Tiết học âm nhạc sẽ sinh động hơn nếu GV biết tổ chức các trò chơi trong lớp. Ảnh: N.Q
|
Muốn giảng dạy bộ môn âm nhạc khối lớp 7 đạt hiệu quả cao, giáo viên (GV) bộ môn phải biết vận dụng các phương pháp dạy như thuyết giảng, trình bày, phát vấn. Nhưng, ít ai biết có một phương pháp dạy mang lại hiệu quả không kém trên tinh thần “học mà chơi, chơi mà học”, đó là sử dụng các trò chơi.
Năm trò chơi điển hình
Trò chơi thứ nhất là nghe giỏi – đoán tài. Đây là một trò chơi với hình thức cho học sinh (HS) nghe một đoạnnhạc (thường là bài hát thiếu nhi hoặc dân ca ba miền), sau đó yêu cầu các em đoán tên bài hát. Sau khi ra thể lệ chơi cho các em biết, GV chia lớp thành ba nhóm. Lần lượt các nhóm nghe và nhanh chóng phát hiện chỗ sai, tìm cách sửa sai đồng thời cho biết tựa bài và tên tác giả (trừ các bài dân ca). Để giúp các em làm việc theo hướng tích cực, GV cho các nhóm thảo luận tiếp để biểu diễn bài hát trước lớp. Điểm đánh giá của GV cho các phần như nhận biết và sửa được chỗ sai, cho biết tựa bài hát, biểu diễn bài hát… theo thang điểm 10 (điểm tối đa). Trò chơi thứ hai là nghe cao độ – đoán nốt nhạc. Sau khi GV đánh đàn gam và trục âm đô trưởng, HS phải đọc được gam và trục âm đô trưởng. Khi GV đánh từng nốt nhạc, HS vừa nghe vừa hội ý trong nhóm để giành quyền ưu tiên trả lời. GV đánh giá HS qua lần nghe thứ nhất, nếu đúng thì cho 30 điểm, sau một lần nghe lại thì bị trừ đi 10 điểm.
Trò chơi thứ ba là đọc ký hiệu nhanh. GV viết một đoạn nhạc vào bảng phụ (chuẩn bị sẵn từ trước), sau đó các nhóm viết tên các ký hiệu vào bảng trả lời và nộp bảng trả lời sau khi hết thời gian quy định (thường chỉ trong 2 phút). Trước khi GV công bố điểm từng phần ghi vào bảng điểm (mỗi ký hiệu đúng được 10 điểm), đại diện nhóm đọc và chỉ các ký hiệu nhóm mình ghi được.
Trò chơi thứ tư là “điền tên bài hát vào tên tác giả”. GV treo bảng phụ và ghi tên ba nhạc sĩ (VD: nhạc sĩ Hoàng Việt, Đỗ Nhuận, Huy Du) để sau đó các nhóm bốc tên bài hát (mỗi nhóm bốn bài). Cuối cùng, các nhóm dùng nam châm gắn tên bài hát vào tên nhạc sĩ để trả lời đáp án (mỗi đáp án đúng được 10 điểm).
Trò chơi thứ năm là “thể dục đồng diễn”. Khác với bốn trò chơi trước, ở trò chơi “thể dục đồng diễn”, GV nên làm mẫu trước và mời thêm hai GV làm giám khảo để từng nhóm nhạc làm theo. Đây là trò chơi bổ trợ cho phân môn tập đọc nhạc lớp 7 nên trong nội dung, GV lấy độ cao nốt son làm chuẩn (tư thế đứng thẳng, tay chống hông). Nốt có cao độ hơn thì GV đứng nhón gót và hai tay giơ cao. Tư thế ngồi xổm và tay chống hông thì dành cho nốt có cao độ cao hơn. HS làm đúng yêu cầu chính xác – đẹp – đều thì thầy cô cho điểm tối đa theo thang điểm 20.
Làm tốt khâu soạn giáo án
Khi soạn giáo án các trò chơi, GV cần xác định được mục tiêu và yêu cầu bài học. Các trò chơi này trước hết giúp HS khắc sâu kiến thức về bài hát, nhạc lý và âm nhạc thường thức. Không chỉ nắm vững kỹ năng biểu diễu, nghe – phản xạ với cao độ, tiết tấu mà rèn cho HS tính kỷ luật, tự tin, dạn dĩ bên cạnh tinh thần đoàn kết đồng đội và ý thức tập thể cao.
Để tránh có những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra, GV phải làm tốt khâu soạn giáo án và chuẩn bị ở nhà, dù đây là một tiết học theo hình thức trò chơi. Ngoài bảng phụ và nam châm như đã nói trên, GV cần có đàn organ, thanh phách và cả trống tambourin… Nói chung là các loại nhạc cụ tương ứng. Mỗi trò chơi nên chia giáo án thành ba cột, trong đó nhiều nhất là cột nội dung, còn hai cột hoạt động của GV và HS phía bên trái thì không cần dành nhiều. Một lưu ý nữa là mỗi trò chơi thường bổ trợ cho một phân môn như nghe giỏi – đoán tài (bổ trợ phân môn học hát), nghe cao độ – đoán hình ảnh và thể dục đồng diễn (bổ trợ cho phân môn tập đọc nhạc), đọc ký hiệu nhanh (phân môn nhạc lý), điền tên bài hát vào tên tác giả (phân môn âm nhạc). Có như vậy người dạy mới định hướng được mọi hoạt động của mình. Kết thúc tiết học, GV nhận xét và cả lớp hát bài Tiếng ve gọi hè. Trước đó là phần tổng kết điểm và trao phần thưởng cho các cá nhân và tập thể năng động và có sáng tạo trong cả tiết học.
Nguyễn Thị Ái Chiêu
(GV Trường THCS Trần Quốc Toản, Q.9)
Trò chơi vốn là nhu cầu của HS, là phương tiện giáo dục hấp dẫn. Đặc biệt tổ chức trò chơi trong tiết học âm nhạc còn nhằm tạo không khí sinh động, tạo hứng thú cho người học và tránh mọi sự nhàm chán từ HS.
|
Bình luận (0)