Bún bò, cơm tấm, nui xào bò, thậm chí cả… bún đậu mắm tôm, món chay đầu tháng là những món ăn xuất hiện trong thực đơn bữa ăn bán trú ở nhiều trường THPT tại TP.HCM được học sinh thích thú “khoe” trên các diễn đàn đã tạo ra làn sóng “khoe” cơm bán trú rộng khắp thành phố.
Hình ảnh những bữa ăn bán trú đầy đặn được học sinh “khoe” không chỉ giúp phụ huynh thêm an tâm mà qua đó còn trở thành kênh giám sát để từng trường phải luôn nâng cao hơn nữa chất lượng bữa ăn bán trú.
Hôm nay trường bạn ăn món gì?
Suất cơm trưa bán trú tại căng tin Trường THPT Võ Văn Kiệt (Q.8) với giá 34.500 đồng được học sinh nhà trường thích thú “khoe” có bún đậu mắm tôm; bữa có mực xào; bữa lại có cà ri chay, mì gà tiềm… Sự đa dạng trong món ăn khiến học sinh nhiều trường khác phải ao ước. “Ôi, lần đầu mới thấy có cả bún đậu mắm tôm trong bữa ăn bán trú. Ước gì bữa trưa bán trú trường mình cũng có món này”, Tuấn Anh (một học sinh trên địa bàn TP.HCM) chia sẻ. Còn Như Ngọc (một học sinh khác) bày tỏ: “Bữa ăn bán trú quá xịn, quá đã, như này muốn đi học ở trường cả tuần luôn”.
Tương tự, suất ăn trưa bán trú của Trường THPT Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) với giá 34.000 đồng có tới 4 món mỗi ngày, gồm 2 món mặn, 1 món xào và canh, tráng miệng khiến học sinh rất thích. Vì giá suất ăn không những “mềm” mà đồ ăn lại rất chất lượng.
Trong khi đó, bữa ăn bán trú tại Trường THPT Nguyễn Huệ (TP.Thủ Đức) với trứng rán, chả chiên, rau xào, canh và chuối cau tráng miệng vừa được học sinh nhà trường “khoe” trên diễn đàn ngay lập tức “đốn tim” học sinh nhiều trường THPT khác. Sau mỗi bài đăng “khoe” bữa cơm bán trú là có hàng trăm lượt bình luận từ phía học sinh, thậm chí cả phụ huynh. Cũng giống như học sinh, nhiều phụ huynh tỏ ra thích thú, hào hứng với những món ăn bán trú đầy đặn, đa dạng, đảm bảo dinh dưỡng từ phía nhà trường. Không ít phụ huynh ủng hộ trào lưu “khoe” bữa ăn bán trú này của học sinh thành phố.
Có con đang học lớp 10 tại một trường THPT trên địa bàn Q.3, bà Hoàng Thanh chia sẻ, tôi thấy các cháu hào hứng “khoe” bữa ăn bán trú ở trường mình như thế này, phụ huynh càng thêm an tâm. Hình ảnh thực tế và sự cảm nhận của các cháu là minh chứng thật nhất về chất lượng bữa ăn bán trú của từng trường THPT. “Tôi cho rằng những chia sẻ của học sinh chính là sự đánh giá và giám sát thực chất nhất về bữa ăn bán trú. Giữa rất nhiều bất an khi học sinh ăn bán trú tại trường thì những đánh giá về chất lượng bữa ăn của các cháu, phụ huynh thấy an tâm, nhẹ nhõm hơn”, bà Hoàng Thanh bày tỏ.
Kênh giám sát để nhà trường nâng cao chất lượng bữa ăn
Tiếp nhận thông tin từ phía học sinh khen bữa ăn bán trú của trường, thầy Hoàng Công Phú (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Lộc B) cho hay, cả hội đồng sư phạm nhà trường cứ vui mãi.
Thầy Phú cho biết, năm học này, tiền ăn bán trú của trường tăng thêm 2.000 đồng/suất, với mức giá là 34.000 đồng. Nhà trường có khu vực riêng để ăn bán trú, với học sinh nam – nữ riêng; nấu ăn bán trú ngay tại trường nên cơm, thức ăn và canh lúc nào cũng nóng khi đến tay học sinh. Không chỉ có cơm, canh mà cả đồ ăn mặn, nhà trường đều phục vụ học sinh theo nhu cầu, các em xin thêm đều có. “Khu vực ngoại thành nên giá cả cũng phải chăng hơn, vì thế là thuận lợi để nhà trường đa dạng các món ăn và thực đơn bán trú hàng ngày cho học sinh. Trong từng bữa ăn, giáo viên phục vụ bán trú đều ghi nhận những thông tin, phản hồi của học sinh về chất lượng món ăn, qua đó nhà bếp sẽ có sự điều chỉnh kịp thời như về độ mặn, nhạt của món ăn, về thực đơn bữa ăn…”, thầy Phú nói.
Thầy Phú cho biết thêm, sự thích thú, hào hứng của học sinh khi “khoe” các món ăn bán trú của trường với bạn bè trường khác chính là sự ghi nhận thực chất nhất của các em trước nỗ lực tổ chức bữa ăn bán trú của nhà trường. Nhà trường không cấm học sinh sử dụng điện thoại chụp bữa ăn bán trú, coi đây là một trong những kênh giám sát để nhà trường cố gắng nâng cao hơn nữa chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh.
Hàng ngày, vào bữa ăn bán trú, Ban Giám hiệu Trường THPT Tenlơman (Q.1) lại chia nhau đi từng khu vực để quan sát, ghi nhận tình hình học sinh ăn bán trú. Những góp ý, phản ánh của học sinh đều được ghi lại để nhà trường trao đổi, làm việc với đơn vị cung cấp suất ăn, qua đó có những điều chỉnh hợp lý. Thầy Nguyễn Hùng Khương (Hiệu trưởng Trường THPT Tenlơman) chia sẻ, mọi trao đổi của học sinh, dù là nhỏ nhất, nhà trường cũng đều lắng nghe, ghi nhận. Tiếng nói của học sinh về bữa ăn bán trú được nhà trường xem là những góp ý hữu ích nhất để nâng cao hơn nữa chất lượng bữa ăn bán trú phục vụ các em mỗi ngày. “Trong tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh, để đảm bảo chất lượng thì cần đến sự chung tay của cả nhà trường, phụ huynh và đơn vị cung cấp suất ăn bán trú. Do vậy, trong mọi vấn đề liên quan đến bữa ăn bán trú, nhà trường đều có sự trao đổi công khai, thẳng thắn với học sinh, với sự cam kết từ phía đơn vị cung ứng suất ăn cho nhà trường”, thầy Khương cho biết.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng nhấn mạnh, chất lượng bữa ăn bán trú luôn được phụ huynh, xã hội và ngành giáo dục đặc biệt quan tâm. Sở GD-ĐT TP.HCM luôn sẵn sàng tiếp nhận những thông tin phản ánh của phụ huynh, học sinh về chất lượng bữa ăn bán trú tại các trường học trên địa bàn thành phố, xem đây là kênh hữu ích để ngành giáo dục nâng cao hơn nữa công tác kiểm tra giám sát, nâng cao hơn nữa chất lượng tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh, chăm sóc sức khỏe học sinh. “Phụ huynh học sinh thành phố hãy thẳng thắn trao đổi, góp ý, phản ánh trực tiếp với nhà trường, với ngành giáo dục về chất lượng bữa ăn bán trú, cùng ngành nâng cao hơn nữa hiệu quả chăm sóc sức khỏe học sinh”, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM bày tỏ.
Ông Dũng đồng thời yêu cầu các nhà trường phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong tổ chức bữa ăn bán trú. Việc công khai, giải trình với phụ huynh về chất lượng bữa ăn bán trú phải được sát sao hơn qua nhiều hình thức như: công khai thực đơn bữa ăn; tạo điều kiện để ban đại diện cha mẹ học sinh được cùng tham gia đóng góp ý kiến trong tổ chức bữa ăn bán trú; truy xuất nguồn gốc thực phẩm, kiểm tra nguồn nguyên liệu đầu vào với những bếp ăn tại trường…
Bài, ảnh: Yến Khương
Bình luận (0)