Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Học sinh, thầy cô và blog

Tạp Chí Giáo Dục

Blog đang ngày càng phổ biến, nó đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của teen.

Teen có thể thoải mái trút vào đó những dòng tâm sự, suy nghĩ…Nhưng đôi khi, cũng chính từ những dòng chữ đó lại gây ra không ít rắc rối.

Từ vô tình…

M.Linh (*) (lớp 12, THPT T, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) bắt đầu câu chuyện “đầy đau thương” của mình bằng một tiếng thở dài ngao ngán. “Hôm ấy, giờ kiểm tra mình không làm bài được do tối hôm trước mệt quá ngủ luôn. Bực quá, mình viết mấy dòng nói là cô coi khó ghê, không làm ăn được gì cả. Đại loại nội dung chỉ có vậy thôi, ai ngờ ngày hôm sau, bọn bạn đã rỉ tai nhau về những dòng entry của mình và kết luận rằng Con nhỏ này láo! Dám nói xấu cô trên blog. Mình đâu có cố tình…” – Linh thanh minh.

Cũng rơi vào tình trạng như Linh, K.Tuấn (lớp 11, THPT X) bị bạn bè “xa lánh” chỉ vì vài dòng vô ý trên blog. Chả là lớp anh chàng đã chuẩn bị rất kỹ cho chương trình sinh hoạt chào cờ đầu tuần, từ phần văn nghệ đến trò chơi, phần thưởng và cậu là đạo diễn chính cho chương trình ngày hôm ấy. “Đùng một cái, đang làm chương trình, cô phụ trách gọi mình ra bảo phải cắt gọn đi vì trời nắng quá mà sân trường lại ít bóng cây. Khổ nỗi là chương trình đang đến đoạn cao trào. Đành phải làm theo nhưng trong lòng ấm ức lắm. Mang tâm trạng bức bách ấy mình trút vài dòng lên blog. Bạn bè vào hồi đáp, an ủi. Sáng hôm sau, cái entry ấy đã được ai đó thêm vào những từ ngữ mà chính mình cũng bất ngờ. Thế là mang tiếng hỗn hào…Mình chả biết thanh minh thế nào!” – Tuấn lắc đầu buồn bã.

Những trường hợp như Linh và Tuấn, sau một thời gian tìm hiểu đều được bạn bè hiểu ra và tha thứ. Còn có một vài trường hợp, mới nhắc đến mọi người đã lắc đầu…

…đến cố ý

X.Mai (11, THPT T) được bạn bè nhắc đến như một “nhà báo blog”. Những ai cô nàng này mến thì được tung hô trên blog bằng những từ ngữ tuyệt mĩ, ngược lại, những ai trót lỡ làm cô nàng bực tức sẽ được miêu tả bằng những từ ngữ không hề có trong từ điển Việt Nam, và đối với thầy cô cũng vậy. “Những thầy cô nào coi kiểm tra dễ, cho điểm rẻ là mình quảng cáo rầm rộ trên blog liền. Còn những ai mà hắc ám ấy à? Cậu coi thì biết!” – vừa chat, Mai vừa gửi cho tôi đường link đến blog của cô nàng viết về cô giáo đã bắt tài liệu của Mai trong kì thi vừa rồi. Khỏi phải nói tôi đã sốc đến mức độ nào. “Thế không sợ thầy cô biết à?” “Làm sao mà biết được. Khi quảng cáo cho tụi bạn đọc rồi thì phải xóa đi chứ. Vả lại blog là nhật kí cá nhân, mà đã là nhật kí thì thích viết gì thì viết, vật dụng cá nhân mà!” – Mai thanh minh.

Và cũng vin vào cái cớ là “cá nhân” đó, nhiều teen đã tha hồ nói xấu, thậm chí xúc phạm thầy cô mình, nhất là sau kì thi học kì vừa diễn ra, tần suất của những entry kiểu trên xuất hiện càng nhiều, đến nỗi nhiều teen đã gọi là “dịch blog”. “Mình không hiểu các bạn ấy nghĩ gì nữa? Học sinh mà nói vậy thì…mấy thầy cô nghỉ hưu sớm cũng phải!” – M.Tuyết (lớp 10, THPT V) bức xúc. “Mình thấy cần phải có luật quản lý trên blog, không thể để ai muốn nói gì thì nói được Nếu cứ cái đà này thì loạn mất!” – B.Duy (12, THPT Q) góp ý. “Cần phải cho họ một bài học đích đáng!”- T.Xuân (12, THPT C) bày tỏ quan điểm.

Kết

Khi đang hoàn thành bài viết này, tôi nhận được email của Mai. Mình cảm thấy buồn lắm. Cậu biết không, cái entry mình viết nói xấu cô ấy, ngày hôm sau chễm chệ trên bản tin của trường. Không biết ai đã dán nó lên. May là chỉ có một vài người đọc và họ đã nhìn mình bằng ánh mắt…không biết nói sao nữa. Sau đó, chính cô giáo ấy là người gỡ cái tờ giấy ấy xuống. Cô không nói gì. Một nỗi xấu hổ đang ngự trị trong mình…Không hiểu sao tôi thấy vui. Vui vì Mai đã biết xấu hổ, biết thấy sai từ những việc mình đã làm. Một vài phút không kìm chế bản thân, nhiều teen đã để những dòng nhật kí của mình đi xa tính cá nhân vốn có của nó và vô tình tạo điều kiện cho kẻ xấu lợi dụng, để rồi phải nhận những hậu quả không đáng có. Hãy thật bình tĩnh và sáng suốt, teen nhé!

Theo MTO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)