Lần đầu tiên nhà trường không xếp loại học lực học kỳ 1 của học sinh (HS) tiểu học mà chỉ thông báo điểm và thực lực của từng HS.
Phụ huynh lo lắng
Thay vì nhận xét ở phần học lực như: giỏi, tiên tiến, trung bình… như vẫn làm ở các năm trước, năm nay lần đầu tiên các trường thực hiện theo Quy định đánh giá, xếp loại HS tiểu học mới được Bộ GD-ĐT ban hành, nghĩa là chỉ ghi kết quả thi học kỳ I và giáo viên chủ nhiệm nhận xét về tình hình học tập của từng cháu. Hơn nữa, điểm học lực môn cả năm của HS tiểu học sẽ chỉ được tính bằng điểm kiểm tra định kỳ cuối năm duy nhất, chứ không tính điểm bình quân của cả 2 học kỳ như trước đây.
Không tính điểm kiểm tra học kỳ I đối với học sinh tiểu học nhằm giảm áp lực học tập cho HS – Ảnh: Đ.N.T
Cách đánh giá mới này nhận được phản hồi khác nhau từ phía phụ huynh. Người thì áp lực về “danh hiệu”; nhưng cũng có những bậc phụ huynh cảm thấy vui vì đỡ cho trẻ và ngay cả bản thân cha mẹ chúng một chút hụt hẫng vì vẫn thích bên cạnh điểm 9, 10 là được nhìn thấy một cách tường minh con mình thuộc diện HS nào, thậm chí có người còn hỏi “riêng” cô giáo: “Cháu nhà tôi xếp thứ mấy trong lớp?”.
Theo hiệu trưởng một số trường tiểu học, cách đánh giá mới này sẽ góp phần làm giảm áp lực cho cả HS và giáo viên, vì những điểm kiểm tra thường xuyên hằng ngày hay kiểm tra giữa kỳ chỉ mang tính chất tham khảo, dùng để đánh giá, ghi nhận sự tiến bộ của HS trong suốt quá trình học tập. Thế nhưng, với cách chỉ lấy duy nhất điểm kiểm tra cuối năm làm điểm học lực môn học cho cả năm cũng sẽ tạo áp lực và không ít rủi ro cho HS.
Một số phụ huynh khác lại tỏ ra băn khoăn về tính minh bạch, công tâm của cách thức xếp loại mới. Họ bày tỏ lo ngại về việc không còn tính điểm học kỳ I nữa khiến cho các trường sẽ buông lỏng việc dạy và học vì không còn áp lực thành tích. Đó là chưa kể đến khả năng tiêu cực sẽ xảy ra khi gần đến ngày thi cuối năm, một đối tượng phụ huynh HS sẽ bằng cách này, cách khác “xin điểm” giáo viên để có một học bạ đẹp, thuận lợi cho việc chọn trường tốt ở cấp THCS.
“Đã đến lúc phụ huynh cần thay đổi quan niệm nặng nề về điểm số bởi chính điều này đã vô tình đặt lên vai đứa trẻ áp lực quá lớn về học để đạt điểm cao chứ không phải học được những gì”.
Ông Phạm Xuân Tiến – (Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội) |
Giảm áp lực điểm số là cần thiết
Ông Phạm Xuân Tiến – Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho rằng: đã đến lúc phụ huynh cần thay đổi quan niệm nặng nề về điểm số bởi chính điều này đã vô tình đặt lên vai đứa trẻ áp lực quá lớn về học để đạt điểm cao chứ không phải học được những gì.
Ông Tiến cũng thẳng thắn nói: “Để thay đổi cách đánh giá thì chính giáo viên phải nỗ lực thay đổi và sẽ phải làm việc vất vả, sát sao tới từng HS hơn. Thực tế cho thấy tâm lý giáo viên vẫn quen (hoặc thích) đánh giá bằng cách cho điểm bởi đây là việc dễ làm nhất”.
Ông Nguyễn Kế Hào – nguyên Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học – Bộ GD-ĐT cũng tỏ ra tán thành việc không tính điểm đối với HS tiểu học. Theo ông, với HS tiểu học thì không thể không học mà vẫn làm tốt trong bài thi học kỳ được. “Nếu một HS tiểu học không chịu rèn cách tập đọc, tập viết hằng ngày, không chịu làm toán thì không thể tăng tốc trong 1, 2 tuần cuối năm mà đọc thông, viết thạo, nét chữ đẹp được”. Vì vậy, hoàn toàn có thể đánh giá trình độ một HS tiểu học qua quá trình học tập hằng ngày. HS nào cố gắng, nỗ lực, giáo viên và phụ huynh đều có thể cảm nhận được chứ không phải nhờ vào thước đo điểm số cao hay thấp.
Trong thời kỳ làm Vụ trưởng Vụ Tiểu học, ông Nguyễn Kế Hào cũng chính là người đã đề xuất bãi bỏ quy định xếp thứ HS trong lớp. Nếu xếp hạng HS tiểu học, chúng ta đã khiến cho các em bị áp lực. HS top đầu được vinh danh, top giữa rơi vào trạng thái “bình chân như vại” và top cuối thì cảm thấy “chán nản”; phụ huynh cũng sẽ dùng điểm số để gây sức ép với con em.
Ông Lê Tiến Thành – Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho hay: Tại quy định về đánh giá xếp loại HS tiểu học mới này, Bộ GD-ĐT yêu cầu giáo viên khi đánh giá cần chú ý và đề cao quá trình tiến bộ của HS. Vì vậy, mặc dù điểm hằng ngày của một HS nào đó còn thấp, nhưng do nhà trường ghi nhận sự tiến bộ của các em nên nếu cuối năm, em đó cố gắng vươn lên thì vẫn sẽ được ghi nhận kết quả cao.
Về lâu dài, theo GS Hồ Ngọc Đại, một khi còn dùng điểm số để “tác động” vào việc học thì không bao giờ tốt được. Nó chỉ cho thấy sự bất lực của người lớn trong quản lý HS. Phải làm cho các em thấy học là có lợi cho bản thân chứ không phải là học để được điểm cao. Muốn vậy, giáo trình phải tốt, có tính kiểm soát cao. HS muốn học bài sau thì phải trải qua bài trước (không thể không học bài trước mà hiểu bài sau) và như vậy đến cuối năm, khi học xong bài cuối cùng nghiễm nhiên HS đó đã có lượng kiến thức nhất định mà không cần phải thi cử hay đánh giá bằng điểm số nữa.
Tuệ Nguyễn / TNO
Bình luận (0)