Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học sinh tiểu học: Học ứng dụng khoa học vào đời sống

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 27-11, Trường TH Trần Hưng Đạo (Q.1) đã tổ chức chuyên đề “Dạy học khoa học theo hướng hoạt động trải nghiệm” năm học 2020-2021. Hoạt động là sân chơi khoa học bổ ích cho học sinh, nhằm phát huy năng lực, tư duy, sáng tạo, khơi gợi trong học sinh niềm yêu thích tìm hiểu khám phá những điều mới lạ, thú vị trong việc học khoa học, thu hút đông đảo học sinh và phụ huynh toàn trường tham gia trải nghiệm.


Học sinh thích thú trải nghiệm

Với chủ đề Khoa học phiêu lưu ký, chuyên đề được thiết kế với đa dạng các trạm khám phá kiến thức khác nhau, phù hợp với đối tượng học sinh từng khối lớp, mang đến cho học sinh sự thích thú khi trải nghiệm. Ở khối 1, 2, 3, các trạm trải nghiệm bao gồm: Ngôi nhà tri thức, Pháo hoa muôn màu, Sắc màu bong bóng, Đèn chiếu bóng thần kì, Hành tinh xanh, Trò chơi “Nơi ở của tôi”, Rạp phim vui vẻ; Trong khi đó, các trạm trải nghiệm ở khối 4, 5 là: Đèn chiếu bóng thần kỳ, Pháo hoa muôn màu, Úm ba la hoá ra si rô đá bào, Sắc màu bong bóng, Ngôi nhà tri thức, Núi lửa phun trào, Thách thức bốc bi- bốc tăm, Chất lỏng diệu kỳ. Khi tham gia trải nghiệm, học sinh từng lớp được chia theo các nhóm nhỏ (6 học sinh/ nhóm), hình thành cho học sinh các kỹ năng về làm việc nhóm, tính cẩn thận, khéo léo, khả năng xếp hàng.

“Giáo dục trải nghiệm là một hoạt động giáo dục nằm trong kế hoạch giảng dạy của trường. Việc xây dựng phong phú các hoạt động trải nghiệm gắn với các môn học không chỉ mở ra thêm sân chơi trải nghiệm kiến thức cho học sinh, trang bị cho các em thêm những kỹ năng về thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tế mà quan trọng đó là tạo ra môi trường giáo dục thân thiện, vui tươi, mỗi ngày đến trường với các em là một ngày vui”, thầy Phạm Quang Vinh (Phó Hiệu trưởng nhà trường) chia sẻ.


Chuyên đề thu hút đông đảo phụ huynh tham gia trải nghiệm cùng học sinh

Điều đặc biệt, chuyên đề có sự tham gia của đông đảo phụ huynh học sinh. Với sự cởi mở này, thầy Vinh khẳng định, đây là cách để nhà trường công khai chất lượng giáo dục, giúp phụ huynh hiểu hơn, tin tưởng hơn về các hoạt động giáo dục của nhà trường từ đó có sự phối hợp, chia sẻ, hợp tác để thống nhất trong phương pháp giáo dục trẻ.

“Bước ra ngoài những kiến thức khoa học sách vở khô khan, ở mỗi trạm đều mang đến cho học sinh những trải nghiệm thú vị, riêng biệt về kiến thức khoa học, cung cấp thêm cho các em những hiểu biết về khoa học gắn với đời sống, từ đó hun đúc cho em niềm ham thích tìm hiểu về khoa học, yêu thích các bộ môn về Khoa học, Tự nhiên xã hội, đồng thời đưa sách đến gần hơn với học sinh. Qua chuyên đề cũng giúp đội ngũ giáo viên nâng cao chuyên môn, chủ động đổi mới phương pháp để thích ứng với đòi hỏi của chương trình GDPT 2018”, thầy Vinh nhấn mạnh.

Tin, ảnh: Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)