Lần đầu tiên những bài học lịch sử được học sinh tiểu học tại TP.HCM thể hiện qua loại hình ví dặm, dân ca, cải lương bằng ngôn ngữ tiếng Anh trong Hội thi Nhạc kịch tiếng Anh về lịch sử Việt Nam do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức.
Các em học sinh đóng vai Hai Bà Trưng cưỡi voi ra trận
Thích thú, hào hứng
Tự tin thể hiện nhân vật Kim Đồng trong vở nhạc kịch của trường, em Lưu Anh Huy (học lớp 4/5 Trường Tiểu học Hồng Hà, Q.Bình Thạnh) cho biết, lần đầu tiên được đứng trên sân khấu, vừa diễn kịch vừa hát bằng ngôn ngữ tiếng Anh, em rất run. Thế nhưng, qua vở nhạc kịch, em được học nhiều hơn về lịch sử, nhất là được rèn luyện khả năng nói tiếng Anh. “Em mong sẽ có nhiều hơn nữa các sân chơi tiếng Anh, lịch sử để được cùng bạn bè, thầy cô tham gia”, Anh Huy chia sẻ.
Cô Bùi Thị Hải Yến (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Hà, Q.Bình Thạnh) cho hay, với tiết mục về anh Kim Đồng, học sinh nhà trường đã thể hiện được trọn vẹn câu chuyện lịch sử xung quanh nhân vật này. Đặc biệt, các em thể hiện sự tự tin, hoạt bát khi diễn xuất, làm chủ sân khấu. “Nhà trường chọn nhân vật Kim Đồng gần gũi với lứa tuổi học sinh để các em có thể chia sẻ, bày tỏ, thể hiện một cách gần gũi nhất. Tiết mục có sự tham gia của 30 học sinh khối 3, 4 và 5, được tập luyện trong vòng 1 tháng. Thầy trò tập luyện trong các giờ ra chơi, cuối tuần với sự hỗ trợ, đồng hành của phụ huynh”, cô Hải Yến cho biết.
Cô Hải Yến đánh giá, hội thi là một sân chơi bổ ích, mang đến nhiều ý nghĩa trong giáo dục học sinh về lịch sử, rèn luyện khả năng tiếng Anh cho các em, phát triển ở học sinh thêm các kỹ năng, thẩm mỹ… Từ đó góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học tiếng Anh trong nhà trường.
Với tiết mục về Anh hùng dân tộc Lương Thế Vinh, thầy trò Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (Q.Gò Vấp) đã mang đến hội thi màn thể hiện vô cùng mãn nhãn, thú vị. Không chỉ tự tin trình diễn tiếng Anh, thể hiện khả năng làm chủ sân khấu, các em học sinh còn khiến khán giả ngạc nhiên khi hát dân ca, ví dặm bằng tiếng Anh. Cô Phan Thị Châu (Hiệu trưởng nhà trường) cho hay, khi tham gia hội thi, quan điểm của nhà trường là “sức trường có bao nhiêu thì làm bấy nhiêu” chứ không đặt nặng yếu tố thành tích, thêm áp lực cho học sinh. Từ kế hoạch của sở, nhà trường triển khai đến 5 khối để học sinh cùng tham gia chứ không xây dựng kịch bản ngay từ đầu. Toàn bộ kịch bản, biên đạo, soạn lời thoại đều do các thầy cô dạy môn tiếng Anh xây dựng. “Tổ tiếng Anh phải bàn đi bàn lại, phải sửa đổi liên tục để học sinh có thể hát được mà vẫn đảm bảo nội dung ý nghĩa. Dựa trên giai điệu dân ca song phải thiết kế làm sao cho hợp với lời thoại, kịch bản, mạch câu chuyện, đặc biệt là dấu câu để làm sao dịch sát nghĩa nhất với nội dung câu chuyện học sinh muốn truyền tải”, cô Châu chia sẻ.
Hội thi là một sân chơi lành mạnh dành cho học sinh tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM mong muốn Hội thi Nhạc kịch tiếng Anh về lịch sử Việt Nam là ngày hội, một sân chơi lành mạnh dành cho học sinh tiểu học học tiếng Anh. Tạo cơ hội để các em sử dụng tiếng Anh một cách sáng tạo, tái hiện lại lịch sử hào hùng của dân tộc; giúp đề cao các nét đẹp văn hóa, lịch sử, các giá trị đạo đức, lòng yêu nước cho học sinh tiểu học. Từ đó hướng tới vun bồi cho các em tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào với dân tộc. Đặc biệt, hội thi cũng giúp các em học sinh có khả năng giới thiệu về lịch sử Việt Nam và lịch sử TP.HCM khi giao lưu với bạn bè quốc tế. Đây cũng là dịp để bạn bè quốc tế hiểu hơn về văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam. Ngoài Học sinh thể hiện nhân vật Lương Thế Vinh ra, hội thi cũng là cơ hội để cán bộ quản lý, giáo viên đánh giá được các hoạt động giảng dạy tiếng Anh của đơn vị. Nguyễn Bảo Quốc (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)
|
Đồng thời, cô Châu nhấn mạnh, hội thi chắc chắn tác động rất lớn đến việc giảng dạy tiếng Anh cho học sinh trong trường. Trước hết là sân chơi để học sinh học tập, học gắn với thực hành. Qua sân chơi không những phát hiện được tài năng của học sinh mà còn là tài năng của giáo viên. Rõ ràng là phát huy được phẩm chất, năng lực của từng học sinh đáp ứng mục tiêu yêu cầu mà Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đặt ra.
Hòa nhập nhưng không hòa tan
TS. Dương Minh Thành (Trưởng khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) đánh giá, bằng việc đổi mới cách tiếp cận việc học lịch sử và tiếng Anh, hội thi tác động hiệu quả đến việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở bậc tiểu học.
Theo ông Thành, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nêu rất rõ yêu cầu đổi mới với 3 trụ cột: Dạy học tích hợp; dạy học phân hóa; dạy học thông qua các hoạt động. Hội thi có tính tích hợp cao, học sinh vừa học lịch sử, lại được học tiếng Anh, tích hợp các kỹ năng về nghệ thuật. Đặc biệt là thổi hồn vào lịch sử Việt Nam, để mỗi cá nhân học sinh hiểu hơn về lịch sử, có trách nhiệm hơn với cộng đồng, đất nước, Tổ quốc. Điều này lại rèn luyện phẩm chất yêu nước, trách nhiệm – các phẩm chất thể hiện rất rõ trong chương trình mới. Bên cạnh đó còn là định hướng về hội nhập, khát vọng vươn lên của dân tộc, đều được thể hiện rất rõ trong hội thi. “Mong rằng hội thi không chỉ dừng lại ở sân chơi mà sẽ trở thành nội dung giáo dục thường xuyên đối với mỗi nhà trường, trong giờ chào cờ hoặc tiết dạy để đưa lịch sử đến gần với học sinh một cách mới mẻ”, ông Thành bày tỏ.
Phấn khởi khi thấy học sinh tự tin thể hiện khả năng tiếng Anh, năng khiếu âm nhạc trong hội thi, ông Trịnh Vĩnh Thanh (Trưởng phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp) nhìn nhận, mỗi tiết mục đều có âm nhạc, có tiểu phẩm lịch sử bằng ngôn ngữ tiếng Anh, mục đích là học sinh vừa được học tiếng Anh nhưng vẫn lồng ghép được lịch sử dân tộc. “Hội thi mang nhiều ý nghĩa khi học sinh vừa được ôn lại truyền thống dân tộc, đồng thời có điều kiện để thể hiện năng lực, các kỹ năng sử dụng tiếng Anh. Trong bối cảnh đất nước và thành phố đang hội nhập, vấn đề học ngoại ngữ là hết sức cần thiết, nhưng trên hết, học ngoại ngữ thông qua lồng ghép truyền thống dân tộc lại càng có ý nghĩa, để học sinh thành phố hòa nhập mà không hòa tan. Hơn nữa, sân chơi còn mang ý nghĩa xã hội hóa cao khi huy động được sự chung tay, đồng hành của phụ huynh trong việc giáo dục, rèn luyện học sinh”, ông Thanh nhìn nhận.
Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận (0)