Theo đó, học sinh THPT chuyên thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội trúng tuyển vào bậc ĐH tại các trường ĐH, khoa trực thuộc có thể được miễn một số học phần đặc thù đã học nâng cao ở bậc THPT. Thủ trưởng các đơn vị đào tạo ĐH quy định học phần được miễn học đối với từng ngành đào tạo và từng đối tượng học sinh chuyên theo các tiêu chí môn học (được nâng cao) ở THPT tương đương với học phần ở bậc ĐH hoặc môn học ở THPT đáp ứng chuẩn đầu ra của học phần ở bậc ĐH. Căn cứ đề xuất của bộ môn chuyên môn, thủ trưởng các đơn vị đào tạo ĐH quy định cách thức chuyển đổi kết quả đánh giá cho các học phần được miễn học tương ứng ở bậc ĐH.
Quyết định cũng quy định học sinh THPT của ĐH Quốc gia Hà Nội và học sinh THPT chuyên trong cả nước bắt đầu từ kỳ 2 lớp 11 được đăng ký học tích lũy trước một số học phần thuộc ngành đào tạo ĐH của ĐH Quốc gia Hà Nội nếu đảm bảo các điều kiện có kết quả học tập tối thiểu loại Giỏi trở lên ở năm học, kỳ học trước; được Hiệu trưởng trường THPT học sinh đang theo học và đơn vị đào tạo ĐH đồng ý bằng văn bản.
“Sống thử” để hướng nghiệp?
Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho phép học sinh THPT chuyên của ĐH Quốc gia Hà Nội và học sinh THPT chuyên trên cả nước đăng ký học các học phần thuộc chương trình của tất cả các ngành đào tạo trong trường. Theo đó, những học phần, môn học gần với môn chuyên của học sinh, gần với hướng nghiên cứu sâu mà học sinh đang muốn đi sâu tìm hiểu hoặc có định hướng theo đuổi nghề nghiệp tương lai thì các em đều có thể đăng ký.
Tuy nhiên, tùy theo sắp xếp của chương trình ĐH, có những học phần phải học trước thì mới tiếp tục học các học phần tiếp theo. Điều này sẽ được nhà trường tư vấn khi học sinh đăng ký.
TS Lê Công Lợi, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết đã có một số học sinh đăng ký theo học. Tuy nhiên, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chương trình đào tạo dành cho các em chưa thực hiện được.
Theo TS Lợi, ở các nước phát triển, từ lâu đã cho phép học sinh phổ thông có thể tham gia học một số học phần của trường ĐH hoặc học vượt lớp. Ở Việt Nam, rất ít cơ sở giáo dục ĐH triển khai việc này. TS Lê Công Lợi cho rằng việc học trước một số học phần của ĐH giúp học sinh có thể rút ngắn thời gian học ĐH. Nhưng quan trọng hơn, học sinh được trải nghiệm với ngành học từ khi còn ở phổ thông để từ đó đưa ra quyết định có nên tiếp tục theo đuổi ngành học nào đó hay từ bỏ khi vào ĐH. Ông Lợi cũng cho hay, ở một số nước còn cho phép học sinh có một khoảng thời gian nhất định “học thử” ĐH để học sinh lựa chọn ngành học cũng như giảng viên phù hợp. Theo cơ chế thì học sinh THPT chuyên cả nước đều có thể đăng ký học chương trình ĐH của ĐH Quốc gia Hà Nội nếu đảm bảo các điều kiện bắt buộc. Nhưng sẽ có nhiều cái vướng. Cụ thể học sinh chuyên ở các tỉnh sẽ khó theo đuổi việc học ĐH như trên nếu các trường chỉ đào tạo trực tiếp, không có hình thức trực tuyến.
Thông tin từ trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết hiện đã cho mở một lớp bên trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên. Theo dự báo của trường. chương trình này dành cho một số ít học sinh có khả năng tự học vượt trội nên chưa có ý định mở rộng phạm vi.
Còn tại trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, học sinh chuyên đầu tiên đã đăng ký các học phần ĐH của trường là Ngô Quý Đăng, học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên. Hai năm trước, Ngô Quý Đăng từng được biết đến là học sinh lớp 10 đầu tiên trên cả nước giành huy chương vàng quốc tế môn toán. Em đăng ký và đang học hai học phần là đại số tuyến tính và giải tích với thời gian học không ảnh hưởng đến chương trình học ở trường chuyên. Là một học sinh đam mê toán, những lựa chọn mới của Đăng cũng nằm trong định hướng của em muốn học và nghiên cứu chuyên sâu về toán. Ngoài Ngô Quý Đăng, hiện có một số học sinh chuyên khác cũng đăng ký học các học phần của trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội.
Tại trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, từ năm 2019 đã cho phép học sinh đăng ký học trực tuyến chính thức môn học nhập môn kỹ sư ngành. Hiện nay, học sinh nào có nhu cầu sẽ được đăng ký với nhà trường để học chương trình này.
Môn học nhập môn có trong chương trình đào tạo của trường với hai tín chỉ, gồm nhiều nội dung giới thiệu tổng quát chương trình ĐH, trang bị kiến thức, kỹ năng giúp người học biết được sẽ học các môn học nào, cần năng lực gì, định hướng nghề nghiệp… Học môn này giúp các em học sinh chọn ngành đúng.
Kết thúc môn học, học sinh sẽ thi hết môn nếu đậu sẽ được nhà trường công nhận điểm và sẽ được nhà trường miễn môn học này khi chọn học tại trường.
Quy định của Bộ GD&ĐT trong hoạt động của trường THPT chuyên là khuyến khích các trường kết nối chặt chẽ với các viện nghiên cứu, trường ĐH để sử dụng tài nguyên của trường ĐH (giảng viên, phòng thí nghiệm) cho việc bồi dưỡng nhân tài, cho phép những học sinh tài năng được học vượt tuổi. |
Bình luận (0)