Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Học sinh thích thú trải nghiệm trò chơi dân gian khi thi Văn hay chữ tốt

Tạp Chí Giáo Dục

Gần 100 học sinh đến từ 14 trường THCS quận Tân Bình đã được trực tiếp trải nghiệm các trò chơi dân gian như ô ăn quan, banh đũa, nhảy lò cò, nhảy dây, ném còn khi làm bài thi Văn hay chữ tốt, sáng 16-10.

Trải nghiệm trò chơi dân gian là một trong 2 yêu cầu bắt buộc được đặt ra trong đề thi Văn hay chữ tốt cấp quận năm học 2024-2025 được quận Tân Bình tổ chức.

Các trò chơi dân gian được “bày” ở ngay sân Trường THCS Tân Bình. Với 5 gian hàng trò chơi dân gian: ô ăn quan, banh đũa, nhảy lò cò, nhảy dây, ném còn, học sinh sẽ có thời gian 60 phút trải nghiệm, tìm hiểu về trò chơi.

Học sinh chơi ô ăn quan

Tú Quỳnh (học sinh lớp 8, Trường THCS Trường Chinh) hào hứng cho biết đây là lần đầu tiên bạn được trực tiếp trải nghiệm những trò chơi dân gian truyền thống đầy thú vị.

Bạn chia sẻ: “Em rất ngạc nhiên khi cuộc thi Văn hay chữ tốt năm nay mang đến trải nghiệm vô cùng thú vị về trò chơi dân gian. Trong bối cảnh các thiết bị công nghệ số đang dần chiếm sóng những trò chơi tương tác thực tế và gần như vắng bóng các trò chơi dân gian thì việc đưa các trò chơi dân gian vào nhà trường là hết sức cần thiết. Em hy vọng, không chỉ dừng ở cuộc thi mà các trò chơi dân gian sẽ được tái hiện trong trường, để chúng em được cùng nhau vui chơi, trải nghiệm, tuổi thơ sẽ thêm nhiều ý nghĩa”.

Cùng nhau chơi trò chơi banh đũa

Sau khi kết thúc phần trải nghiệm trò chơi dân gian ở sân trường, thí sinh sẽ làm bài thi sáng tạo trong đề thi Văn hay chữ tốt, chất liệu bài thi được lấy từ chính trải nghiệm của học sinh.

Đề thi Văn hay chữ tốt dành cho học sinh khối 6, 7 với yêu cầu sau:

Câu 1: “Nếu được lựa chọn một trong các trò chơi dân gian mà em vừa trải nghiệm sáng nay để tổ chức cho các bạn cùng trường tham gia vào mỗi giờ ra chơi (nhằm lan tỏa những giá trị tốt đẹp của trò chơi dân gian trong môi trường học đường” thì em sẽ chọn trò chơi nào? Hãy lý giải lý do em chọn trò chơi đó. (Trả lời trong 80-100 chữ).

Câu 2: Trò chơi dân gian không chỉ lưu giữ truyền thống văn hóa dân tộc mà còn giúp mọi người – mọi lứa tuổi – trải nghiệm niềm vui không giới hạn. Những trò chơi dân gian đầy tính vận động và trí tuệ luôn hấp dẫn, vô cùng thú vị với trẻ em. Qua những trải nghiệm sáng nay chắc hẳn em cũng cảm nhận được điều đó. Hãy viết bài văn với nhan đề: “Một trải nghiệm đáng nhớ” để kể lại trải nghiệm thú vị mà sáng nay em đã trải qua.

Trò chơi nhảy dây

Yêu cầu của đề thi Văn hay chữ tốt dành cho học sinh khối 8, 9, như sau:

Câu 1: Sau buổi tham gia trải nghiệm các trò chơi dân gian sáng nay, nếu nhà trường muốn em hiến kế một giải pháp giúp giữ gìn và phát huy giá trị của trò chơi dân gian trong môi trường học đường thì em sẽ đề xuất giải pháp nào? Vì sao em đề xuất như vậy? (Trả lời 80-100 chữ).

Câu 2: Trò chơi dân gian không chỉ góp phần làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc mà còn mang đến cho con người nhiều giá trị hữu ích. Qua những trải nghiệm sáng nay, chắc hẳn em cũng cảm nhận được điều đó. Nhưng ngày nay, các thiết bị trò chơi điện tử dần chiếm lĩnh nhu cầu giải trí của con người. Do đó, các trò chơi dân gian dần mai một trong cuộc sống.

Có ý kiến cho rằng cần giữ gìn và phát huy giá trị của trò chơi dân gian trong môi trường học đường, nhất là tổ chức cho học sinh tham gia các trò chơi dân gian trong các giờ giải lao, để nâng cao thể chất, trí tuệ, tinh thần đoàn kết cho người chơi, đồng thời góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Em có đồng tình với ý kiến trên không? Viết bài nghị luận với nhan đề: “Hãy giữ gìn và phát huy giá trị của trò chơi dân gian” để trình bày câu trả lời của em.

Những trải nghiệm từ trò chơi được đưa vào bài thi

Bồi đắp tâm hồn đẹp cho học sinh

Theo ông Nguyễn Đức Anh Khoa – Phó phòng GD-ĐT quận Tân Bình, Văn hay chữ tốt là sân chơi thường niên cho học sinh yêu thích về văn chương, nghệ thuật viết chữ. Năm nay, lần thứ 25, cuộc thi đề cập đến trải nghiệm về trò chơi dân gian với mong muốn không chỉ giúp học sinh hoàn thành bài thi mà thông qua những trải nghiệm còn mang đến cho học sinh những hiểu biết và tình yêu với văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc, hướng tới mục tiêu phát triển phẩm chất năng lực học sinh theo Chương trình GDPT 2018.

“Cuộc sống hiện đại học sinh chủ yếu chơi các trò chơi công nghệ, qua điện thoại, thiết bị thông minh. Các trò chơi dân gian dần bị mai một, học sinh ít có cơ hội được trải nghiệm, nhất là học sinh thành phố. Khi đưa trò chơi dân gian vào cuộc thi là một cách để học sinh được trải nghiệm, qua đó các em sẽ thêm hiểu, thêm yêu các nét văn hóa dân tộc. Một cách bao quát hơn, cuộc thi sẽ mang thêm những giá trị xã hội, vừa giúp giáo dục học sinh, hình thành tư duy, thể hiện góc nhìn đa dạng của các em vào trong bài thi một cách chân thực nhất” – ông Khoa phân tích.

Cô Đỗ Việt Quỳnh Anh (Tổ trưởng Tổ ngữ văn, Trường THCS Tân Bình, quận Bình Tân) đánh giá, việc được trải nghiệm các trò chơi dân gian trong cuộc thi Văn hay chữ tốt năm nay là những trải nghiệm cực kỳ thú vị và ý nghĩa với mỗi học sinh.

Lần đầu tiên trò chơi dân gian được tái hiện trong cuộc thi Văn hay chữ tốt

Trong Chương trình GDPT 2018, môn ngữ văn lớp 7 cũng có bài “Thuyết minh về một trò chơi dân gian mà các em yêu thích”. Tuy nhiên, bối cảnh công nghệ số hiện nay, rất nhiều học sinh chưa từng được tìm hiểu và trải nghiệm trò chơi dân gian.

“Trải nghiệm tuổi thơ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển, hoàn thiện nhân cách mỗi người. Vì thế, khi được trải nghiệm, được sống cùng với những trò chơi dân gian sẽ là cách để bồi đắp tâm hồn học sinh, vun bồi cho các em thêm về tình yêu quê hương, đất nước. Khi có tâm hồn đẹp thì các em sẽ có góc nhìn nhân văn, truyền thống, hình thành cho các em thêm những góc nhìn, cảm nhận để viết văn” – cô Quỳnh Anh nhìn nhận.

Yến Hoa

Bình luận (0)