Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Học sinh tiểu học bắt đầu làm quen với giáo viên để học trực tuyến

Tạp Chí Giáo Dục

Không ai biết rằng khi nào dịch mới kết thúc, khi nào các con mới được đến trường. Thay vì than phiền khi con phải học trực tuyến, cha mẹ hãy chuẩn bị tâm thế vững vàng, động viên, nắm tay và mỉm cười cùng con trước màn hình, để con bước vào năm học đặc biệt với niềm ham thích nhất…


Chị Hoa cùng con vào lớp 1 trong ngày đầu học online

Theo kế hoạch, từ hôm nay (8-9) đến 19-9, 650 ngàn học sinh tiểu học TP.HCM sẽ làm quen với giáo viên. Từ 20-9, các em sẽ chính thức bước vào học chương trình năm học. Tuỳ từng nhà trường sẽ thiết kế các tiết học, hoạt động giảng dạy phù hợp với đối tượng, điều kiện học sinh, phụ huynh của trường…

Tạo hứng khởi cho con trong ngày đầu tiên

9g sáng, buổi gặp gỡ đầu tiên với GVCN lớp Một bắt đầu, chị Đỗ Yến Hoa (TP.Thủ Đức) và con trai học lớp ¼, Trường TH Lương Thế Vinh (TP.Thủ Đức) ngồi ngay ngắn trước màn hình lớp học ảo- Zoom.

Khác với mọi ngày, sáng nay bé dậy thật sớm, tự chọn bộ quần áo thích nhất, tự vệ sinh cá nhân, nôn nao trong buổi sáng đầu tiên được gặp cô và các bạn.

“Thấy con háo hức tôi cũng rất vui và phần nào an tâm. Năm học đầu tiên của con dù phải học trực tuyến nhưng cả nhà đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, luôn tạo không khí vui vẻ, khích lệ để con thấy việc học dù bằng hình thức nào cũng rất vui”, chị Hoa nói.

Theo thông tin từ GVCN, lớp ¼ có 49 học sinh. Khảo sát đầu năm về thiết bị học tập có 35 phụ huynh tham gia, trong đó có 27 học sinh có thiết bị học trực tuyến, 1 học sinh có thiết bị nhưng thiếu kết nối mạng và 6 học sinh không có thiết bị học.

“Do dịch bệnh nên năm học được bắt đầu bằng hình thức học trực tuyến. Cô rất mong phụ huynh tạo mọi điều kiện, nỗ lực hết mình, đồng hành cùng với cô trong việc học của các con. Về thiết bị học tập, đồ dùng, tập vở, nếu khó khăn quá phụ huynh cứ nhắn riêng với cô, cô sẽ tìm cách để hỗ trợ”, cô Lê Kim Trọng (GVCN lớp ¼) mở đầu buổi gặp.

Buổi gặp đầu tiên, GVCN lớp thông tin đến phụ huynh về kế hoạch học tập của lớp, về SGK, thời khoá biểu, nội quy, phương pháp học trực tuyến. Các bé sẽ học 2 môn chính là Toán, Tiếng Việt. Với các môn còn lại, GVCN sẽ gửi video để phụ huynh hỗ trợ.

Phần nhiều thời gian buổi gặp đầu năm, GVCN để phụ huynh trao đổi, tháo gỡ những băn khoăn về thời gian học, phần mềm học… Nhiều phụ huynh bày tỏ về việc rút ngắn thời gian trong 1 buổi học trực tuyến, có thêm những video sau mỗi buổi học, tránh tạo áp lực cho trẻ.  

Tương tự, cô Phạm Thị Cẩm Tứ (GVCN lớp 2/3, Trường TH Cửu Long, Q.Bình Thạnh) cũng đã có buổi gặp gỡ đầu tiên học sinh “qua màn hình” trong năm học mới nhiều cảm xúc. 32 học sinh trong lớp tự tin giới thiệu về bản thân, hào hứng tham gia tương tác các trò chơi.

“Bạn nào cũng phấn khởi nên tôi cũng rất vui. Các con lâu ngày không được gặp bạn, thi nhau nói và tôi cũng để các con được thoải mái nhất. Các con được tương tác trực tiếp với giáo viên, với bạn bè qua các công cụ bằng cách vẽ tranh, thả tim, viết chữ… nên rất hào hứng. Qua tương tác, giáo viên cũng phần nào kiểm tra được kỹ năng viết, đọc của các con, khai thác sở thích của các con về môn học, món ăn…”, cô Tứ nói.

Theo cô Tứ, buổi đầu tiên sẽ để lại ấn tượng rất sâu sắc với trẻ, thậm chí quyết định sự hào hứng của trẻ trong suốt chương trình học. Trong điều kiện trò chuyện, gặp gỡ, học tập diễn ra trực tuyến, cô Tứ chú trọng thiết kế bài giảng tăng tính tương tác, khuyến khích trẻ nêu ý kiến. Trong đó, không chỉ là cô hỏi trò trả lời mà tăng sự tham gia của trẻ vào bài học. Vận dụng tối đa yếu tố công nghệ, thiết kế trò chơi, hoạt động, sản phẩm của trẻ được cả lớp nhìn thấy, ghi nhận…

Để chuẩn bị cho buổi gặp, từ tuần trước, cô Tứ đã liên hệ với từng phụ huynh để nắm bắt hoàn cảnh của phụ huynh, học sinh. Cô cũng thực hiện khảo sát phụ huynh về phần mềm học trực tuyến, gửi phụ huynh hướng dẫn sử dụng phần mềm, để phụ huynh chủ động.

“Điều phụ huynh quan tâm, lo lắng nhất là việc học của con khi học chương trình mới, SGK mới qua online khi cả phụ huynh, học sinh đều bỡ ngỡ. Những cuộc trao đổi với phụ huynh đầu năm sẽ vừa động viên phụ huynh, học sinh, vừa tháo gỡ dần những thắc mắc, băn khoăn của phụ huynh, để phụ huynh an tâm ngay cả khi con chưa đủ đồ dùng học tập…”, cô Tứ nói.

Nhà trường, gia đình cùng nắm tay, mỉm cười với trẻ

Chưa bao giờ, năm học mới lại đặt ra cho mỗi nhà trường, mỗi giáo viên khối tiểu học TP.HCM nhiều thách thức như năm nay.

Theo thống kê, đầu năm học toàn TP có tới hơn 31 ngàn học sinh tiểu học chưa có điều kiện học tập trên internet. Không những thế, năm học 2021-2022 còn là năm tiếp tục thực hiện chương trình GDPT 2018, SGK mới ở bậc lớp 1, lớp 2. Làm thế nào để học sinh, phụ huynh có thể thích nghi, chủ động trong một trạng thái học tập hoàn toàn mới, đạt được hiệu quả giáo dục cao. Làm thế nào để đưa hành trình khám phá kiến thức đến từng học sinh trong điều kiện dịch bệnh hạn chế và thiếu thốn…?.

“Năm học này, nhà trường trao quyền chủ động cho mỗi GVCN trong thiết kế hoạt động giảng dạy, làm sao phù hợp nhất với tâm lý của trẻ. Trong tuần đầu làm quen và ổn định lớp, GVCN sẽ chia nhỏ nhóm lớp, hướng dẫn kỹ năng học trực tuyến, thống nhất nội quy cho phụ huynh, học sinh…”, cô Đỗ Ngọc Chi (Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1) chia sẻ.

Ngày đầu tiên khởi đầu năm học mới, cô Chi đã gửi đến “những người bạn nhỏ” bức thư ngỏ cùng món quà là một video hoạt hình ngộ nghĩnh, như lời động viên, chào đón. Mỗi GVCN cũng thiết kế những video để học sinh làm quen với cô, với trường theo cách hồn nhiên, gần gũi nhất, “dành không gian” để các em được tương tác, chuyện trò, giới thiệu về bản thân với bạn bè, thầy cô…


Tạo tâm thế để trẻ ham thích việc học ngay từ đầu năm

“Không ai biết rằng khi nào dịch mới kết thúc, khi nào các con mới được đến trường. Trẻ thì không đợi hết dịch mới lớn. Phụ huynh hãy nắm tay con, đồng hành cùng con, cùng nhà trường để con bắt đầu năm học “đặc biệt” với sự tươi nguyên, ham thích nhất… GVCN sẽ hết sức quan tâm, linh động, tạo điều kiện, cùng với phụ huynh tháo gỡ những gì còn băn khoăn, lo lắng…”, cô Chi nhắn nhủ.

Nhận định giai đoạn đầu năm học chắc chắn trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn do chưa ổn định nề nếp, tác phong, cô Phạm Thị Cẩm Tứ khẳng định, đây chính là thời điểm phụ huynh cần đồng hành, phối hợp với GVCN xây dựng nếp sinh hoạt cho con, coi giờ học trực tuyến như trực tiếp để con sẵn sàng tâm thế học.

Bên cạnh làm rõ đến phụ huynh kế hoạch khoa học ngay đầu năm để phụ huynh yên tâm, tạo tâm thế sẵn sàng, cô Tứ còn xây dựng hệ thống tài nguyên học liệu gửi đến phụ huynh, hỗ trợ con học tại nhà; hướng dẫn chi tiết phụ huynh cách thức sử dụng phần mềm học trực tuyến. Ngoài ra, các phiếu giao việc cũng được thiết kế để phụ huynh hỗ trợ, xây dựng nề nếp, kế hoạch học tập cùng con, từng bước tạo tính tự giác trẻ…

“Phụ huynh hãy thật sự bình tĩnh, lắng nghe những hướng dẫn của giáo viên. Không can thiệp quá sâu vào các giờ học trực tuyến mà cô, trò đang tương tác. Càng không nên nóng vội, kỳ vọng, không tạo áp lực về kết quả học tập của con trong thời gian này, tạo mọi điều kiện để con ham thích việc học”, cô Tứ gửi gắm.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)