Hầu hết các bậc phụ huynh đều thích con tròn trịa một chút; thấy con ăn nhiều là mừng… Kết quả là tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì đang ngày càng tăng. Tại TP.HCM, thống kê của Sở GD-ĐT cho thấy, tỷ lệ béo phì ở học sinh (HS) dao động từ 15-32% tùy theo cấp học, khu vực…
Giờ ăn tại một trường mầm non. Ảnh: T.Đỗ
Trường nào cũng có học sinh… béo
35/463 trẻ thừa cân, béo phì là con số được thống kê tại Trường Mầm non 14 (Q.Tân Bình) trong năm học 2020-2021.
“Hàng tháng, nhà trường đều tổ chức kiểm tra sức khỏe như đo cân nặng, chiều cao cho trẻ; căn cứ vào biểu đồ theo dõi cân nặng và chiều cao để kiểm tra và sàng lọc đối tượng trẻ thừa cân, béo phì, từ đó có chế độ dinh dưỡng và vận động phù hợp”, cô Phan Thị Ánh Hiệp – Hiệu trưởng nhà trường – cho biết.
Còn tại Trường TH An Bình (TP.Thủ Đức), năm học 2020-2021 có tới 200/700 HS thừa cân, béo phì (gần 30%). Cô Phạm Thị Thùy Trang – Hiệu trưởng nhà trường – cho hay: “Tỷ lệ HS tiểu học thừa cân, béo phì gia tăng theo từng năm học đến từ nhiều nguyên nhân, chủ yếu từ chế độ ăn uống, vận động, chế độ sinh hoạt tại gia đình. Về chế độ ăn uống, do các em có thói quen ăn quá nhiều tinh bột, chất béo, thiếu chất xơ và nước lọc. Về chế độ vận động, HS hiện nay rất thụ động, các em ngại vận động và thích ngồi một chỗ chơi game, xem điện thoại…”, cô Trang nói.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP, hiện nay tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em tại nội thành đã vượt ngưỡng 50%. Trong đó, tỷ lệ béo phì ở tiểu học cao nhất với hơn 51%, THCS là gần 35%, THPT gần 19%. Ở bậc mầm non, tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì tăng dần đều trong giai đoạn 2015-2020, riêng năm học 2019-2020 có gần 22.000 trẻ thừa cân, béo phì (gần 7%).
Phó Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Hữu Hưng cảnh báo, tỷ lệ HS thừa cân, béo phì trên toàn TP còn rất cao và chưa có dấu hiệu giảm. Tỷ lệ này tùy theo từng cấp học, dao động từ 15-32%. Hàng năm, Sở Y tế đều phối hợp với UBND các quận, huyện tập huấn cho nhân viên y tế học đường thực hành dinh dưỡng, cung cấp tài liệu để tăng cường dinh dưỡng một cách cân đối. Song do thói quen và quan niệm của phụ huynh nên việc kéo giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ còn thấp. Sắp tới việc này sẽ được làm nhiều hơn, mạnh mẽ hơn để tiến tới khống chế và giảm tỷ lệ HS thừa cân, béo phì ở tất cả các bậc học…
Chỉ tại phụ huynh thích con có da có thịt
Để kéo giảm tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì, các trường đều xây dựng kế hoạch, trong đó tập trung thay đổi thói quen vận động và ăn uống ở trẻ. Căng tin các nhà trường đều nghiêm cấm bán nước ngọt có gas, thực đơn được xây dựng theo chuẩn…
“Hàng tuần, nhà trường công khai thực đơn trên web và bảng thông báo để phụ huynh theo dõi, tránh trùng món trong ngày và cân đối trong tuần. Thực phẩm và thực đơn trong tuần được cân đối giữa các bữa, tăng cường rau xanh, các món ăn được chế biến sinh động, đa dạng, hấp dẫn để khuyến khích HS ăn rau củ, giảm lượng tinh bột. Giáo viên chủ nhiệm cũng thường xuyên theo dõi, nắm bắt con số HS thừa cân, béo phì, nguy cơ béo phì, từ đó có sự phối hợp với phụ huynh để điều chỉnh chế độ ăn của trẻ…”, cô Phạm Thị Thùy Trang cho biết.
“Để thay đổi thực trạng trẻ thừa cân, béo phì, vai trò của gia đình rất quan trọng. Phụ huynh cần nhận thức đúng về thừa cân, béo phì; tác hại và mức độ nguy hiểm của thừa cân, béo phì như ảnh hưởng đến vận động, sức khỏe, tim mạch; thậm chí còn khiến trẻ tự ti trong giao tiếp, ảnh hưởng đến sự tiếp thu trong học tập của trẻ…”, hiệu trưởng một trường tiểu học ở Q.1 nói. |
Ngoài ra, các trường còn tăng cường cho HS vận động qua các hoạt động vui chơi, ngoại khóa. “Ở bậc mầm non, trường thiết kế thêm các hoạt động vận động cho đối tượng trẻ thừa cân, béo phì. Trong mọi hoạt động vui chơi, học tập, giáo viên đều tạo việc cho trẻ làm để các em vừa được vận động mà vừa được thể hiện trách nhiệm trong lớp…”, cô Nguyễn Bích Thủy – Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa Mi 3, Q.5 – cho biết.
Tuy nhiên, hầu hết hiệu trưởng các trường mầm non đều cho rằng, cái khó trong việc giảm tỷ lệ HS thừa cân, béo phì là thay đổi được quan điểm của phụ huynh. “Rất nhiều phụ huynh quan niệm, trẻ phải mập mập chút mới khỏe, mới đẹp; nhiều phụ huynh còn đặt nặng yếu tố cân nặng để so sánh về tỷ lệ phát triển của trẻ. Vì thế, dù nhà trường tích cực tuyên truyền, xây dựng các kế hoạch trong thay đổi về dinh dưỡng, vận động nhưng nếu phụ huynh không nhận thức đúng, vẫn chiều theo ý thích của con cho trẻ ăn thức ăn nhanh, thức ăn chiên, uống nước ngọt, đồ uống có gas thì tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì rất khó giảm”, cô Phan Thị Ánh Hiệp cho hay.
Ngay cả bậc tiểu học, nhiều phụ huynh vẫn thích con “mập một chút”; vẫn chiều theo ý của trẻ – thích ăn gì thì cho ăn nấy. Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Q.1 cho biết, tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì trong trường lên đến gần 40%, có những lớp tỷ lệ này chiếm đến 50% nhưng khi nhà trường thay đổi thực đơn dinh dưỡng để phù hợp với đối tượng trẻ, cân bằng dinh dưỡng thì nhiều phụ huynh đã can thiệp, phản ánh. Đây là một điều rất khó cho nhà trường…
Thắm Đỗ
Bình luận (0)