Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học sinh tiểu học tranh tài khoa học bằng Tiếng Anh

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 11-12, tại Trường TH Trần Hưng Đạo (Q.1) đã diễn ra Hội thi “I want to be a scientist”. Đây là sân chơi trải nghiệm thực hành ngôn ngữ dành riêng cho đối tượng học sinh cấp tiểu học do Phòng GD-ĐT Q.1 tổ chức, thu hút sự tham gia của 28 đội thi đến từ 18 trường tiểu học trên địa bàn quận.


Hội thi là sân chơi thực hành Tiếng Anh cho học sinh tiểu học gắn với các vấn đề thực tiễn cuộc sống

Tranh tài tại Hội thi, các đội đã mang đến những đề tài nghiên cứu, thực nghiệm, điều tra xã hội quy mô nhỏ các vấn đề gắn với cuộc sống của học sinh tiểu học. Mỗi đội có thời gian 15 phút để thuyết trình và trả lời các câu hỏi của Ban giám khảo xoay quanh đề tài khoa học nghiên cứu của đội mình.

Dù là cuộc thi thuyết trình Tiếng Anh song trong Hội thi, các đề tài được đánh giá dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau, bao hàm cả về mức độ ngôn ngữ và kỹ năng của học sinh. Trong đó, khả năng thuyết trình (bài thuyết trình Tiếng Anh rõ ràng, mạch lạc, phát âm và ngữ điệu phù hợp) chiếm 1/5 tổng số điểm, còn lại là các kỹ năng về làm việc nhóm; kỹ năng trình chiếu, thực nghiệm; khả năng sáng tạo, độc đáo, tính khả thi của đề tài; kỹ năng trả lời câu hỏi của Ban giám khảo.

Với cách đánh giá bao hàm này, đại diện Phòng GD-ĐT Q.1 cho hay sẽ giúp Ban giám khảo đánh giá một cách toàn diện, khách quan không chỉ về khả năng thực hành ngôn ngữ của học sinh mà còn nhìn nhận được phương pháp tiếp cận, giải quyết vấn đề, khả năng tự học, tự nghiên cứu của học sinh thông qua việc tìm hiểu vấn đề thực tiễn cuộc sống.

Theo lãnh đạo Phòng GD-ĐT Q.1, ngoài tạo ra sân chơi và cơ hội trải nghiệm Tiếng Anh gắn với các vấn đề khoa học cho học sinh, “I want to be a scientist” còn là cơ hội để cán bộ quản lý, giáo viên tại các trường TH trên địa bàn quận đánh giá được các hoạt động giảng dạy Tiếng Anh qua môn Toán- Khoa học của đơn vị mình, từ đó có sự thay đổi, điều chỉnh để nâng cao chất lượng giảng dạy cho đơn vị. “Đặc biệt, Hội thi cũng là cách để các nhà trường đổi mới hình thức, phương pháp tổ chức, đánh giá học sinh trong hoạt động giảng dạy Tiếng Anh, góp phần thúc đẩy thực hiện thành công Đề án Dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2019-2025, từng bước tiếp cận học sinh theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực tiệm cận với chương trình GDPT 2018”, lãnh đạo Phòng GD-ĐT Q.1 nhấn mạnh.

Tin, ảnh: Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)