Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Học sinh THPT với sân chơi cuối năm: Giáo dục học sinh biết chia sẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh sinh hoạt hội trại

Những ngày cuối năm rơi vào thời điểm kết thúc học kỳ I, thời điểm để các trường tổ chức nhiều hoạt động, trong đó nổi bật vẫn là các hội trại, đêm văn nghệ gây quỹ giúp bạn nghèo.
Cùng chơi, cùng học, cùng gắn bó
Theo ghi nhận, năm học 2009-2010, Trường THPT Nguyễn Hữu Tiến tổ chức các hoạt động dành cho học sinh bằng hình thức “vui để học” khá sớm với tên gọi của cuộc thi “Đường đến Olympia”. Theo cô Đào Thị Kim Nhi, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Tỉ lệ học lực xếp loại trung bình của học sinh lớp 10 khá cao, đòi hỏi nhà trường phải tìm nhiều biện pháp để nâng chất lượng giáo dục, trong đó có hình thức hoạt động học mà chơi và chơi mà học để lôi cuốn các em. Đồng thời, thông qua đó còn nâng trình độ đội ngũ. Hoạt động “Đường đến Olympia” không nằm ngoài mục đích đó. “Sân chơi này là một phiên bản của game show “Đường lên đỉnh Olympia” của VTV. Kiến thức kiểm tra nằm trong chương trình của từng khối lớp. Tôi nhận thấy hình thức hoạt động này rất lôi cuốn cả thầy lẫn trò, chất lượng giáo dục chuyển biến khá tốt”.
Trường THPT Nguyễn Hữu Huân cũng tổ chức ôn tập vui chơi và kiểm tra kiến thức qua trò chơi “Em tìm hiểu khoa học”. Trong khi đó, nhiều trường khác chọn hình thức Hội trại cuối năm như các trường THPT: Mạc Đĩnh Chi, Bình Phú, Nguyễn Khuyến, chuyên Lê Hồng Phong. Thầy Nguyễn Xuân Thảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến cho biết: “Hội trại cuối năm dành cho học sinh khối 12 nhằm tạo thêm sự gắn kết giữa học sinh toàn khối. Trong ngày Hội trại mừng Xuân, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, văn nghệ và kiểm tra kiến thức”. Tham dự nhiều hội trại, chúng tôi nhận thấy không khí luôn sôi nổi và tâm trạng luôn háo hức của các trại viên. Em Minh Loan, (học sinh lớp 12, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi) bày tỏ: “Em rất thích những hoạt động mang tính cộng đồng cao. Tại đây tính tập thể thể hiện rất rõ nét. Điều thú vị là ngay trong thời gian diễn ra hội trại, chúng em tham gia nhiều hoạt động. Những hoạt động này diễn ra liên tục. Chính điều đó tự thân mỗi thành viên chúng em phải biết ý thức để chia sẻ cùng nhau”.
Chia sẻ với học sinh nghèo
Ngay thời điểm những ngày cuối năm, một số trường chọn hình thức hoạt động bằng cách tổ chức đêm văn nghệ gây quỹ. Tối 30-1-2010, Trường THPT Bình Phú đã làm một đêm văn nghệ hoành tráng có cả đơn vị tài trợ. Số tiền thu được ngay trong đêm văn nghệ từ việc bán vé và sự đóng góp của mạnh thường quân lên đến gần 20 triệu đồng. Thầy Trần Văn Việt, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Tôi nghĩ rằng đối với học sinh, chúng ta không chỉ cung cấp kiến thức mà phải giáo dục các em biết chia sẻ với bạn bè còn khó khăn, với những mảnh đời bất hạnh… Chúng ta phải hướng các em đến với cộng đồng. Chính vì vậy, mỗi dịp Xuân về nhà trường đều tổ chức văn nghệ gây quỹ xây nhà tặng bạn nghèo. Số tiền thu được, nhà trường gởi về cho chính quyền quận 6 để xây tặng nhà cho học sinh nghèo”. Trường THPT Quốc tế Việt Úc (SIC) tổ chức thăm và tặng quà Tết cho các trẻ em mồ côi, bất hạnh. Còn Trường THPT Phan Đăng Lưu hầu như năm nào cũng tổ chức văn nghệ gây quỹ tặng những học sinh nghèo của trường. Theo thầy Trần Hường (Phó hiệu trưởng nhà trường): “Tổ chức văn nghệ có bán vé để gây quỹ nên phải làm nghiêm túc không thể làm để cho có. Hoạt động này diễn ra hàng năm nên muốn các em tham gia ủng hộ đòi hỏi chương trình của đêm văn nghệ phải hay, phong phú và mới lạ lẫn độc đáo”. Trường THPT Thanh Đa chia sẻ học sinh nghèo của trường mình bằng cách tạo nguồn quỹ ngay từ đầu năm học để làm quà tặng cho học sinh nghèo.
Dù mỗi trường có một cách làm riêng nhưng tựu trung vẫn vì quyền lợi của học sinh. Những hoạt động này không chỉ làm ấm áp thêm những mảnh đời học sinh khó khăn mà còn giáo dục các em về truyền thống “Lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt.
Bài, ảnh: T.T.Q

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)