Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Học sinh thực nghiệm qua dự án

Tạp Chí Giáo Dục

Cô Trần Thị Phương Thảo hướng dẫn HS thực hiện các DA trong phòng thí nghiệm
Nhiều năm nay, học sinh (HS) Trường THPT Gia Định quá quen thuộc với việc học qua các dự án (DA). Dù mất nhiều thời gian, có thể là 1 học kỳ hoặc 2 học kỳ, nhưng khi sản phẩm hoàn thành các em HS cảm thấy rất vui vì đã chế tạo ra những sản phẩm thiết thực, bổ sung nhiều kiến thức bổ ích.
Những kiến thức thực tiễn bổ ích
Những ngày gần đây, nhiều nhóm HS của lớp 11C1 tập trung tìm kiếm nguyên liệu để thực hiện DA làm giấm từ bã mía do cô Trần Thị Phương Thảo (giáo viên bộ môn hóa) hướng dẫn. Đây là DA đã được bốn bạn HS đề xuất hồi đầu năm học nhưng đến giờ các bạn mới hoàn thành xong kế hoạch để xắn tay triển khai thực hiện.
Mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 2,5 triệu tấn bã mía được thải ra từ 40 nhà máy mía đường lớn nhỏ trên cả nước, đó là chưa kể đến một lượng lớn bã mía thải ra từ các xe bán nước giải khát hiện diện ở khắp nơi. Tuy nhiên, số bã mía này chưa được tận dụng hết giá trị của nó. Trong bã mía có một lượng lớn đường còn sót lại, lượng đường này qua một thời gian có thể tạo ra giấm ăn. Nếu mỗi năm chúng ta sử dụng hết lượng bã mía này để chế biến giấm theo hướng công nghiệp sẽ mang lại nhiều lợi ích, tiết kiệm được số tiền lớn từ việc không phải mua nguyên liệu chế biến giấm hay xử lý bã mía… Đây là lý do chính để cô Trần Thị Phương Thảo hướng dẫn HS của mình thực hiện DA này.
Thanh Hằng, một thành viên trong nhóm, kể: “Mặc dù chưa hoàn thành nhưng chúng em đều hồi hộp chờ kết quả. Từ bã mía, chúng em sẽ tự tay chế biến thành đường, khi đường lên men sẽ thành rượu và cho rượu lên men để làm thành giấm (CH3COOH). Qua DA này, chúng em sẽ học được các kiến thức về tính chất của đường glucozo, axit axetic…, qua đó hiểu được quá trình biến đổi của các chất này để áp dụng trong thực tiễn”.
Khi DA được triển khai, các bạn thực hiện đã tự tìm hiểu qua internet rồi đi thu thập tài liệu, mỗi tháng các bạn đều trình bày những công việc của mình đã làm cho cô Phương Thảo biết để cùng giải quyết những khó khăn trong quá trình thực hiện.
Cùng với việc thực hiện DA này, vừa qua một nhóm HS của Trường THPT Gia Định cũng đã hoàn thành xong DA tái chế nhựa. Đây là một DA giáo dục HS biết cách bảo vệ môi trường, sử dụng nhựa một cách hợp lý. Triệu Thùy Trang, chủ nhiệm DA, cho biết: “Chúng em thực hiện DA này bởi vì nhựa là chất khó phân hủy và khi đốt sẽ gây ô nhiễm môi trường, có hại cho sức khỏe con người. Hiện nay, con người đã chế tạo ra rất nhiều vật dụng bằng nhựa và được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống hàng ngày nên lượng phế thải ngày càng tăng. Trước tình trạng đó, chúng em đã đưa ra đề án tái chế một số vật dụng thân thuộc hàng ngày như chai nhựa đủ mọi kích cỡ, vỏ xe thành dép mang và thùng rác. Như vậy các vật dụng bằng nhựa không sử dụng nữa sẽ được tận dụng làm các vật dụng khác có thể sử dụng lâu dài mà không phải vứt đi”. Qua việc thực hiện DA, nhiều HS cũng cho rằng mình đã có một kiến thức khá sâu và rộng về tính chất vật lý và hóa học của polyme, đồng thời sử dụng kiến thức này để áp dụng trong thực tiễn đời sống.
Cần nhân rộng mô hình
Ngoài những DA này, HS Trường THPT Gia Định thường xuyên được giáo viên hướng dẫn làm các DA phù hợp với từng bộ môn. Khi nhóm HS nào đề xuất ra quy trình thực hiện DA có khả thi, phù hợp với tình hình thực tế thì hội đồng giám khảo (gồm các giáo viên phụ trách bộ môn của trường) sẽ phản biện trước khi xét duyệt DA. Khi DA được duyệt, nhà trường cấp kinh phí cho các em khoảng 300-400 ngàn đồng để thực hiện. Sau đó nhóm sẽ chọn ra một người làm chủ nhiệm đề tài, giáo viên chỉ có nhiệm vụ hướng dẫn. Khi DA hoàn thành, nhà trường sẽ tổ chức cho HS một buổi báo cáo trước toàn trường, và nếu sản phẩm đạt yêu cầu cao thì năm sau có thể sẽ được gửi đi dự thi ở các cuộc thi cấp thành phố như Sáng tạo trẻ, Hành tinh xanh…
Cô Trần Thị Phương Thảo cho biết: “Qua quá trình hướng dẫn nhiều DA, tôi cho rằng bài học lớn nhất mà các em học được không chỉ là biết áp dụng các kiến thức vào thực tiễn cuộc sống mà còn là những kỹ năng sống. Trải qua gần một năm làm việc cùng nhau, nhiều lúc có những ý kiến trái ngược nhau, nếu không biết kiềm chế, lắng nghe ý kiến của người khác thì chắc chắn các em sẽ rất khó hoàn thành DA. Hay như khi thực hiện xong dự án, các em phải tổng hợp lại kiến thức để thuyết trình, trả lời các câu hỏi của giáo viên trước toàn trường, điều này cần học cách tự tin trước đám đông… Từ những hữu ích này, tôi cho rằng nếu chúng ta mở rộng được cách dạy học theo DA thì sẽ rất thú vị, bổ ích cho HS”.
DƯƠNG BÌNH

“Việc dạy học theo DA tốn khá nhiều thời gian và công sức (có thể mất nửa năm đến một năm chuẩn bị) nhưng qua đó các em HS được học rất nhiều bài học bổ ích”, cô Hoàng Thị Diễm Trang, Phó hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)