Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Học sinh Thượng Hải được giáo dục tốt nhất thế giới

Tạp Chí Giáo Dục

Khảo sát năng lực học sinh quốc tế của Tổ chức OECD cho thấy học sinh Thượng Hải được hưởng nền giáo dục tốt nhất trong số 65 nước và khu vực tham gia khảo sát
Theo một khảo sát quốc tế về các môn toán, khoa học và văn học do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organisation for Economic Co-operation and Development – OECD) công bố mới đây cho thấy, hầu hết trẻ em ở Thượng Hải (Trung Quốc) là những người đang nhận được sự giáo dục tốt nhất thế giới.
Báo cáo của chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (programme for International Student Assessment – PISA) của OECD công bố ba năm một lần. Năm vừa qua OECD đã khảo sát 470.000 học sinh có độ tuổi 15 ở 65 nước phát triển trên thế giới. Hàn Quốc và Phần Lan đứng đầu các nước được khảo sát về tổng chỉ số. Nhưng thành phố Thượng Hải của Trung Quốc – lần đầu tiên tham gia cuộc khảo sát này – lại đứng đầu bảng trong tổng kết quả của cả ba môn toán, khoa học và văn học.
Giàu chưa chắc giỏi!
Theo báo cáo của OECD, hơn 1/4 trẻ em 15 tuổi của Thượng Hải chứng tỏ được kỹ năng tư duy toán học ở trình độ cao khi giải những bài toán phức tạp, trong khi tỷ lệ giỏi toán trung bình của OECD chỉ là 3% trên tổng số khảo sát.
Các nước khu vực châu Á khác cũng đạt chỉ số điểm khảo sát cao. Ông Eric Charbonnier – chuyên gia giáo dục của OECD cho biết thành công này của châu Á chính là kết quả của những giá trị giáo dục luôn coi trọng sự bình đẳng lẫn chất lượng đào tạo. Ông nói: “Ở Thượng Hải, thành phố có 20 triệu dân, họ theo đuổi những chính sách chống lại bất bình đẳng xã hội. Họ xác định rõ những trường học nào gặp khó khăn nhất và gửi tới đó những hiệu trưởng điều hành giỏi nhất cũng như các giáo viên có nhiều kinh nghiệm giảng dạy nhất”.
Hàn Quốc đứng thứ nhì trong tổng chỉ số khảo sát, xếp thứ tư về môn toán và thứ sáu về môn khoa học. Còn Hồng Kông, Singapore, Nhật Bản và Đài Loan cũng chiếm các thứ hạng cao. Riêng nền giáo dục Phần Lan vốn được các chuyên gia giáo dục cả thế giới ca tụng, lần này vẫn đứng đầu châu Âu, nhưng lại xếp hạng ba trong tổng chỉ số, hạng nhì về môn khoa học và hạng ba về toán học. Bảy nước châu Âu khác có kết quả cao hơn chỉ số trung bình của OECD là Bỉ, Estonia, Iceland, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan và Thụy Sĩ. Trong số này Ba Lan được khen ngợi vì tiến bộ nhanh nhờ vào những cải cách giáo dục của mình.
Ông Angel Gurria – Tổng thư ký OECD khẳng định: “Kết quả giáo dục tốt chính là dự báo tốt cho sự tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Thế nhưng, mặc dù mức thu nhập quốc dân và thành quả giáo dục có liên quan nhau, báo cáo PISA cho thấy hai nước có mức độ thịnh vượng như nhau có thể có kết quả giáo dục khác nhau. Điều này cho thấy quan niệm rằng một đất nước giàu có mới có một nền giáo dục tốt đã lỗi thời”.
Kết quả giáo dục… giật mình
Thứ hạng thấp của Nhật trong khảo sát PISA hai lần trước vào năm 2003 và 2006 đã khiến công chúng nước này lo ngại về sự xuống dốc của chất lượng giáo dục. Tham gia cuộc khảo sát PISA năm 2009, Nhật có đến 6.000 học sinh đến từ 185 trường trung học trên cả nước. Kết quả đạt được lần này khá cao chứng tỏ nền giáo dục Nhật đã có cải thiện. Dù vậy, xét riêng từng môn, học sinh Nhật vẫn thua xa học sinh Thượng Hải. Nhật xếp thứ 8 về môn văn, thứ 5 về môn khoa học và thứ 9 về môn toán. Ông Yoshiaki Takaki – Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nhật lạc quan nhận định: “Kỹ năng, trình độ của học sinh nước ta đã nâng cao thấy rõ qua kết quả khảo sát này”. Trong khi đó, các chuyên gia giáo dục lại lo ngại khi chỉ rõ ra rằng: Hơn 10% số học sinh 15 tuổi của Nhật tham gia đợt khảo sát lần này nằm trong số những học sinh có điểm kém nhất trong cả ba môn văn, toán và khoa học.
Khi Nhật tham gia cuộc khảo sát PISA đầu tiên năm 2000, học sinh Nhật đứng nhất về toán, đứng nhì về khoa học và đứng thứ tám về văn học. Nhưng từ năm học 2002, Bộ Giáo dục Nhật áp dụng chương trình học 5 ngày/ tuần cho tất cả trường học công lập khiến chương trình giảng dạy phải cắt giảm rất nhiều. Chính sách giảm áp lực học tập này đã dẫn đến kết quả kém của học sinh Nhật trong các khảo sát PISA 2003 và 2006 khiến các nhà giáo dục phải tái mở rộng chương trình giảng dạy như cũ. Ông Takashi Ogawa – Hiệu trưởng Trường Trung học Ryogoku ở quận Sumida, Tokyo cho biết: “Thành quả lớn lao mà chúng tôi đạt được từ khảo sát của PISA năm nay sẽ tiếp sức thêm cho các giáo viên nâng cao chất lượng giảng dạy”. Một quan chức của Bộ Giáo dục Nhật cũng đồng tình: “Kết quả này thật đáng mừng. Chứ nếu thứ hạng học sinh Nhật mà lại tiếp tục xuống thấp nữa trong cuộc khảo sát PISA này thì có lẽ chúng tôi buộc phải xem xét lại toàn bộ chính sách giáo dục của quốc gia mình”.
Yên Nhạn (tổng hợp)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)