Vừa qua, học sinh THPT tại TP.HCM đã có một kỳ thi học kỳ I nhẹ nhàng nhưng chất lượng. Điểm đặc biệt của kỳ thi này là rất nhiều kiến thức “nóng hổi” từ thực tế như bóng đá, cơn bão số 9 đến tai nạn giao thông đã được đưa vào đề một cách khéo léo khiến học sinh không khỏi thích thú.
Đề thi môn vật lý khối 10 tại Trường THPT Trần Khai Nguyên
Vừa qua, học sinh khối 10 của Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) vô cùng bất ngờ khi đề thi học kỳ I môn hóa học xuất hiện những thông tin về đội tuyển bóng đá Việt Nam vô địch AFF Cup 2018 sau “10 năm chờ đợi, 10 năm tin yêu và hy vọng” cùng với đó là hình ảnh cầu thủ Quang Hải đang được các nhân viên y tế chăm sóc vết thương trong trận đấu với Malaysia. Yêu cầu của câu hỏi đưa ra là tìm các loại liên kết để tạo nên thành phần bình xịt tê giảm đau mà đội ngũ y tế đã hỗ trợ cho Quang Hải.
Tác giả của đề thi này, thầy Phạm Lê Thanh (giáo viên môn hóa học của trường) cho biết ý tưởng của việc đưa thông tin về đội tuyển bóng đá Việt Nam vào đề thi môn hóa học xuất phát từ khuyến khích của Ban Giám hiệu nhà trường mong muốn có thể lồng ghép được tinh thần và hình ảnh của các cầu thủ vào đề thi, mang đến sự nhẹ nhàng, gần gũi và tạo hứng thú cho học sinh trong quá trình làm bài. “Từ chi tiết, hình ảnh tưởng như không liên quan đến môn học nhưng lại giúp các em hiểu rằng hóa học không hề xa lạ, khô khan mà nó chính là cuộc sống, hiện diện ngay trong cuộc sống hàng ngày”, thầy Thanh chia sẻ.
Ngoài môn hóa học, tại Trường THPT Nguyễn Du, sự kiện đội tuyển bóng đá Việt Nam vô địch AFF Cup 2018 cũng là nội dung của câu hỏi trong đề thi học kỳ I môn ngữ văn khối 12. Với yêu cầu “Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự cống hiến hết mình của những cầu thủ vừa đăng quang ngôi vô địch AFF Cup 2018…”, đã nhận được những phản hồi vô cùng tích cực từ phía học sinh.
“Sự kiện đội tuyển bóng đá Việt Nam đăng quang AFF Cup sau 10 năm đằng đẵng đã mang đến cảm xúc cho hàng triệu trái tim người hâm mộ bóng đá. Vì vậy, khi hình ảnh đội tuyển được đưa vào đề thi em cảm thấy thật sự rất ấn tượng. Đề thi cũng là dịp để chúng em được trải lòng mình với chiến thắng lịch sử này”, Minh Đức (lớp 12A1) bày tỏ.
Chia sẻ về việc đưa chiến thắng của đội tuyển bóng đá Việt Nam vào đề thi, cô Nguyễn Thị Kiều Oanh (Tổ trưởng Tổ ngữ văn của trường) cho rằng văn học chính là cuộc sống, hành trình chiến thắng của các cầu thủ trẻ là hành trình chinh phục và truyền lửa cho thế hệ trẻ, sẽ mang đến cho các em những bài học về sự cống hiến và cố gắng.
Vẫn là hình ảnh đội tuyển bóng đá Việt Nam trong trận chung kết AFF Cup 2018 vừa qua nhưng ở đề thi môn lịch sử khối 12 tại Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3), yêu cầu của đề thi được nhắc đến một cách rất… lịch sử. “Từ hình ảnh trong trận chung kết lượt đi AFF Cup giữa đội tuyển Việt Nam và Malaysia. Theo em, việc gia nhập vào ASEAN sẽ mang lại cho các cổ động viên bóng đá các nước những thuận lợi và thách thức gì?”.
“Giữa dư âm của cúp vô địch còn đang rạo rực, hy vọng rằng đề thi sẽ giúp giảm tải bớt những áp lực cho học sinh cuối cấp. Đồng thời đưa các em làm quen với cách ra đề thi theo hướng thực tế để quen với cách tư duy, sáng tạo, vận dụng kiến thức vào thực tế”, thầy Nguyễn Viết Đăng Du (Tổ trưởng Tổ lịch sử của trường, tác giả đề thi “lạ”) nhấn mạnh.
Đề thi môn hóa học khối 10 tại Trường THPT Nguyễn Du
“Chưa bao giờ em cầm đề thi mà thấy thích thú như lần này. Vẫn là các kiến thức đã được học nhưng lại được vận dụng vào chính thực tế cuộc sống hàng ngày”, một học sinh Trường THPT Trần Khai Nguyên bày tỏ. |
Không là hình ảnh đội tuyển bóng đá Việt Nam nhưng học sinh khối 11 tại Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5) cũng hết sức bất ngờ và có phần bối rối khi… GoViet, Grab cùng cơn bão số 9 được đưa vào đề thi môn giáo dục công dân. Theo đó, với thông tin GoViet chiếm 10% thị phần vận tải tại TP.HCM khiến đối thủ cạnh tranh là Grab phải tung ra nhiều ưu đãi để chạy đua, đề đưa ra yêu cầu học sinh cho biết mục đích của Grab và GoViet cạnh tranh nhau. Trong khi đó, cơn bão số 9 lại được khéo léo đưa vào câu số 2 trong đề thi với vấn đề đặt ra là giá thịt heo tăng gấp đôi do bão thì: “Bản thân em sẽ xử lý như thế nào để vẫn số tiền đó nhưng vẫn đủ thức ăn và dinh dưỡng cho cả gia đình như thường ngày? Trong trường hợp này, mối quan hệ cung – cầu về thịt heo đang diễn ra như thế nào?”.
“Chưa bao giờ em cầm đề thi mà thấy thích thú như lần này. Vẫn là các kiến thức đã được học nhưng lại được vận dụng vào chính thực tế cuộc sống hàng ngày”, một học sinh bày tỏ.
Khác với đề môn giáo dục công dân, học sinh khối 10 của trường lại được một phen “tính tới tính lui” với đề môn vật lý qua vụ tai nạn giữa xe đầu kéo chở 10 bó sắt chạy trên quốc lộ 51, hướng từ huyện Long Thành và TP.Biên Hòa (Đồng Nai) thì bất ngờ thắng gấp khi có một xe ba gác vượt đèn đỏ băng qua đường khiến 10 bó sắt trượt về phía trước, đẩy cabin giộng mạnh xuống mặt đường khiến tài xế và lơ xe bị mắc kẹt. Đề thi yêu cầu học sinh giải thích vì sao tài xế thắng gấp, các bó sắt lại trượt tới trước và đưa ra những biện pháp phòng tránh tai nạn tương tự xảy ra cho những xe chở vật liệu nặng.
Theo thầy Ngô Hùng Cường (Phó Hiệu trưởng nhà trường), những kiến thức thực tế được đưa vào đề thi không chỉ mang đến cho học sinh sự hào hứng, mà còn cho các em thấy được sự gần gũi giữa các môn học với đời sống, theo quan điểm “học đi đôi với hành”. Từ đó còn khuyến khích học sinh biết chủ động nắm bắt những thông tin từ chính cuộc sống hàng ngày để rút ra các bài học và kiến thức cho bản thân.
Quang Long
Bình luận (0)