Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Học sinh tiểu học thích thú “sáng tạo qua hành trình đọc sách”

Tạp Chí Giáo Dục

Hoá thân thành nhân vật kể các câu chuyện ý nghĩa; sắm vai nhà thơ, tập làm thám tử nhí; sáng tạo các trò chơi cùng sách… là các hoạt động thú vị, độc đáo học sinh tiểu học trên địa bàn Q.1 được trải nghiệm trong ngày hội giao lưu học sinh tiểu học quận 1 ngày 16-6.


Học sinh thích thú tham gia trò chơi tại các trạm

“Quá nhiều trò chơi thú vị”!

Với chủ đề “Học sinh tiểu học quận 1 – cùng sáng tạo qua hành trình đọc sách”, ngày hội được thiết kế với 5 trạm: Khoa học với đời sống; Em tập gieo vần; Đọc giỏi làm hay; Em làm thám tử nhí; Cảm nhận của em.

Thông qua các trò chơi trong từng trạm, học sinh được vừa học vừa chơi. Ở mỗi trạm đều đặt ra những nhiệm vụ khác nhau phù hợp với học sinh từng khối lớp, đòi hỏi học sinh phải đọc hiểu, suy nghĩ, cảm nhận… để có thể tạo ra sản phẩm theo yêu cầu trong từng trạm.

Tại trạm Khoa học với đời sống, để có thể được tham gia vào hoạt động thiết kế và chế tạo mô hình bè vượt sóng từ các nguyên liệu như vải, ny lông, ống hút, thau nước… học sinh phải vượt qua thử thách “tiếp nhận văn bản”, trả lời câu hỏi đúng sai. Điều này không chỉ kích thích sự sáng tạo mà còn rèn khả năng tư duy cùng sách của học sinh.

Tại trạm Em là thám tử nhí, học sinh được chơi theo từng nhóm tham gia các trò chơi tiếp sức, vượt chướng ngại vật với các câu hỏi liên quan đến các mẩu chuyện, đoạn văn ngắn mà nhóm được tiếp cận.

Trong khi đó, ở trạm “Cảm nhận của em”, học sinh lại được vẽ tranh nhân vật trong các câu chuyện mà mình ấn tượng. Ở trạm này học sinh các trường cũng sẽ được “bắt cặp” với nhau để cùng… phân vai, diễn về câu chuyện được giao.

Khi hoàn thành thử thách mỗi trạm, học sinh được nhận sticker chứng nhận và quà lưu niệm.

Vô cùng thích thú tham gia vào các trò chơi trong mỗi trạm, Thu Phương (học sinh Trường TH Trần Hưng Đạo) cho hay, các trò chơi giúp em được thỏa sức sáng tạo nhưng cũng phải suy nghĩ, sử dụng những kiến thức đã học trên lớp, qua việc đọc sách mới có thể vượt qua các “chướng ngại vật”, tạo ra sản phẩm…


Nhiều hoạt động phát triển văn hóa đọc trong học sinh

Ngoài ra, trong khuôn khổ ngày hội, học sinh còn được đọc nhiều đầu sách thú vị, đa dạng tại khu vực trưng bày sách, tham gia các trò chơi trí tuệ thử tài siêu nhí, game nấc thang hình học hay các trò chơi về đọc hiểu văn bản, đoán ý đồng đội…, tất cả đều liên quan đến việc đọc sách.

“Nhiều trò chơi thú vị quá, em rất thích. Tham gia trò chơi nào em cũng được quà. Em thích nhất là trò chơi Em làm thám tử nhí vì các trò chơi đều rất vui, đỏi hỏi chúng em phải thật nhanh, biết suy nghĩ mới có thể vượt qua”, Nguyễn Nhật Hùng (học sinh Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm) hào hứng.

Sắm vai nhân vật, kể chuyện về sách

Một hoạt động được mong chờ và để lại nhiều ấn tượng nhất trong ngày hội là vòng thi “đọc sách cùng em”. Ở sân chơi này, từng khối lớp sẽ thi tài với nhau. Trong đó, khối 1, 2, 3 sẽ… hóa thân thành các nhân vật để kể lại câu chuyện. Khối 4, 5 sẽ thuyết trình vè cuốn sách yêu thích, tác động tích cực đến bản thân…

Hóa thân thành… bác gấu đen trong câu chuyện Bác gấu đen và hai chú thỏ, Đặng Nguyễn Gia Huy (lớp 1/5, Trường TH Trần Hưng Đạo) vô cùng duyên dáng, tự tin kể lại câu chuyện. Đồng thời gửi đi thông điệp về tình yêu thương, biết giúp đỡ người khác bởi khi giúp đỡ người khác là giúp đỡ chính mình…

Trong khi đó, nhóm bạn Trường TH Nguyễn Thái Bình lại để lại nhiều xúc động với câu chuyện Bài học của mẹ. Sắm vai người kể chuyện, Tâm Như (học sinh lớp 1, Trường TH Nguyễn Thái Bình) cho biết đây là câu chuyện khiến em rất xúc động.

“Em đã nhiều lần làm mẹ buồn, em muốn nói em xin lỗi, con thương mẹ nhiều lắm. Cha mẹ là người sinh ra ta, nuôi ta khôn lớn, chúng ta phải hiếu thảo với ba mẹ, cố gắng học đạt kết quả cao…”…


Học sinh tự tin hóa thân thành nhân vật kể lại các câu chuyện ý nghĩa

Kể lại câu chuyện hay về anh Kim Đồng dũng cảm, Vũ Lưu Nguyên Khang (lớp 2/2, Trường TH Kết Đoàn) mong muốn bạn bè sẽ đến thư viện đọc sách nhiều hơn bởi đọc sách giúp mở mang kiến thức, phong phú tâm hồn.

Đối với Ngày hội giao lưu học sinh tiểu học quận 1, bà Lê Thị Bình – Trưởng phòng GD-ĐT Q.1 chia sẻ, ngày hội trước hết tạo ra sân chơi cho học sinh sau một năm học chịu nhiều ảnh hưởng của dịch COVID-19 trước khi các em bắt đầu một mùa hè nhiều niềm vui. Cạnh đó, xây dựng mối giao lưu đoàn kết thân ái giữa học sinh các trường, hướng tới xây dựng môi trường học đường thân thiện, lành mạnh.

Theo bà Lê Thị Bình, năm nay quận đổi mới sân chơi về sách cho học sinh tiểu học nhằm mang đến sự thích thú và “kéo” học sinh đến với phong trào đọc sách, góp phần nâng cao văn hóa đọc trong nhà trường.

“Mọi năm quận có hội thi Viết văn hay, rèn chữ tốt. Các em sẽ đọc sách và viết Nhật ký đọc sách, rút ra các bài học cho bản thân. Năm nay, sân chơi hướng tới tính trải nghiệm nhiều hơn để các em được sắm vai, thuyết trình, được chia sẻ…, từ đó không chỉ rèn cho học sinh thói quen đọc mở rộng mà còn tạo sân chơi lành mạnh để các em rèn luyện thêm nhiều kỹ năng, góp phần rèn luyện các phẩm chất, năng lực chung trong chương trình GDPT 2018”, bà Bình chia sẻ.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)