- 1 Học sinh thích thú khi được trải nghiệm ăn, ngủ đêm tại trường
Lần đầu tiên một trường tiểu học công lập tại TP.HCM cho học sinh mặc Pyjama (quần áo ngủ) ở trường và ngủ lại vào buổi tối. Trải nghiệm mới mẻ trên đã mang đến nhiều điều thú vị cho thầy trò và phụ huynh, tạo ra môi trường học hạnh phúc, đặc biệt là phát đi thông điệp đổi mới giáo dục trong trường công: dám nghĩ khác, làm khác.

Làn gió đổi mới giáo dục
Sáng thứ sáu, Hoàng Gia Bảo (học sinh lớp 4/1 Trường Tiểu học Phan Văn Trị, Q.1) mặc áo thun và quần jean yêu thích đến trường. Hôm nay là lần đầu tiên Gia Bảo không phải mặc đồng phục khi học, nên em rất thích thú. Tuy nhiên, sự thích thú được mong chờ nhất với Gia Bảo và nhiều học sinh trong lớp đó là hoạt động vào buổi chiều cùng ngày, sau khi kết thúc tiết học cuối cùng. “Em được mặc Pyjama ở trường, được ăn tối và ngủ đêm tại trường với các bạn. Đây là điều vô cùng mới mẻ, thú vị. Ba mẹ đã chuẩn bị cho em 1 bộ Pyjama thật đẹp, 1 đôi dép đi trong nhà và 1 chiếc khăn nhỏ, em mang sẵn đến trường từ sáng. Em rất vui khi nhà trường tổ chức hoạt động này”, Gia Bảo chia sẻ.
Ngày hội Pyjama là hoạt động giáo dục trải nghiệm lần đầu tiên được Trường Tiểu học Phan Văn Trị tổ chức, dành cho học sinh khối 2, 3, 4 của trường. Các em được khoác lên mình bộ Pyjama yêu thích ở trường, được ăn tối và ngủ cùng bạn bè tại trường. Trong ngày hội, nhà trường tổ chức nhiều trò chơi, hoạt động trải nghiệm, vận động để các em rèn luyện sức khỏe, tìm hiểu về tầm quan trọng của giấc ngủ đủ giấc… Đặc biệt, ban giám hiệu, giáo viên, bảo mẫu cũng mặc Pyjama và ở lại trường cùng học sinh. Sáng hôm sau, các em dậy vào lúc 6 giờ 15 để tập thể dục, ăn sáng và tham gia ngày hội đồng diễn…
Thầy Lê Hồng Thái (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết, ý tưởng tổ chức ngày hội xuất phát từ thực trạng học sinh tiểu học TP.HCM đa số không được ngủ đủ giấc. Hình ảnh học sinh mỗi buổi sáng đến trường ngồi sau xe ba mẹ chở “ngủ gà ngủ gật” là không hiếm. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển thể chất của trẻ mà còn là chất lượng học tập của các em tại trường. Theo nhiều nghiên cứu khoa học, ở lứa tuổi tiểu học, các em muốn phát triển thì phải ngủ đủ giấc, tốt nhất là trước 8 giờ 30 tối. Tuy nhiên, thực tế thì việc học sinh ngủ trước 8 giờ 30 tối hầu như không có, vì nhiều lý do như nhịp sống hiện đại, phụ huynh bận rộn, các em bị cám dỗ bởi ti vi, điện thoại. “Thông qua ngày hội, nhà trường muốn gửi đi thông điệp về tầm quan trọng giấc ngủ của trẻ đến phụ huynh, để phụ huynh có sự quan tâm đúng mức về giấc ngủ với sức khỏe học sinh. Nếu không ngủ đủ giấc sẽ là hệ thống “domino” dắt dây sang hôm sau: các em uể oải, học kém hiệu quả. Một giấc ngủ đủ sẽ giúp học sinh hấp thụ tốt về dinh dưỡng, đủ sức khỏe, tăng trưởng chiều cao, học tập tốt. Cũng thông qua ngày hội, nhà trường mong muốn truyền đạt đến học sinh khái niệm giấc ngủ quan trọng thế nào, cần những gì để có một giấc ngủ tốt…”, thầy Thái chia sẻ.

Theo thầy Thái, chắc chắn không thể chỉ qua một ngày hội mà có thể thay đổi hoàn toàn được thói quen của phụ huynh và học sinh về giấc ngủ, nhưng sẽ tác động đến nhận thức, từ đó thay đổi các hành động, thói quen khác. “Lần đầu tiên nhà trường tổ chức cho học sinh được ăn tối, ngủ tại trường. Khi được khoác lên mình bộ Pyjama yêu thích, học sinh nào cũng vui vẻ. Các em rất hào hứng tham gia các trò chơi vận động trong ngày hội, từ đó hình thành nền nếp, gắn kết mối quan hệ với bạn bè. Ngày hội cũng mang đến trải nghiệm mới mẻ cho học sinh trong môi trường học đường, để các em thêm yêu trường, yêu lớp, mến thầy cô, bạn bè, hạnh phúc trong mỗi ngày đến trường; đồng thời cũng tạo ra làn gió mới cho thầy cô nhà trường trong tổ chức các hoạt động giáo dục”, thầy Thái bày tỏ.
Dám nghĩ khác, làm khác
Cho học sinh tiểu học ăn, ngủ đêm tại trường là trải nghiệm có thể không hiếm ở trường quốc tế, với tư tưởng giáo dục mở hơn so với trường công lập. Tuy nhiên, trải nghiệm này trong trường công lập gần như là chưa có, chính vì vậy Ngày hội Pyjama khi vừa phát động đã nhận được sự thích thú của phụ huynh, học sinh và giáo viên vì quá độc đáo, mới lạ. “Đây là một hoạt động giáo dục có thu phí bởi nhà trường phải tổ chức ăn tối cho học sinh, chi phí quản lý học sinh, tổ chức các trò chơi… Ban đầu nhà trường chỉ đặt mục tiêu khoảng 50% học sinh khối 2, 3, 4 tham gia, nhưng số lượng phụ huynh đăng ký tham gia hơn 75%, với 175 em. Điều này cho thấy khi tổ chức các hoạt động giáo dục thì quan trọng là cần công khai, minh bạch, phụ huynh sẽ ủng hộ. Ngày hội còn được nhà trường livestream để phụ huynh ở nhà có thể biết được con em mình ở trường tham gia các hoạt động như thế nào, trải nghiệm vui vẻ ra sao. Đồng thời, nhà trường cũng mở cổng để phụ huynh được giám sát…”, thầy Lê Hồng Thái nói.
Thừa nhận ngày hội là một hoạt động khác lạ với trường công lập, thầy Thái nhìn nhận, để hình thành được “văn hóa làm những điều mà trường công chưa bao giờ làm” thì trước hết người hiệu trưởng phải có tính tiên phong, dám làm và nhất là cần tạo được sự đồng lòng, ủng hộ từ đội ngũ và phụ huynh. Thầy Thái dẫn chứng: Để tổ chức cho 175 học sinh ăn, ngủ đêm tại trường cần đến 30 giáo viên, bảo mẫu, nhân viên ở lại cùng với học sinh. Nhà trường phải bố trí 3 phòng ngủ lớn, chia theo độ tuổi và giới tính học sinh…
Đồng thời, thầy Thái phân tích, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 rất mở, trao quyền chủ động cho hiệu trưởng nhà trường khi thực hiện. Tùy mỗi trường với những đặc thù riêng về đội ngũ, học sinh, phụ huynh sẽ có hướng phát triển khác nhau, tạo ra nét riêng biệt khác nhau, thế mạnh khác nhau. Chương trình thoáng hơn về cơ chế, đồng thời cũng mở về hướng đánh giá kiểm tra. Giáo viên sẽ căn cứ vào chuẩn năng lực học sinh để điều chỉnh các hoạt động dạy học. Đây chính là hàng lang pháp lý tạo điều kiện cho mỗi nhà trường sáng tạo, mạnh dạn chủ động định hướng chiến lược phát triển cho nhà trường. “Tâm lý của trường công vẫn còn nhiều e dè khi tổ chức các hoạt động “mới toanh”, bước ra ngoài hành lang an toàn. Để có thể bước ra ngoài vùng an toàn đó thì không gì khác người hiệu trưởng phải dám nghĩ khác, làm khác, để mang đến những trải nghiệm hạnh phúc cho học sinh. Với chương trình mới, trường công lập hoàn toàn có thể tiệm cận được với trường quốc tế thông qua những hoạt động giáo dục mở, học sinh và phụ huynh cùng tham gia, trải nghiệm”, thầy Thái nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)