Theo phong tục của người Mông ở xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, nếu con trai quá 16 tuổi chưa hỏi vợ thì bị dân làng gọi là ăn chơi, lêu lổng, không lo lập gia đình để làm ăn. Con gái 14 hoặc 15 tuổi chưa lấy chồng thì bị gọi là “gái già”.
Cụm dân cư Đắk Nang, nay là thôn 1,2,3… xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông hiện có khoảng 370 hộ dân, chủ yếu là đồng bào người Mông. Chuyện những học sinh nơi đây đang học tiểu học đã “lên xe hoa” tưởng chừng khó tin nhưng lại có thật.
Không những thế, sự thật này đang tồn tại và “bám rễ” sâu trong đời sống những trai, gái người Mông. Những cặp vợ chồng chưa đủ tuổi làm bố, làm mẹ này đã phải dần xa cái chữ, xa tuổi thơ để vùi đầu vào bao toan tính thường ngày của cuộc sống mưu sinh.
Những câu chuyện tảo hôn…
Giàng A Nhà, năm nay mới 15 tuổi, đang học lớp 6, Trường THCS Vừ A Dính, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong thì bị bố mẹ bắt nghỉ học để hỏi vợ. Lệnh cha mẹ khó chối, vậy là A Nhà phải lấy một cô vợ ít hơn mình 2 tuổi. Sau khi cưới vợ, vì nhớ bạn, nhớ trường, A Nhà vẫn tiếp tục đến lớp. Thế nhưng, thấy mình đang nhỏ mà đã làm chồng và sắp làm bố nên A Nhà xấu hổ, bỏ học luôn. Vậy là Trường Vừ A Dính (cấp tiểu học và THCS) lại có thêm một học sinh bỏ học để lập gia đình.
Cô Hà Thị Sen, giáo viên Trường Vừ A Dính cho biết: “Trong năm học 2007-2008, kể cả khối tiểu học và THCS thì Trường Vừ A Dính có 5 học sinh nam bỏ học để lấy vợ, trong đó 3 học sinh lớp 5 và 2 học sinh lớp 6…”.
Đối với các học sinh nữ thì việc bỏ học để lấy chồng là chuyện “như cơm bữa”. Đơn cử, tỷ lệ học sinh nữ ở lớp 6B Trường Vừ A Dính là 0 %, lớp 6 A là 5% và lớp 7 chỉ hơn 1%… Phần lớn các học sinh nữ nơi đây chưa học hết lớp 4 đã vội nghỉ học để lấy chồng.
Em Vàng Thị Sảu, ở thôn 3, đang học lớp 4 thì ông Lý Văn Sửu, một người trong thôn đến nhà “đặt vấn đề” xin hỏi em về làm vợ cho con trai mình. Vậy là Sảu phải nghỉ học đi lấy chồng. Sau 2 năm, Sảu sinh 2 đứa con. Đang còn ở tuổi vị thành niên mà hiện em phải vừa chăm con, vừa lo việc bếp núc, nương rẫy. Người mẹ non nớt này như đang héo dần trước áp lực của cuộc sống thường ngày.
Còn em Đạm Thị Giơ, 14 tuổi, có một người trong thôn 36 tuổi, đã có một đời vợ và 3 đứa con đến hỏi về làm vợ kế. Vì cha mẹ ưng thuận nên đang học lớp 4 mà em phải nghỉ học để về nhà chồng. Hiện em mới 15 tuổi mà phải nuôi 4 đứa con nhỏ. Công việc hàng ngày đã khiến em như quên rằng mình đang còn tuổi ấu thơ.
Qua 15 tuổi đã gọi… “gái già”
Điều đáng buồn là hủ tục bao đời của người Mông vẫn đang đè nặng lên những người dân nơi đây. Ông Sửu bộc bạch: “Tôi biết Luật Hôn nhân gia đình đã quy định con gái 18 tuổi mới được lấy chồng, con trai 20 tuổi mới được lấy vợ nhưng phong tục của người Mông ta là vậy. Nếu con trai quá 16 tuổi chưa hỏi vợ thì bị dân làng gọi là ăn chơi, lêu lổng, không lo lập gia đình để làm ăn. Con gái 14 hoặc 15 tuổi chưa lấy chồng thì bị gọi là “gái già”…
Cũng theo ông Sửu, nhiều gia đình chỉ muốn con trai lấy vợ sớm để vừa được tiếng là con ngoan, vừa có thêm người làm, sinh thêm con, cháu để tăng lao động. Có lẽ vì những hủ tục này mà đến nay, phần lớn các cặp trai, gái ở Đắk Nang rất ít người thực hiện đúng Luật Hôn nhân gia đình. Bản thân ông Vàng Xúi Nhè, Trưởng thôn 2 cũng còn mang nặng hủ tục của đồng bào mình. Gia đình ông có 3 đứa con, đứa con gái lớn năm nay 14 tuổi. Theo ông Nhè thì nó sắp phải gả chồng rồi. Nhà ta lại “mất” đi một lao động.
Anh Trạng A Sử, Phó Bí thư chi đoàn thôn 2 lại còn bi đát hơn. Năm mới 15 tuổi, Sử bị cha mẹ ép cưới một cô vợ 14 tuổi. Vì không có tình cảm nên hai vợ chồng ở với nhau chưa được 2 năm thì “ly hôn”. Theo tục người Mông, nếu khi đã lấy nhau, người chồng bỏ vợ thì không việc gì, còn nếu người vợ bỏ chồng thì bên nhà gái phải đền 100kg lợn hơi và một số tiền nhất định. Mo A Sang ở thôn 3, sinh năm 1983 hồn nhiên kể: “Năm 2006, khi đang học lớp 5, cha mẹ bắt tôi nghỉ học để cưới vợ. Thế nhưng hiện nay vợ chồng đã bỏ nhau vì nó không còn thích mình nữa…”.
Việc đăng ký kết hôn theo luật đang là chuyện hiếm ở nơi đây. Quan niệm dựng vợ, gả chồng cho con ở tuổi vị thành niên đã gây nên nhiều hệ lụy cho cuộc sống lứa đôi, tạo gánh nặng cho xã hội. Vì không chấp hành luật pháp mà theo luật tục nên con trai người Mông có thể dễ dàng bỏ vợ và lấy vợ mới bất cứ lúc nào. Thực tế, đã có nhiều người đàn ông nơi đây có một đời vợ và ba, bốn đứa con nhưng vẫn cưới một cô vợ chưa qua tuổi vị thành niên.
Theo Phòng Tư pháp huyện Đắk Glong thì không phải người dân ở Đắk Nang không biết luật vì hàng năm, Phòng thường phối hợp với xã Đắk Som để tổ chức nhiều đợt tuyên truyền luật cho người dân. Tuy nhiên, hiện “phép vua vẫn còn thua lệ làng”. Nhiều bậc cha mẹ vẫn biết luật nhưng lại chưa rũ bỏ được những hủ tục lạc hậu trong quan niệm kết hôn nên đã đẩy con trẻ rơi vào “cái vòng luẩn quẩn”, kết hôn sớm… rồi sinh con.
Chia tay Đắk Nang, nhìn hình ảnh những bé gái mặt còn “búng ra sữa”, trên lưng cõng đứa con nhỏ, làm lụng quần quật cả ngày mà thấy xót thương. Tuy đã rời xa, nhưng âm điệu của những lời ru con vẫn vang đượm một nỗi buồn man mác. Âm điệu của sự trách móc vì cha mẹ đã không cho các em tuổi thơ, không cho các em học hành; trói chặt các em bởi những hủ tục mà lẽ ra cần phải rũ bỏ từ lâu.
Theo Quỳnh Giang (CAND)
Bình luận (0)