rộng các hoạt động thể thao này, tạo thêm sân chơi cho học sinh rèn luyện, nâng cao thể chất…”.

Với góp ý thay đổi giảng dạy lịch sử trong nhà, ông Nguyễn Bảo Quốc cho biết Chương trình GDPT 2018 đã có nhiều sự thay đổi. Thầy cô trong quá trình tiếp cận chương trình đã chủ động thay đổi phương pháp giảng dạy. Không chỉ dừng ở lý thuyết mà môn lịch sử còn xây dựng nhiều chủ đề học tập trong lớp, ngoài nhà trường, lồng ghép trong chương trình, tiết học trải nghiệm, tiết học địa phương… Với sự thay đổi này, chắc chắn sẽ mang đến nhiều tiết học thú vị cho các em…

Với mong muốn đổi mới bộ môn tiếng Anh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định, TP.HCM xác định rõ nếu chỉ dừng lại học tiếng Anh từ SGK thì không đủ nâng cao năng lực tiếng Anh. TP đã có đề án riêng giảng dạy tiếng Anh, nâng cao năng lực tiếng Anh cho học sinh. Đến nay hơn 90% các trường tiểu học đã đưa tiếng Anh vào giảng dạy từ lớp 1, 2 thay vì bắt buộc đưa vào lớp 3 theo Chương trình GDPT 2018.


Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc chia sẻ với các ý kiến góp ý của học sinh trong chương trình

Cũng theo ông Quốc, với mục tiêu nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Anh, Sở GD-ĐT đang có tham mưu đề xuất để nguồn giáo viên giảng dạy tiếng Anh tốt nhất, đáp ứng mong muốn học tập của học sinh, đáp ứng nhu cầu tiếp cận nguồn nhân lực quốc tế…

“Về góp ý của các em đối với giáo viên bản ngữ, Sở GD-ĐT sẽ có chỉ đạo cụ thể đảm bảo cho học sinh có thể tham gia giao lưu với giáo viên bản ngữ, đảm bảo như mong muốn của các em…”, ông Quốc nhấn mạnh.

Đối với góp ý về văn hóa đọc, ông Quốc thông tin thành phố đã có nhiều ngày hội sách, Sở GD-ĐT cũng đang tạp trung chỉ đạo nâng cao chất lượng thư viện từ việc bổ sung cơ sở vật chất theo hướng số hóa, bổ sung thêm nhiều đầu sách, các hoạt động tìm hiểu sách, nâng cao văn hóa đọc… Đồng thời, Sở đã chỉ đạo cụ thể bộ môn văn với nhiều hình thức nâng cao văn hóa đọc, chủ đề, nghiên cứu sách, đưa văn hóa đọc trong nhà trường…

Thông tin thêm về hoạt động nghiên cứu khoa học, ông Nguyễn Bảo Quốc cho hay, Sở GD-ĐT đã triển khai hoạt động này từ cấp trường, quận, huyện, thành phố. Năm 2021 hơn 800 đề tài nghiên cứu của học sinh cấp trung học ở các quận, huyện. Các đề tài ngày càng đi vào chiều sâu, giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra.

“Sở GD-ĐT luôn tạo điều kiện tốt nhất trong hoạt động nghiên cứu khoa học trong nhà trường, từ việc bồi dưỡng thầy cô, tạo sân chơi cho học sinh. Thời gian tới hoạt động này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa…”, ông Quốc khẳng định.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)