Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Học sinh tiểu học TP.HCM bắt đầu được tiêm vắc xin phòng COVID-19

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Chiều nay, nhiều quận huyện tại TP.HCM bắt đầu tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho học sinh tiểu học – trước hết là học sinh lớp 5. Công tác tâm lý phụ huynh, học sinh được các nhà trường, điểm tiêm hết sức chú trọng.


Học sinh lớp 5 Trường TH Trần Hưng Đạo (Q.1) tiêm vắc xin phòng COVID-19

Tại trường TH Trần Hưng Đạo (Q.1), 40 học sinh lớp 5 đầu tiên đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19 trong chiều nay. Ghi nhận tại điểm tiêm, học sinh và phụ huynh đều có chung tâm lý rất thoải mái khi tiêm.

Nhật Quang (học sinh lớp 5/7) cho hay, trước khi đến tiêm bạn đã được ba mẹ tư vấn rất kỹ về việc tiêm vắc xin nên không thấy sợ tiêm.

“Tiêm vắc xin giúp mình phòng dịch được tốt hơn, bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Thời gian qua, dịch COVID-19 đã khiến nhiều bạn trong lớp bị nhiễm bệnh phải nghỉ học online ở nhà. Em mong rằng, khi được tiêm vắc xin, việc học sẽ ổn định hơn, chúng em được vui chơi thoải mái như trước đây…”, Quang bày tỏ.

Đưa con đến điểm tiêm đúng giờ đã hẹn, chị Thu Quỳnh (phụ huynh học sinh lớp 5/7) chia sẻ, trước khi quyết định đồng thuận tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho con, chị đã tìm hiểu nhiều tài liệu, đọc nhiều thông tin về việc tiêm vắc xin cho trẻ. “Qua những thông tin đã đọc được cộng với tình hình dịch bệnh phức tạp trong thời gian qua, gia đình quyết định tiêm cho cháu với mong muốn con sẽ có sức đề kháng tốt hơn. Khi con được tiêm, gia đình cũng thêm an tâm hơn khi con học tập trực tiếp tại trường…”, chị Thu Quỳnh cho hay.


Công tác khám sàng lọc, ổn định tâm lý học sinh trước tiêm được hết sức chú trọng

Trường TH Trần Hưng Đạo là 1 trong 5 điểm tiêm trường học được Q.1 tổ chức để triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, với 2 bàn tiêm.

Cô Lê Thanh Hương (Hiệu trưởng nhà trường) thông tin, để đảm bảo an toàn tiêm chủng và an toàn phòng dịch cho trẻ, trường xây dựng quy trình tiêm một chiều, trong mọi khâu đều có bộ phận hỗ trợ, giám sát, hướng dẫn phụ huynh.

“Học sinh tiểu học, đặc biệt là khối lớp 1, 2 các em còn rất nhỏ, công tác tâm lý khi tiêm là hết sức quan trọng. Vì thế GVCN rất chú trọng làm tư tưởng, ổn định tâm lý phụ huynh, học sinh trước và sau khi tiêm. Suốt quá trình tiêm, GVCN đều luôn sát sao bên cạnh, các cô còn chuẩn bị thêm kẹo, bánh, đồ chơi để thưởng cho trẻ khi tiêm…”, cô Hương thông tin.

Tương tự, tại điểm tiêm Trường TH Phú Thọ (Q.11) với 6 bàn tiêm buổi sáng và 3 bàn tiêm buổi chiều, trong ngày 18/4 đã tổ chức tiêm cho hơn 630 học sinh lớp 5 tại 7 trường tiểu học trên địa bàn quận.

Phụ huynh không nên quá lo lắng sẽ ảnh hưởng đến trẻ

Bác sĩ Huỳnh Thanh Đào (Phòng Y tế Q.11) cho hay, trẻ càng nhỏ thì công tác tổ chức tiêm càng được chú trọng tư vấn tâm lý cho trẻ và phụ huynh, từ khâu khám sàng lọc cho đến khi tiêm, sau tiêm. Động viên, khích lệ, làm sao tạo cho trẻ sự thoải mái nhất..

Mặc dù vậy, đôi khi chính phụ huynh lại lo lắng nhiều hơn trẻ. Nhiều phụ huynh lo lắng quá khi trẻ tiêm khiến việc trẻ đi tiêm trở thành áp lực. Chính sự lo lắng của phụ huynh tác động rất lớn đến tâm lý của trẻ khi tiêm.

“Yếu tố tâm lý tác động rất lớn đến phản ứng trước tiêm và sau tiêm. Nếu trẻ lo lắng quá có thể dẫn đến phản ứng dây truyền trước tiêm và sau tiêm như nhiều trẻ cùng kêu đau đầu, mệt mỏi hoặc thậm chí là ngất xỉu. Do vậy, để hạn chế những tâm lý này, phụ huynh cứ thật thoải mái khi đưa trẻ đi tiêm”, Bác sĩ Huỳnh Thanh Đào nhắn nhủ.


Bác sĩ hướng dẫn phụ huynh theo dõi trẻ sau tiêm tại Trường TH Phú Thọ (Q.11)

Bà Nguyễn Đinh Thụy Đỗ Uyên – Phó trưởng Phòng GD-ĐT Q.11 – Trưởng điểm tiêm Trường TH Phú Thọ thông tin, hiện tại Q.11 đã hoàn thành tiêm cho học sinh khối 6, đang triển khai tiêm cho học sinh tiểu học tại 4 điểm tiêm trường tiểu học, theo hình thức hạ dần độ tuổi. Trong ngày hôm nay sẽ có khoảng 2.600 học sinh lớp 5 được tiêm vắc xin phòng COVID-19.

“Do trẻ còn nhỏ nên ngoài việc tổ chức tiêm theo đúng quy trình đảm bảo an toàn thì tâm lý của trẻ là quan trọng nhất. Trẻ đến tiêm đều trên tinh thần tự nguyện, thoải mái nhất. Khi trẻ hoặc phụ huynh chưa sẵn sàng thì sẽ không tổ chức tiêm. Tâm lý của bé là quan trọng nhất”, bà Uyên nói.

Cô Nguyễn Thị Kim Hương (Hiệu trưởng Trường TH Phú Thọ) cho hay, trước khi trẻ đi tiêm vắc xin, nhà trường đã tổ chức họp phụ huynh giải đáp thắc mắc, thông tin, dặn dò phụ huynh những điều cần thiết trước và sau khi trẻ tiêm. Đồng thời, GVCN cũng sinh hoạt thật kỹ với phụ huynh về vấn đề tâm lý, làm sao cả phụ huynh và học sinh đều đến điểm tiêm với tâm lý thoải mái nhất…

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)