Các em HS tiểu học đang tìm hiểu lịch sử ở bảo tàng. Đây là cách học lịch sử rất thiết thực mà nhà trường có thể thực hiện.
Ảnh: N.Q
|
Thực tế, điểm thi môn lịch sử thấp không lạ đối với giáo viên dạy môn sử. Ở tiểu học, từ lớp 4, học sinh (HS) đã học môn lịch sử. Thế nhưng, ngay những bài sử đầu tiên đã không thu hút được các em bởi nội dung quá khô khan, không hấp dẫn.
HS lứa tuổi tiểu học rất thích nghe chuyện kể và tư duy qua hình ảnh, nhưng rất tiếc nội dung lịch sử lớp 4, lớp 5 lại nặng nề về cung cấp kiến thức lịch sử một cách cứng nhắc. Tại sao nội dung bài học lịch sử ở tiểu học không được thiết kế dưới dạng câu chuyện kể để HS thích thú ngay từ khi đọc bài? Thông qua câu chuyện kể, giáo viên dễ dàng chuyển tải kiến thức lịch sử đến HS hơn. Ngay cả các bài về nhân vật lịch sử cũng thật ngắn gọn, khô khan như bài “Khởi nghĩa Hai Bà Trưng” chỉ có 15 dòng trong sách để giáo viên, HS tìm hiểu và 5 dòng ghi nhớ. Nếu thay vào đó là câu chuyện hấp dẫn viết về hai bà Trưng và ghi nhớ là bài văn vần quen thuộc mà các bậc phụ huynh đã từng học trước đây: “Bà Trưng quê ở Châu Phong/ Giận người tham bạo, thù chồng chẳng quên/ Chị em nặng một lời nguyền/ Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân/…” thì thú vị biết bao. Hay như bài “Nhà Lý dời đô ra Thăng Long”, truyền thuyết Thăng Long – Rồng bay lên thật hay nhiều người lớn nói đến, nhiều truyện lịch sử viết cũng không được đề cập trong sách giáo khoa để hấp dẫn HS. Nhiều nhân vật lịch sử, anh hùng dân tộc không được soạn thành một bài học mà thông qua đó nêu lên được hoàn cảnh lịch sử, sự kiện lịch sử để HS dễ nhớ, dễ thuộc như ông Chu Văn An chỉ được nhắc đến 2 câu ngắn gọn trong bài “Nước ta cuối thời Trần” với những sự kiện lịch sử nối đuôi nhau khiến cho HS càng ngán ngẩm. Ngược lại, nhiều bài học sử không gây ấn tượng nào đối với HS tiểu học như “Chùa thời Lý”, “Nhà Trần với việc đắp đê”, “Nhà Hậu Lê và việc tổ chức quản lý đất nước”, “Trường học thời Hậu Lê”, “Văn học và khoa học thời Hậu Lê”… Nội dung của những bài học trên liệu có phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi cũng như kiến thức sử mà lứa tuổi các em cần biết? Chương trình lịch sử lớp 5 càng khiến HS chán ngán hơn bởi chủ yếu là học về sử từ năm 1930 đến 1975 với những bài học về nguyên nhân, giải pháp và ý nghĩa lịch sử như “Xô viết Nghệ – Tĩnh”, “Cách mạng mùa thu”, “Vượt qua tình thế hiểm nghèo”, “Nhà máy hiện đại đầu tiên ở nước ta”, “Đường Trường Sơn”…
Theo tôi, chỉ nên cho HS tiểu học học sử giai đoạn trước năm 1930 là phù hợp nhất và bài học sử là chuyện về các nhân vật lịch sử, anh hùng dân tộc. Qua đó cung cấp cho các em những sự kiện lịch sử liên quan, HS sẽ dễ nhớ, dễ thuộc hơn. Trong khi đó, nội dung chương trình lịch sử biên soạn không hấp dẫn, chưa phù hợp với HS tiểu học. Giáo viên tiểu học phải dạy theo yêu cầu nội dung bài sử trong sách giáo khoa. Mặt khác, thầy cô ở trường tiểu học phải dạy quá nhiều môn học nên không có nhiều thời gian để đầu tư cho môn sử và với thời lượng 1 tiết (khoảng 40 phút)/ 1 tuần dành cho môn sử là quá ít ỏi, giáo viên khó thể chuyển tải bài học sử nhằm thu hút các em hơn. Tất cả những điều trên đã làm HS không thích học sử ngay từ lúc học tiểu học.
Để HS yêu thích học lịch sử hơn, theo tôi, cần xem lại nội dung, cách biên soạn sách giáo khoa sử từ tiểu học sao cho phù hợp, hấp dẫn HS ngay từ buổi đầu học sử. Có như thế, các em mới có được niềm đam mê lịch sử, tự tìm hiểu, tự tra cứu về lịch sử khi ở lứa tuổi lớn hơn. Lúc ấy, học sử, tìm hiểu về sử không phải chỉ để đạt điểm cao trong các kì thi mà là hiểu biết về sử để tự hào về dân tộc, để học tập, phát huy những điều tốt đẹp mà ông cha ta đã từng làm trong lịch sử.
Lê Phương Trí
Bình luận (0)